Dấu hiệu bứt phá của du lịch Việt Nam

GD&TĐ - Với nền tảng danh thắng và di sản đa dạng, năm 2025 du lịch Việt Nam hứa hẹn bứt phá với động lực mới, sức bật mới...

Nền văn hóa giàu bản sắc với gần 9.000 lễ hội chính là 'mỏ vàng' để thu hút khách quốc tế đến tìm hiểu và khám phá Việt Nam.
Nền văn hóa giàu bản sắc với gần 9.000 lễ hội chính là 'mỏ vàng' để thu hút khách quốc tế đến tìm hiểu và khám phá Việt Nam.

Với nguồn vốn là các di tích, thắng cảnh đa dạng và nền văn hóa phong phú, du lịch Việt Nam có nhiều lợi thế để góp phần phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Nhiệm vụ khó, liệu có thành công?

Từ số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2024 đạt 17,5 triệu lượt nên trong năm 2025, ngành du lịch phấn đấu thực hiện mục tiêu đón 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 120 - 130 triệu lượt khách du lịch nội địa; dự kiến tổng thu từ khách du lịch sẽ đạt khoảng 980 - 1.050 nghìn tỷ đồng.

Đón 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế - nhiều chuyên gia cho rằng, đó là mục tiêu bất khả thi trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên nhìn vào con số 17,5 triệu lượt khách đến trong năm 2024, dễ thấy được sự bứt phá tưởng như không thể - điều mà giới chuyên gia từng nhận định về du lịch Việt Nam hậu Covid-19.

Với 17,5 triệu khách quốc tế đến Việt Nam, con số này được Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đánh giá tăng 38,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi khách nội địa tăng chỉ 1,6% (110 triệu lượt) thì con số 38,9% cho thấy sự đột phá không tưởng, đặt du lịch vào vị thế mới, trở thành điểm sáng trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận, từ thành tựu 17,5 triệu khách năm 2024 và phấn đấu 22 - 23 triệu khách trong năm 2025 là một nhiệm vụ khó. Nếu không có chiến lược đúng, không thúc đẩy các nền tảng phục vụ du lịch tiến tới chuyên nghiệp, đẳng cấp, bắt kịp xu hướng thế giới thì không thể thành công.

Theo ông Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có nhiều ngày lễ lớn của đất nước. Trong khi đó, thị trường khách du lịch quốc tế còn nhiều dư địa tăng trưởng trong điều kiện chính sách thuận lợi về thị thực và xuất nhập cảnh.

Việt Nam có nhiều tiềm năng đáp ứng các xu hướng du lịch mới: Du lịch bền vững, có trách nhiệm với môi trường và xã hội; du khách lựa chọn điểm đến ít đông đúc hơn; chuyển đổi từ tham quan sang trải nghiệm; du lịch chăm sóc sức khỏe; du lịch gia đình đa thế hệ; du lịch nhờ AI thiết kế lịch trình…

“Những xu hướng mới này sẽ mở ra hướng phát triển bền vững cho du lịch Việt Nam, vừa khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có, vừa đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách trong bối cảnh toàn cầu hóa và số hóa như hiện nay”, ông Hà Văn Siêu nhận định.

Đại diện Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho rằng, thành quả của du lịch không chỉ thể hiện ở những số liệu có thể “đong đếm”, mà ở nhiều khía cạnh. Đó là sự quan tâm và ủng hộ của toàn xã hội đối với du lịch, dễ nhận thấy nhất là sự văn minh, thân thiện của cộng đồng đối với du khách, góp phần tích cực lan tỏa thông điệp Việt Nam an toàn, thân thiện, hấp dẫn.

Bên cạnh đó là sự nhập cuộc mạnh mẽ của các địa phương, doanh nghiệp trong việc đầu tư hạ tầng cơ sở lưu trú, dịch vụ... Nguồn lực đầu tư đã tạo ra diện mạo mới ở nhiều địa phương, nhiều công trình, dự án mới đi vào hoạt động với nhiều không gian - hình thái mới, tạo ra sự hiện đại về hạ tầng, thúc đẩy du lịch phát triển chiều sâu.

dau-hieu-but-pha-cua-du-lich-viet-nam-1.jpg
Nền tảng di sản, danh thắng đã được UNESCO vinh danh chính là 'nguồn vốn' thúc đẩy du lịch Việt Nam.

