Vợ chồng chị tôi dở khóc dở cười, đành đồng ý. Nhưng nghĩ cảnh con dâu không biết đến những việc nội trợ đơn giản nhất, chị không giấu nổi tiếng thở dài.
Chuyện con dâu không biết nội trợ thật ra chẳng mới, khi thế hệ các “tiểu thư thời hiện đại” đến tuổi lập gia đình. “Thật ra, con trai của chị cũng chẳng khá hơn, trách móc con dâu làm gì”. Đáp lại câu hỏi của tôi là lý lẽ có phần quen thuộc của chị: nó là con trai, không biết làm việc nhà cũng bình thường, người ta không ai cười chê, chứ con gái con đứa… Rồi chị buông lời than, mình lơ đễnh quên dạy con những kỹ năng căn bản.
Từ chuyện nhà chị, tôi giật mình nhìn lại. Con gái tôi mười tuổi, mọi việc đều nhờ ba mẹ giúp. Con đầu lòng, vợ chồng tôi cưng như trứng mỏng, việc gì cũng làm thay con, dù thâm tâm vẫn nhớ là phải rèn con tự lập. Rồi đứa thứ hai chào đời, ba mẹ bận tối mắt tối mũi, tranh thủ kiếm tiền thuê người giúp việc theo giờ. Hai đứa trẻ vì thế ít phải mó tay vào việc nhà.
Tôi vội vàng lên kế hoạch “luyện công” cho con. Nhiều việc cực kỳ đơn giản, nhưng dạy rất nhọc công, con mới tạm làm quen. Ví dụ như quét nhà. Con từng thấy chị Xuân Mai quét nhà trong video ca nhạc, nên khá hào hứng bảo, con biết làm mà, dễ ẹt. Nhưng cầm cây chổi sao cho đúng, đừng xiêu vẹo phất phơ cũng phải sửa lên sửa xuống mấy lần con mới làm được. Không kiên nhẫn là ba mẹ dễ giật phăng lấy, quét nhanh cho xong.
Nhớ hồi tôi còn bé, sống với ba mẹ, đứa lớn trông chừng đứa nhỏ, tự thổi cơm, quét nhà, lặt rau, thậm chí cả làm cá. Bây giờ, thời buổi hiện đại, tất nhiên chẳng thể kỳ vọng và… đày đọa con cái như thế. Nhưng thử hình dung, con cái biết đỡ đần, chia sẻ việc nhà, bậc cha mẹ nào không vui.
Tôi dạy con từ những việc be bé, như quần áo của đứa nào, đứa ấy tự sắp xếp. Ngủ dậy thì dọn dẹp gối mền cho gọn. Bỏ xà bông, bấm máy giặt. Lấy chén đũa ra chuẩn bị dọn cơm ăn. Rồi tráng chén, trước khi tập rửa chén; vo gạo, đặt nồi cơm điện. Lột vỏ củ hành củ tỏi; luộc trứng, chiên trứng.
Chú ý dạy con phân biệt các loại rau củ quả, thịt cá ở ngoài đời, chứ không phải trong sách vở, tranh ảnh hay ti vi nữa. Kể đơn giản vậy, chứ là cả một đoạn đường dài mà nhà tôi chật vật lắm mới bước qua. Bọn trẻ dễ chán, chẳng hứng thú gì với cảnh quanh quẩn trong bếp đợi mẹ sai vặt. Chỉ cần tôi lơ là, chúng rời đi chỗ khác ngay.
Kinh nghiệm của tôi là khuyến khích càng nhiều, trẻ càng dễ thực hiện. Nhà có hai đứa, nên “huấn luyện” cùng một lúc, chúng sẽ thi đua nhau học hỏi, siêng làm. Chớ nên ưu ái con trai, càng không nên tạo áp lực nhiều hơn cho con gái. Cứ để con làm sai, làm nát mớ rau, nhũn hết quả chín. Chịu khó một chút, mới mong con hợp tác, nhất là phải giải thích rõ, vì sao chúng phải tập tành làm lụng, khi cô Hai, chị Sáu vẫn chiều chiều đến nhà “xử” hết mọi thứ chỉ trong vòng “ba nốt nhạc”.
Dạy con làm việc nhà, yếu tố đầu tiên là kiên nhẫn, sau đó là đừng ngại mất thời gian. Thời buổi bận rộn, tất bật, chúng ta dễ nản lòng, tự nhủ “chuyện rèn dạy con, để mai mốt tính tiếp”. Thế là, cố gắng làm cho xong việc, còn nghỉ ngơi, lo công chuyện này nọ. Rồi vụt cái, thấy con cái lớn tướng mà chẳng biết làm gì, lại than thân trách phận, đổ thừa cho thời thế tạo nên những đứa trẻ ỷ lại, vô tích sự, thiếu trách nhiệm với gia đình…
Tôi từng thấy nhiều người rất hay, dạy con siêng năng, có ý thức tự giác. Nhưng phải thừa nhận rằng gia đình kiểu ấy bây giờ khá hiếm. Con cái ít ỏi, các bậc cha mẹ cứ giữ thói thương chiều hết mực. Ngay tại gia đình tôi, khi tôi dạy con cầm dao, bật bếp gas, chồng tôi cứ đi ra đi vào lo lắng, cho rằng cứ từ từ, lớn lên con sẽ biết.