Dạy con chữ Hiếu mùa Vu Lan

GD&TĐ - Lễ Vu Lan không biết tự bao giờ đã trở thành ngày lễ chung của người Việt với truyền thống hiếu đạo. Mùa Vu Lan cũng là thời điểm thích hợp để con cái bày tỏ lòng biết ơn đối với ông bà, cha mẹ. Nhân dịp này bố mẹ nên giáo dục con về lòng hiếu thảo.  

Dạy con chữ Hiếu mùa Vu Lan

Sân chơi mùa Vu Lan

Nhân dịp Vu Lan báo hiếu ngày Rằm tháng Bảy, tại nhiều trung tâm Phật giáo đã diễn ra lễ cài hoa hồng lên áo, bày tỏ tấm lòng của những người con hướng về cha mẹ. Lễ cài hoa hồng được xem là một phần nghi thức quan trọng, bởi lẽ đã trở thành một truyền thống tốt đẹp, khơi gợi tình mẫu tử thiêng liêng trong ngày Vu Lan báo hiếu.

Tại các chùa, các khóa tu mùa Vu Lan mở ra thu hút hàng trăm người tham gia từ độ tuổi 5 - 22 tuổi. Nhiều cha mẹ cũng tận dụng cơ hội mùa Vu Lan để dạy đạo hiếu cho các con ngay từ khi còn bé.

Chị Nguyễn Thị Phương (Trần Nhật Duật, Hà Nội) cho con tham gia khóa giảng Vu Lan tại chùa Tứ Kỳ (Hà Nội) mong muốn: “Hàng năm, cứ vào lễ Vu Lan tôi lại đưa con lên chùa để nghe giảng về đạo hiếu. Trong các khóa tu dịp Vu Lan, ngoài việc trì tụng kinh Vu Lan báo hiếu, còn có những hoạt động khác như tặng quà cho các phật tử là học sinh để bày tỏ lòng tri ân – báo hiếu hướng về Cửu huyền Thất tổ, ông bà, cha mẹ nhiều đời. Qua đó bé sẽ hiểu rằng, hiếu thuận tức là làm những việc có ích cho bản thân và giúp đỡ cha mẹ hàng ngày.

Bà Nguyễn Thị Mơ (Trung Tự, Hà Nội) chia sẻ: “Hàng năm, cứ vào Rằm tháng 7, vợ chồng tôi lại cùng các con lên chùa thắp hương tưởng nhớ về cha mẹ. Cũng trong những dịp này để các con tôi hiểu hơn về giá trị đạo đức, sống hướng thiện và biết nghe lời cha mẹ. Trong gia đình, tôi luôn khuyên dạy con và cháu phải biết hiếu kính với cha mẹ, thương yêu người thân. Đó chính là cái gốc tạo thành nhân cách, để trở thành một người có ích trong xã hội”.

Chữ Hiếu phải được vun đắp

Theo sư thầy Thích Chân Niệm, trụ trì chùa Thượng Yên (Hà Nội) cho biết: “Lễ Vu Lan ở Việt Nam không những nhắc nhớ việc báo hiếu cha mẹ mà còn bao hàm ý nghĩa tìm về cội nguồn để biết ơn và báo ơn.

Trong những dịp lễ Vu Lan, cha mẹ nên đưa các con đến chùa nghe giảng về Vu Lan. Vào ngày này, mỗi người thường được cài lên áo một chiếc hoa hồng: Màu đỏ cho người còn mẹ và màu trắng cho ai đã mất mẹ. Với những ai may mắn được cài bông hồng đỏ trên ngực áo thì được nhắc nhở hãy cố gắng hết lòng vâng lời, hiếu kính, lễ phép với cha mẹ. Đó là may mắn lớn nhất mà người đó còn có được trên cuộc đời này. Còn người cài hoa trắng sẽ thấy như một sự nhắc nhở không bao giờ quên ơn cha mẹ, đồng thời giữ nề nếp gia phong anh em hòa thuận.

Thực hành chữ hiếu hàng ngày không chỉ răn dạy căn bản cho trẻ bằng những câu răn dạy của cha ông thời xưa như “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…”; “Kính già, già để tuổi cho”; “Cha là núi, mẹ là sông/Các con hiếu thảo, công ơn sinh thành”, “Hiếu nghĩa vi tiên” mà bố mẹ cần có những hành động thể hiện lòng hiếu đạo hàng ngày đối với ông bà, người thân thông qua cách ứng xử, lời nói, cử chỉ, hành động đúng mực, lễ phép, hiếu nghĩa với bề trên”.

Theo ThS Nguyễn Thị Phượng, Hội Khoa học tâm lý – Giáo dục Việt Nam, dịp lễ Vu Lan sẽ giúp trẻ quen dần với văn hóa dân tộc, cách hành xử đối với người thân còn sống cũng như đã khuất. Tuy nhiên, việc giáo dục chữ hiếu, phải được diễn ra hàng ngày hàng giờ, hình thành thói quen hàng ngày trong cuộc sống. Giáo dục hiếu thuận là những bài học rất nhỏ như đi hỏi về chào, không nói dối ông bà cha mẹ, không có cử chỉ việc làm xấu.

Có thể nói, giúp con cái hình thành thói quen hiếu thảo là một trong những điều khó nhất đối với các bậc phụ huynh. Chính cha mẹ phải trở thành tấm gương để con cái noi theo trong việc hình thành các thói quen tốt.

“Nên khuyến khích con cái tham gia làm những việc tốt, tìm thấy niềm vui trong những việc thiện mà mình làm được, thấy được hiệu quả vui vẻ mang lại từ sự giúp đỡ, chăm lo cho mọi người. Từ những việc nhỏ như giúp đỡ các bạn trong lớp, giúp đỡ mọi người xung quanh, có thái độ ứng xử văn hóa đúng mực đối với cộng đồng xã hội, ý thức kỷ luật cao. Những việc tốt không chỉ dạy trên lý thuyết suông, mà phải cho con trẻ trực tiếp thực hiện” - chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Phượng khuyên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.