Tiềm năng từ “mỏ vàng văn hóa”

Là một đất nước có nền văn hóa phong phú, vốn di sản vật thể và phi vật thể đa dạng, trên 30 di sản thế giới đã được UNESCO vinh danh, nhiều danh thắng đẹp kỳ thú - là sự chưng cất, hòa quyện của đất trời, tạo ra “lăng kính di sản” đậm đặc giá trị Việt. Đó không chỉ là nguồn vốn, mà còn là nền tảng vững chắc không phải quốc gia cũng có để thu hút khách quốc tế.

Đặc biệt với hệ thống lễ hội cổ truyền trải dài từ Bắc đến Nam, kéo dài trong suốt mùa Xuân và rải rác trong năm đã hình thành một “mỏ vàng văn hóa” độc đáo đối với bạn bè quốc tế, đem đến những góc nhìn thú vị trong hành trình khám phá sự mới lạ ở mảnh đất phương Đông.

Số liệu mới nhất cho thấy, dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, hoạt động du lịch trên cả nước diễn ra sôi động. Số lượng khách nội địa và quốc tế tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2024, nhiều tỉnh, thành ghi nhận doanh thu lớn trên nghìn tỷ đồng. Chỉ trong vòng 9 ngày, từ 25/1 - 2/2 (tức 26 tháng Chạp đến mùng 5 tháng Giêng) cả nước ước đón và phục vụ 12,5 triệu lượt khách nội địa, tăng khoảng 19% so với cùng kỳ năm 2024.

Trong đó, TPHCM đón 2,1 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 7.690 tỷ đồng. Hà Nội đón 1 triệu lượt khách, thu khoảng 3.530 tỷ đồng. Quảng Ninh đón 969 nghìn lượt khách, đạt 2.665 tỷ đồng. Khánh Hòa đón 825.195 lượt khách, thu hơn 1.246 tỷ đồng. Kiên Giang đón 471.191 lượt, đạt 1.886 tỷ đồng. Đà Nẵng đón 469.000 lượt khách, thu 1.887 tỷ đồng. Lào Cai đón 331.382 lượt khách, tổng thu đạt 1.201 tỷ đồng.

Dịp Tết Nguyên đán cũng ghi nhận lượng khách quốc tế tăng cao ở nhiều địa phương: Quảng Ninh (228.700 lượt), Đà Nẵng (228 nghìn lượt), Quảng Nam (157 nghìn lượt), Hà Nội (142 nghìn lượt), TPHCM (87.358 lượt), Kiên Giang (76.653 lượt), TP Huế (60.170 lượt).

Ngày 5/2, tỉnh Quảng Nam đã thống nhất chủ trương thực hiện tuyến xe buýt du lịch kết nối hai di sản văn hóa thế giới là phố cổ Hội An tới khu đền tháp Mỹ Sơn với chiều dài 98km, nhằm tăng kết nối du lịch và trải nghiệm cho du khách.

Ở nhiều tỉnh, thành khác cũng hoàn thành và lập các dự án mới phục vụ du lịch theo định hướng tập trung vào chiều sâu, chất lượng, chuyên nghiệp, bền vững, thương hiệu; xây dựng các sản phẩm du lịch đẳng cấp nhằm mang lại những giá trị trải nghiệm thực sự đặc sắc, ấn tượng cho du khách.

Với nền tảng danh thắng và di sản đa dạng, một khởi đầu thuận lợi đầu năm mới, năm 2025 du lịch Việt Nam hứa hẹn bứt phá với động lực mới, sức bật mới, hòa cùng kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, việc đổi mới về phương thức, nội dung xúc tiến, quảng bá thông qua điện ảnh đã giới thiệu cách toàn cảnh về tiềm năng, thế mạnh của du lịch Việt Nam. Chúng ta có dư địa lớn về phát triển du lịch nên cần xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, mang tầm của điểm đến để giới thiệu với bạn bè quốc tế, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