3 điểm/môn cũng đậu
Theo danh sách công bố của Sở GD&ĐT, Trường THPT Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh) có số điểm chuẩn cao nhất với 33 điểm. Đây cũng là trường THPT công lập duy nhất tại Hà Tĩnh lấy điểm chuẩn thấp hơn so với kỳ tuyển sinh năm 2020 (giảm 0,75 điểm).
Số trường có điểm chuẩn trên 20 cao gấp 3 lần so với kỳ tuyển sinh năm 2020 với 24 trường. Trong đó nhiều trường bất ngờ tăng mạnh từ 5 điểm đến gần 9 điểm, như: Trường THPT Kỳ Anh: 23.75 điểm (tăng 8,75 điểm); Trường THPT Kỳ Lâm: 20,25 điểm (tăng 5,25 điểm); Trường THPT Cẩm Xuyên: 20,50 điểm (tăng 5,50 điểm); Trường THPT Nguyễn Đình Liễn: 21 điểm (tăng 6 điểm); Trường THPT Lê Hữu Trác: 22,50 (tăng 7,50 điểm)…
Điểm trúng tuyển là tổng điểm của 3 môn thi Toán và Ngữ văn (hệ số 2), Tiếng Anh (hệ số 1) và điểm ưu tiên. Năm nay, điểm chuẩn ở các trường THPT công lập dao động từ 15 điểm đến 33 điểm, chênh lệch giữa trường cao nhất và trường thấp nhất là 18 điểm. Như vậy, có trường chỉ cần 3 điểm/môn là trúng tuyển.
Thầy Nguyễn Huy Tuấn – Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Lộc (huyện Can Lộc) cho hay: Do điểm thi năm nay của thí sinh cao và đồng đều; chất lượng đào tạo tại các trường THCS của huyện nâng cao. Đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản và dày dặn kinh nghiệm trong dạy học và ôn thi. Ngoài ra, nhận thức của phụ huynh thay đổi, việc đầu tư cho con cái học hành được chú trọng…
Còn thầy Nguyễn Văn Quang - Hiệu trưởng Trường THPT Cẩm Bình (huyện Cẩm Xuyên) cho biết: Điểm chuẩn của trường cao hơn so với năm ngoái nhưng tỷ lệ tuyển sinh không thay đổi. Mùa tuyển sinh năm nay, thí sinh đạt điểm thi cao, điều đó khẳng định chất lượng giáo dục đang được đầu tư mạnh…
Theo cô Nguyễn Thị Lệ Thủy - Hiệu trưởng Trường THPT Kỳ Anh (huyện Kỳ Anh), tỷ lệ học sinh có nguyện vọng đăng ký vào trường khá lớn, 767 em nhưng chỉ lấy 630 chỉ tiêu. Ngoài ra còn có một số học sinh thi vào Trường THPT chuyên Hà Tĩnh nhưng đăng ký nguyện vọng 2 tại trường. Vì thế trong đợt tuyển sinh này, có khoảng 170 học sinh bị loại.
Có bất thường?
Xung quanh câu chuyện điểm chuẩn vào lớp 10 năm nay vì sao tăng mạnh, khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT lý giải nguyên nhân do:
Thực hiện Nghị quyết 29 của Đảng, Đề án 522 của Chính phủ và Nghị quyết 96 của HĐND tỉnh với mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp. Mục đích là để cân đối nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, so với số lượng học sinh lớp 9 của các huyện, thị xã, thành phố (nơi có các trường THPT, TTGDTX), hiện tỷ lệ vào lớp 10 công lập của tỉnh vẫn cao hơn yêu cầu của Chính phủ và nhiều tỉnh khác (72% so với Nghị quyết HĐND tỉnh giao năm học này dưới 70%). Mặt khác, ngành Giáo dục cũng đã tính yếu tố đặc thù ở một số huyện miền núi như Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê để tăng thêm chỉ tiêu. Những địa phương này, các trường ngoài công lập và trường nghề chưa phát triển.
Ngoài ra, nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THPT (thậm chí tốt nghiệp đại học, cao đẳng) đã vào học tiếp trường nghề để học lấy bằng, chứng chỉ vì dễ kiếm việc làm. Vì vậy vừa tốn kém kinh phí cho gia đình, xã hội, vừa lãng phí nguồn nhân lực nên công tác phân luồng ở trường THCS được đẩy mạnh.
“Vài năm trở lại đây, với sự chỉ đạo của ngành Giáo dục trong việc tập trung đổi mới dạy - học bậc học THCS với chủ đề: “Năm học của THCS”, chất lượng học sinh bậc học này ngày càng được cải thiện đáng kể. Điểm chuẩn của kỳ thi vào lớp 10 THPT đã khẳng định sự chuyển trên” - ông Nguyễn Quốc Anh nhấn mạnh.