Dạy chữ cho học viên lớn tuổi ở Yên Châu

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Để giúp bà con dân tộc biết đọc, viết, các thầy cô giáo đã tổ chức mở lớp dạy chữ cho học viên lớn tuổi ở các bản thuộc xã Mường Lựm (Sơn La).

Một buổi học của các học viên ở bản Ôn Ốc, xã Mường Lựm.
Một buổi học của các học viên ở bản Ôn Ốc, xã Mường Lựm.

Học sinh là bà, là mẹ...

Chúng tôi có dịp cùng cán bộ xã Mường Lựm đến bản Pa Khôm (xã Mường Lựm, huyện Yên Châu), nơi đang mở lớp xóa mù chữ (XMC), chống tái mù chữ cho bà con trong bản. Gần một giờ đồng hồ, vượt qua những cung đường uốn lượn dốc đứng, chúng tôi đến điểm trường của bản khi trời đã tối.

Nhìn qua khung cửa sổ, trong lớp có người trẻ tuổi, người già, nam giới độ tuổi lao động và cả những bà mẹ địu con trên lưng. Lớp học được trang bị khá hiện đại, bởi cùng với bảng đen, phấn trắng, giáo viên sử dụng máy tính, máy chiếu để giảng dạy giúp học viên hứng thú với bài giảng.

Bà Mùa Thị Sua, bản Pa Khôm cho biết: “Ngày nhỏ gia đình khó khăn, nhà đông con nên tôi không được đi học. Lớn lên đi lấy chồng, sinh con, chỉ biết làm nương, làm rẫy, chăn con gà, con lợn. Được cán bộ xã, ban quản lý bản và giáo viên tuyên truyền, vận động, tôi đăng ký và cố gắng theo học. Ngày đầu còn lóng ngóng chưa biết cầm bút, nét chữ nguệch ngoạc, hôm nay tôi đã biết viết tên mình cùng các thành viên trong gia đình rồi”.

Các học viên vui mừng khi có thể biết viết và biết đọc.

Các học viên vui mừng khi có thể biết viết và biết đọc.

Hiện nay, xã hội đang bước vào thời thời kỳ công nghiệp 4.0, các mạng xã hội, internet phát triển như vũ bão, biết đọc, biết viết, cộng, trừ, nhân, chia… tưởng như điều bình thường với bao người. Tuy nhiên, với các học viên người Mông ở xã Mường Lựm, học XMC là một nỗ lực không ngừng nghỉ của cả thầy và trò. Tất cả hướng đến một cuộc sống ấm no, đủ đầy hơn. Chính vì thế mà thầy và trò ngày đêm cố gắng học tập.

Thầy Cà Văn Hỏa, giáo viên Trường PTDTBT TH - THCS Mường Lựm được phân công vừa dạy học ở điểm trường bản Pa Khôm vừa đứng lớp XMC cho 29 học viên trong bản. Công việc cả ngày nên thầy Hỏa phải ở lại điểm trường.

Thầy Hỏa nói: "Trong quá trình dạy, tôi thấy những học viên lớn tuổi, nhận thức chậm, nhưng bù lại họ luôn sắp xếp việc nhà để đi học đủ, đúng giờ, chăm chỉ học bài. Chính việc duy trì sỹ số này, giúp tôi có thêm động lực để bám bản, dạy chữ cho bà con".

Thầy Hỏa đang lên lớp giảng dạy cho các học viên ở Pa Khôm.

Thầy Hỏa đang lên lớp giảng dạy cho các học viên ở Pa Khôm.

Còn tại nhà điểm trường bản Ôn Ốc, lớp XMC có 43 học viên, đa phần là phụ nữ. Điểm trường có 2 giáo viên cắm bản luân phiên đứng lớp. Các giáo viên dạy luôn tìm phương pháp truyền đạt dễ hiểu nhất, đưa hình ảnh thực tế để học viên dễ tiếp thu. Những bàn tay lâu nay chỉ quen cầm dao, cầm cuốc, giờ nắn nót từng nét chữ, con số cho thấy ý chí quyết tâm của những học sinh đặc biệt này.

Biết chữ thêm vui...

Bà Lầu Thị Mua, bản Ôn Ốc chia sẻ: "Ngày trước không biết chữ, mọi thứ cứ mù mờ không hiểu. Bây giờ được các thầy cô dạy biết đọc, biết viết rồi như xóa bỏ mây mù trước mắt, không còn mặc cảm như trước kia. Biết đọc nên mình biết dùng điện thoại thông minh để xem báo, xem những hướng dẫn về cách trồng trọt, chăn nuôi...".

Thầy giáo Nguyễn Văn Trung, Phó hiệu trưởng Trường PTDTBT TH - THCS Mường Lựm, thông tin: Qua rà soát, xã có 115 trường hợp trong độ tuổi chưa biết chữ. Nhà trường đã báo cáo với Phòng GD&ĐT huyện Yên Châu mở lớp XMC và phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội của xã vận động bà con tham gia.

Việc mở lớp dạy xoá mù chữ đã giúp bà con người Mông ở xã Mường Lựm biết chữ. Từ đó, nâng cao nhận thức, giúp xoá đói giảm nghèo ở địa phương.

Việc mở lớp dạy xoá mù chữ đã giúp bà con người Mông ở xã Mường Lựm biết chữ. Từ đó, nâng cao nhận thức, giúp xoá đói giảm nghèo ở địa phương.

Hiện nhà trường đã mở 3 lớp học XMC, với 104 học viên học tại điểm trường Tiểu học bản Pa Khôm, Ôn Ốc và Khấu Khoang. Các lớp học đều khai giảng từ tháng 9 và kéo dài đến tháng 5/2024; thời gian học từ 19 - 21 giờ 30 phút tối từ chủ nhật đến thứ năm hằng tuần.

Theo bà Vũ Thị Tuyết, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Châu thông tin: Các học viên lớp xoá mù được học tiếng Việt và Toán cơ bản. Giáo án chương trình được giáo viên hoàn chỉnh dựa trên nhu cầu thực tế và trình độ của học viên. Chương trình XMC giúp bà con biết đọc, biết viết, biết tính toán để biết áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

"Để khuyến khích bà con học chữ, phòng đã chỉ đạo nhà trường phân công giáo viên dạy học miễn học phí, hỗ trợ toàn bộ sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho học viên và hỗ trợ 10.000 đồng/buổi/học viên. Ngoài ra, để tạo tâm lý thoải mái giúp học viên tiếp thu bài tốt, sau mỗi giờ giải lao, giáo viên còn trò chuyện, hỏi thăm đời sống; tuyên truyền nhân dân phát triển kinh tế gia đình, xóa bỏ các hủ tục, như nạn tảo hôn, mê tín dị đoan...", bà Tuyết cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