(GD&TĐ) - Rời khỏi Bệnh viện huyện Sa Pa, sau khi đề nghị Huyện ủy Sa Pa báo cáo ngắn gọn tình hình, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận hối hả vào Trung tâm xã Bản Khoang. Tại hiện trường, cảnh tượng kinh hoàng của đêm 4/9 như được tái hiện ngay trước mắt… PV Phương Đông - Bá Hải điện thoại từ hiện trường.
|
Vị Tư lệnh ngành Giáo dục lội bùn lầy hướng về nơi trước đây là nhà công vụ tại xã Bản Khoang |
Tìm lại ngôi nhà xưa…
Đường vào xã Bản Khoang 1 ngày sau cơn lũ quét dù đã được các lực lượng chức năng dọn dẹp đáng kể nhưng vẫn còn ngổn ngang những tảng đá to như những tấm phản án dưới lòng đường, thân cây gỗ bị lũ đốn hạ quăng vãi khắp nơi, bùn ngập ngang gối... Xung quanh con đường, cho dù mới nghỉ trưa chưa lâu, nhưng các lực lượng công an, bộ đội, giáo viên tình nguyện đã lại xắn tay tích cực khẩn trương dọn dẹp hiện trường.
Không chờ đợi cả đoàn, vội vã rút chân ngập sâu trong bùn lầy, leo qua những tảng đá hàng tấn, vị Tư lệnh ngành Giáo dục sốt ruột hướng về nơi trước đây là nhà công vụ. Sau đó, với Bộ trưởng, đó là một khoảng lặng…
Bởi thật quá đau lòng khi chứng kiến vùng đất trước kia là nhà tập thể giáo viên, là nhà dân, ao cá, vườn cây, ruộng hoa màu… đã bị lũ nuốt sạch, giờ chỉ còn là một bãi bùn lầy với ngang dọc chồng chất những tảng đá to trơ trụi. Dấu tích còn lại của sự sống con người chỉ là những cây kèo cột nhà bị đè dí dưới sức lao của những khối đá hàng tấn.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cố gắng bới tìm trong đống hoang tàn những hiện vật chứng tỏ nơi đây đã từng có ngôi nhà các đồng nghiệp của ông ngồi soạn giáo án, chăm con nhỏ, yên ấm hạnh phúc gia đình… Mất một hồi lâu, Bộ trưởng cúi nhặt một mảnh bàn phím máy tính bê bết bùn lầy bên con thú nhún đồ chơi. Lúc này, ông đứng trầm ngâm, cố nén nhưng khó có thể giấu được sự xúc động, xót xa trong lòng.
Ngay bên cạnh đó, Chánh văn phòng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Phương và Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại Nguyễn Ngọc Nam cũng rất xúc động khi mở xem cuốn sổ tay của một cô giáo với trang cuối cùng còn ghi những dòng chữ về kế hoạch chuẩn bị ngày khai giảng, lo Tết Trung thu cho các em học sinh. Mở ngược về những trang khác, là một vài con số tính toán tiền ăn, tiền học, tiền điện tiền nước…trang trải trong một tháng lương giáo viên vùng cao hạn hẹp…
Cuộc sống thường ngày của giáo viên vùng cao vốn đã khó khăn gian khổ, điều kiện công tác cũng ẩn đầy nguy nan. Vậy nhưng yêu trường, yêu nghề, yêu các em học sinh, thầy cô vẫn bám trụ đến cùng. Đọc mà thấy thương thầy cô Bản Khoang quá…
|
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nghe các cô giáo kể lại trận lũ kinh hoàng. Ảnh: qdnd.vn |
Quyết tâm đón học sinh vào ngày 9/9
Tiếp tục lội bùn, trèo đá, đội mưa đi sâu vào hiện trường, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đến Trường Tiểu học Bản Khoang. Những tưởng trận lũ quét khiến nhà trường tê liệt, nhưng không, cô giáo Tươi - giáo viên mầm non Bản Khoang - cùng các giáo viên trong trường, trong huyện và các chiến sĩ công an vẫn đang miệt mài trong mưa còng lưng múc bùn đất ra khỏi các phòng học, cọ rửa nền nhà, sân gạch... Dường như tất cả đều chung tâm đồng lòng mong muốn sớm khôi phục lại những mái nhà, ngôi trường, phòng lớp để năm học mới được bắt đầu như nếp thường.
