Cho con làm từ thiện
Trong những năm gần đây ngày càng xảy ra nhiều thảm họa, thiên tai gây thiệt hại rất nhiều về người và của, và ngày càng có nhiều những hoàn cảnh đáng thương được đề cập trên phương tiện thông tin đại chúng. Chứng kiến những điều đó, nhiều bậc cha mẹ dạy con về lòng từ thiện và sự quan trọng khi đến với nhau trong cơn hoạn nạn. Họ đã hào phóng trợ giúp, thường xuyên đưa con mình tham gia vào hoạt động từ thiện, chuẩn bị tiền, vật dụng cứu trợ để gửi đi. Họ cũng khuyến khích con mình mở rộng tình yêu thương và chia sẻ những khó khăn, mất mát với những người không quen biết.
Anh Lê Văn Thành có con học Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) chia sẻ: “Tôi muốn cháu quan tâm đến mọi người, đến xã hội, hiểu giá trị của tri thức và biết quý trọng cơ hội của mình. Cũng giống như chúng ta cho trẻ cơ hội sử dụng đôi chân của mình khi trẻ đang tập đi, chúng ta cần phải cung cấp cho trẻ cơ hội để làm từ thiện, thể hiện sự quan tâm, thương yêu đến những người khác kém may mắn hơn mình”.
Diễn viên Mai Thu Huyền trong chương trình “Hành trình nhân ái” cho biết, chị đã cùng con gái tham gia chuyến đi về miền quê nghèo, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Theo chị, làm từ thiện là một phương pháp giáo dục con cái rất hữu hiệu.
Thực tế, trong cuộc sống, nhiều phụ huynh chỉ khuyên con học suốt đêm ngày để thi đậu vào trường chuyên lớp chọn, nhất là ở các đô thị, không muốn cho con em sinh hoạt xã hội, sợ mất đi thời giờ ảnh hưởng đến học tập, nhiều gia đình khá giả còn cho người làm hết mọi việc phục vụ sinh hoạt cá nhân cho con em để con em họ chỉ còn một hoạt động là học. Tuy nhiên, dạy con cách biết chia sẻ, cảm thông và nghĩ đến người khác ngay từ tuổi ấu thơ luôn là điều nên làm.
Bài học đầu đời quan trọng với trẻ
Chia sẻ về điều này, ThS tâm lý Phan Lan Phương, giảng viên Trường CĐSP Cần Thơ cho rằng, giúp con biết cảm thông và chia sẻ là một trong những bài học đầu đời quan trọng mà các bậc cha mẹ cần dạy trẻ. Khi bố mẹ tạo cho con cơ hội tiếp xúc với nhiều người và các hoàn cảnh khác nhau, con sẽ được tận mắt chứng kiến những cảnh đời bất hạnh, côi cút của các bạn cùng trang lứa hay cảnh neo đơn của các cụ già, cảnh ốm đau bệnh tật hết tiền cứu chữa của một gia đình nghèo...
Cha mẹ hãy khơi dậy trong con sự cảm thông, thương xót với những người kém may mắn và có cảnh đời bất hạnh bằng các cử chỉ quan tâm, hỏi han, giúp đỡ họ bằng hành động thiết thực như quyên góp tiền, quần áo, sách vở... cần hướng dẫn và đồng hành cùng con để con có thể tham gia hoạt động từ thiện một cách có ý nghĩa, bền lâu.
Theo ThS tâm lý Phan Lan Phương, lợi ích của việc tích cực bồi dưỡng lòng từ thiện cho trẻ em là rất lớn. Bên cạnh việc giúp trẻ mở rộng tầm nhìn, từ thiện còn mang lại cho trẻ em một sự thúc đẩy mạnh mẽ để nhân rộng lòng nhân ái, để trẻ nhận ra rằng có thể tạo sự khác biệt cho cuộc sống của một ai đó. Vì vậy, các bậc cha mẹ đừng chờ tới khi con em mình lớn lên, ngỡ ngàng trước thực tế và mất phương hướng, đừng chỉ tập trung cho con ăn học mà hãy cho phép con tham gia, thậm chí khởi xướng những hoạt động thực tế ngoài việc học ở trường ngay từ khi con còn nhỏ.