Đầu nguồn vắng lũ, hạ nguồn lo ngập lụt

GD&TĐ - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang tồn tại nghịch lý về nguồn nước. Trong khi thượng nguồn không có lũ thì hạ nguồn, đặc biệt là vùng đô thị đang tất bật ứng phó với tình trạng ngập úng do triều cường…

Trong khi thượng nguồn không có lũ thì hạ nguồn sông Cửu Long ứng phó với tình trạng ngập úng do triều cường. Ảnh: HS quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) ra về trong đợt triều cường.
Trong khi thượng nguồn không có lũ thì hạ nguồn sông Cửu Long ứng phó với tình trạng ngập úng do triều cường. Ảnh: HS quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) ra về trong đợt triều cường.

Thượng nguồn vắng lũ  

Gần hết tháng 8 âm lịch nhưng người dân vùng đầu nguồn sông Cửu Long thuộc tỉnh An Giang, Đồng Tháp vẫn chưa thấy nước lên. Nhiều hộ mong chờ mùa lũ để mưu sinh nay cũng đành gác lưới, chuyển sang làm nghề khác. Theo chia sẻ của những lão nông, gần hết tháng 8 mà chưa có lũ thì xem như mùa lũ cạn!

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, lũ đầu nguồn sông Cửu Long trong năm nay sẽ đạt đỉnh lũ chính vụ vào ngày 18 - 20/10, với mực nước dự kiến thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm. Qua quan trắc, mực nước lũ trong tháng 9 trên dòng chính sông Mekong ở mức thấp hơn khá nhiều so với trung bình nhiều năm.

Điều đáng lo ngại là mực nước ở Biển Hồ (Campuchia), nơi được xem là “túi chứa nước lũ” vùng hạ nguồn sông Mekong hiện nay mới chỉ đạt 4,24m, thấp hơn tới 4,18m so với trung bình nhiều năm (8,42m).

Mực nước từ thượng nguồn sông Mekong thấp nên mực nước tại trạm Tân Châu và Châu Đốc (An Giang) trong tháng 9 ở mức thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm. Mực nước tại 2 trạm này trong tháng 9 đã đạt đỉnh vào ngày 22/9 tại Tân Châu (2,25m) và Châu Đốc (2,24m).

Đây cũng là đỉnh lũ cao nhất từ đầu mùa lũ đến nay. Đến ngày 30/9, mực nước lớn nhất tại Tân Châu chỉ đạt 2,1m, thấp hơn 1,71m so với trung bình nhiều năm (3,27m); mực nước lớn nhất tại Châu Đốc đạt 2,08m, thấp hơn 1,31m so với trung bình nhiều năm (3,39m).

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ), lý do lượng nước từ sông Mekong về ĐBSCL thấp một phần do lượng mưa ở phần trung du không nhiều nên lượng nước thấp. Khu vực cũng vừa trải qua một mùa khô với mức hạn hán lịch sử khiến nhiều vùng trũng, hồ chứa và lòng đất thiếu hụt nước, lượng mưa phải bù trước cho các thiếu hụt này trước khi đổ về hạ lưu…

Về giải pháp, theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL, vùng ĐBSCL cần giảm thâm canh lúa 3 vụ để phục hồi không gian hấp thu lũ, từ đó tăng khả năng chống chịu với biến động về nước. Trong tình hình nguồn nước bất thường, sức chống chịu của ĐBSCL đã suy giảm trong mấy chục năm qua. Đê bao khép kín không đón nhận, hấp thu nước vào mùa lũ, nên mùa khô gay gắt hơn...

Về nguyên nhân, theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chủ yếu là do El Nino gây mưa ít trên toàn lưu vực từ đầu năm đến khoảng tháng 9/2019. Về thủy điện trên dòng Mekong, không gây thiếu nước được, nhưng khi gặp tình huống ít mưa, thiếu nước, do cần tích đủ nước mới xả ra phát điện thì thủy điện làm chậm đường đi của nước, làm tình hình tồi tệ thêm…

Gần hết tháng 8 âm lịch nhưng người dân đầu nguồn sông Cửu Long vẫn chưa thấy nước lên. Ảnh chụp tại Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp).
Gần hết tháng 8 âm lịch nhưng người dân đầu nguồn sông Cửu Long vẫn chưa thấy nước lên. Ảnh chụp tại Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp). 