Thấy Bộ trưởng đến tận nơi thăm hỏi, động viên, trao quà, các cô giáo với lấm lem bùn đất đều rất xúc động. Lắng nghe những chia sẻ từ giáo viên, hỏi thăm về gia cảnh của từng người, Bộ trưởng ân cần quan tâm: “Bao giờ trường có thể khai giảng được?”. Cô giáo hiệu trưởng hạ quyết tâm cố gắng đến ngày 9/9 sẽ lại đón các em học sinh và tổ chức lễ khai giảng. Lễ khai trường muộn của của thầy trò Bản Khoang năm học này có niềm vui đến lớp nhưng cũng đượm nỗi xót xa mất mát và thoáng cả sự hãi hùng lo lắng của trận lũ quét vừa xảy ra.
Nhìn những tan hoang, trông vào sức người nhỏ bé, có thể thấy được sự nỗ lực đến nhường nào của tập thể giáo viên, cán bộ, các lực lượng xã Bản Khoang - tất cả vì học sinh thân yêu. Thay mặt cán bộ giáo viên, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Anh Ninh báo cáo với Bộ trưởng: Từ 5/9, sau khi thông đường, có hơn 200 GV tình nguyện bất kể đêm ngày dọn dẹp hiện trường. Quyết tâm sớm đón các em học sinh đến trường, dạy và học như bình thường.
Sự sẻ chia, đùm bọc nghĩa tình
Khen ngợi tinh thần vượt khó của tập thể cán bộ, giáo viên xã Bản Khoang, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận căn dặn: Các thầy cô giáo ngày thường đã rất vất vả bám dân, bám bản, bám trường. Khi có sự việc xảy ra, các thầy cô không quản ngại vất vả, gạt đi những nỗi sợ hãi, âu lo để tiếp tục trách nhiệm người thầy, sửa sang trường lớp, lo lắng đến việc học của học sinh… Đây là điều rất đáng khen ngợi, là tấm gương cho các thầy cô giáo trong toàn ngành học tập.
Trong tình hình hiện tại, Bộ trưởng nhắc nhở sau khi ổn định trường lớp, thầy cô giáo Bản Khoang đến các gia đình, động viên cha mẹ học sinh yên tâm vững lòng tiếp tục cho con em đến trường, đến lớp.
Trở về Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Bản Khoang, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã trao quà cho 3 điểm trường bị lũ quét và các giáo viên bị mất tài sản. Bộ trưởng phát biểu: Đối với các trường tiểu học, THCS Bản Khoang, Bộ GD&ĐT sẽ chuyển đầy đủ sách vở cho các cháu và các thầy cô để làm tài liệu dạy và học.
Những món quà từ ngành Giáo dục được Bộ trưởng thân thương trao đến các thầy cô, san sẻ những đau thương mất mát, mong các thầy cô sớm ổn định tinh thần, tiếp tục công tác. Ngoài phần quà của các nơi chia sẻ, cá nhân Bộ trưởng sẽ trao cho các gia đình bị lũ quét mất hết tài sản các bộ máy tính để có thể phục vụ ngay cho việc soạn bài, soạn giáo án, tìm tài liệu, phục vụ công tác chuyên môn.
Thay mặt Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận gửi lời cảm ơn các cấp chính quyền tỉnh Lào Cai đã giúp đỡ, đùm bọc, cưu mang các giáo viên trong cuộc sống thường ngày, nay trong hoạn nạn lại có thêm những chia sẻ, quan tâm sâu sắc.
Được biết, đồng chí Nguyễn Văn Vịnh - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai - đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện khẩn trương xây dựng lại nhà công vụ cho giáo viên để các thầy cô sớm an tâm dạy học sinh các đồng bào dân tộc trong vùng.
Các thầy cô giáo ở vùng cao đã rất vất vả, có lúc còn phải nhường cơm sẻ áo chia từng đồng lương của mình vận động học sinh đến trường. Không những thế, họ còn đứng trước những rình rập của thiên tai, nhưng vẫn luôn bám trường, bám lớp, bám dân, bám bản. Báo GD&TĐ cần viết nhiều hơn nữa, bám sát, động viên, chia sẻ và thông tin kịp thời đến Bộ, đến bạn đọc cuộc sống của giáo viên vùng cao, từ đó có những chính sách, động viên thiết thực, giúp các thầy cô yên tâm công tác, cống hiến cho Ngành. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận |
Một số hình ảnh Đoàn công tác Bộ GD&ĐT tại hiện trường lũ quét Bản Khoang do PV báo GD&TĐ ghi lại:
|
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cố gắng bới tìm trong đống hoang tàn những hiện vật chứng tỏ nơi đây đã từng có ngôi nhà của các đồng nghiệp |
|
Đoàn công tác vất cả leo qua những tảng đá to như tấm phản để đi sâu vào hiện trường |
|
Đoàn công tác xúc động khi mở xem cuốn sổ tay của một cô giáo với trang cuối cùng còn ghi những dòng chữ về chuẩn bị ngày khai giảng, lo Tết Trung thu cho các em học sinh. |
Gia Hân ghi