Hạ nguồn ứng phó ngập lụt 

Trong khi vùng thượng nguồn không có lũ thì vùng hạ nguồn sông Cửu Long đang ứng phó với tình trạng ngập úng do triều cường. Đặc biệt là từ nay đến cuối năm có ít nhất 5 đợt triều cường lớn gây ngập sau nhiều vùng hạ lưu. Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, vùng giữa ĐBSCL, nhất là các khu vực tiếp giáp vùng thượng nguồn tới đây sẽ chịu ảnh hưởng mạnh của triều cường.

Dự báo mực nước lớn nhất ở mức báo động 2 và trên mức báo động từ 5 - 10cm. Ở vùng ven biển ĐBSCL mực nước lớn nhất mùa lũ ở mức báo động 3 và trên báo động 3 từ 5 - 10cm. Các khu vực chịu ảnh hưởng mạnh của triều cường gồm các tỉnh, thành: TP Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Bến Tre; cần hết sức đề phòng trong thời gian triều cường đạt đỉnh. 

Một trong những địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của triều cường là TP Cần Thơ. Năm 2019 trận triều cường lịch sử tháng 10 làm đa số các tuyến đường nội ô thành phố ngập sâu. Nhiều trường học phải đóng cửa, cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn.

Theo Đài khí tượng thủy văn Cần Thơ, từ nay đến cuối năm, thành phố sẽ có 5 đợt triều cường, từ tháng 9 đến tháng 12. Cụ thể, đợt triều cường thứ nhất từ ngày 30/9 - 5/10; đợt 2 từ ngày 15 - 20/10; đợt 3 từ ngày 30/10 - 4/11; đợt 4 từ ngày 14 - 19/11; đợt 5 từ ngày 28/11 - 3/12.

Theo ông Nguyễn Thái Bảo, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ), để ứng phó với triều cường, quận đang triển khai các giải pháp khẩn cấp. UBND quận thành lập các đoàn công tác kiểm tra, rà soát và khẩn trương khắc phục ngay các nắp hố ga, nắp hố kỹ thuật, cửa thu nước bị mất, bị hư hỏng không đảm bảo an toàn. Đồng thời rà soát, cắm biển báo nguy hiểm tại những vị trí ngập sâu, các khu vực có nguy cơ mất an toàn… 

Các trường học ở TP Cần Thơ với hàng trăm ngàn học sinh cũng khẩn trương lên kế hoạch bảo đảm an toàn trong mùa triều cường. Theo Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, hiện các Phòng GD&ĐT quận, huyện phối hợp với cơ quan có liên quan lập đoàn kiểm tra các trường về thực hiện các phương án đảm bảo an toàn cho trẻ. Bên cạnh đó, căn cứ vào tình hình triều cường, sẽ chủ động xin ý kiến Sở triển khai phương án điều tiết thời gian đến trường, tan trường phù hợp hoặc cho học sinh nghỉ học… 

Theo bà Nguyễn Kiều Phương, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Bình Thủy (TP Cần Thơ), để chủ động đề phòng, ứng phó với tình trạng ngập lụt ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông và bảo đảm an toàn tính mạng cho học sinh, giáo viên trong đợt triều cường, Phòng GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục trực thuộc khẩn trương ứng phó. Lãnh đạo các trường chủ động triển khai các giải pháp để phòng tránh đuối nước.

Đảm bảo an toàn cho học sinh, phương án điều tiết thời gian đến trường và tan học phù hợp với diễn biến triều cường. Nhà trường phối hợp với cha mẹ học sinh, với các đoàn thể địa phương tổ chức việc đưa đón học sinh đến trường để  bảo đảm an toàn cho học sinh. Trong trường hợp triều cường dâng cao và diễn biến phức tạp, lãnh đạo trường chủ động báo cáo Phòng để tham mưu, xin ý kiến UBND quận, Sở GD&ĐT về việc cho học sinh nghỉ học… 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Đỗ Thị Hồi trong giờ lên lớp.

'Quả ngọt' của cô giáo vùng khó

GD&TĐ - Cô Đỗ Thị Hồi, Trường TH Lạc Hòa 1 (TX Vĩnh Châu, Sóc Trăng) là nữ giáo viên đầu tiên của tỉnh được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.