Đấu giá biển số xe theo yêu cầu: Gần 30 năm vẫn chỉ là… đề xuất

Đấu giá biển số xe theo yêu cầu: Gần 30 năm vẫn chỉ là… đề xuất

Biển theo yêu cầu tăng thu ngân sách

Bộ Công an vừa báo cáo Chính phủ, đề nghị xây dựng Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ. Đề xuất trình Quốc hội đưa dự án Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Bộ này đề xuất ba hình thức cấp biển số xe. Trong đó có việc đấu giá trực tuyến và cấp theo sở thích cá nhân có thu phí. Đề xuất này tạo ra sự cạnh tranh, công khai và tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Đại diện Cục CSGT cho biết, đề xuất trên nhằm bổ sung các lựa chọn cho người dân trong việc đăng ký, cấp biển số xe. Nó tạo ra sự cạnh tranh, công khai và tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Giải thích ý tưởng cấp biển số xe theo sở thích có thu phí, Đại tá Đỗ Thanh Bình - Cục phó CSGT cho rằng, nhiều người dân muốn chọn biển số theo ngày tháng, năm sinh, số tuổi, ngày kỷ niệm hoặc số phong thủy…

“Trên hệ thống dữ liệu sẽ phân loại biển số dạng tứ quý hoặc số đẹp để đấu giá. Với các dãy số theo sở thích, người dân có nhu cầu được lựa chọn và chỉ phải đóng một khoản tiền theo quy định”, Đại tá Bình nói. Trường hợp nhiều người trùng sở thích, ví dụ có cùng năm sinh, biển số liên quan sẽ được đấu giá trên hệ thống điện tử. Ai trả giá cao, người đó được sở hữu.

Trước lo ngại đề xuất trên được thông qua sẽ phát sinh việc mua bán, chuyển nhượng biển số, đại diện Cục CSGT nói: “Biển số là sở hữu cá nhân, tuy nhiên chịu sự quản lý Nhà nước. Đấu giá xong người dân không được mang đi bán, chuyển nhượng kiếm lời. Phải sử dụng đúng tên và đúng chiếc xe đã đăng ký”.

Đẩy nhanh tiến độ đấu giá biển số

Trước đó, trong một cuộc họp Tổ công tác của Thủ tướng với các bộ, ngành, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói “đề án đấu giá biển số xe là vấn đề rất quan trọng”. Theo ông, Văn phòng Chính phủ đã làm việc với Bộ Công an và thống nhất sẽ đẩy nhanh tiến độ, đưa việc đấu giá lên Cổng dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn). “Việc này sẽ góp phần tăng ngân sách và tăng đầu tư cho lực lượng cảnh sát giao thông”, ông Dũng nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, đề án cấp biển số ô tô, xe máy thông qua đấu giá đã được đề ra từ nhiều năm trước song đến nay chưa làm được, do vậy, các cấp có thẩm quyền cần quan tâm đẩy sớm việc này. Ông đề xuất, sau khi tổ chức đấu giá sẽ trích 30 - 50% để lực lượng cảnh sát giao thông mua sắm thêm trang thiết bị, còn lại bổ sung vào Quỹ Vì người nghèo.

Thiếu pháp lý, đề xuất không thể thành hiện thực

Việc đấu giá biển số xe đẹp được Cục CSGT đề xuất từ năm 1993. Tuy nhiên gặp bế tắc vì Luật Đấu giá tài sản không đưa biển số xe vào danh mục tài sản đấu giá. Nó khiến các bộ liên quan không có căn cứ pháp lý để triển khai.

Hải Phòng, Bình Thuận, Nghệ An từng “vượt rào” tổ chức đấu giá biển số xe, thu hàng tỷ đồng để hỗ trợ người nghèo và đã bị Bộ Tài chính, Bộ Công an “tuýt còi” vì vướng thủ tục pháp lý.

Năm 2008, Cục CSGT tiếp tục đề xuất đấu giá biển số xe, Thủ tướng đã chấp thuận chủ trương và giao các bộ nghiên cứu triển khai. Hai Bộ: Công an và Tài chính đã xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn nhưng Thông tư sau đó không được thông qua vì vướng Luật Đấu giá tài sản. Năm 2017, Bộ Công an họp với Bộ Tài chính, Tư pháp để lấy ý kiến, tiếp tục xây dựng dự thảo đề án đấu giá biển số xe.

Quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt

Về vấn đề này, ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội bày tỏ: “Luật dân sự đã đề cập nội dung này chưa? Bởi khi đã đấu thầu thành quyền sở hữu. Nếu chưa có phải bổ sung. Đã sở hữu rồi thì quyền mua bán, chuyển nhượng ra làm sao phải quy định cụ thể… Đấu thầu phải công khai, minh bạch. Xác định quyền sở hữu phải có hội đồng đấu thầu được cơ quan Nhà nước cho phép. Quyền sở hữu nhưng vĩnh viễn hay có thời hạn, luật cũng phải có quy định về việc này...”.

Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận, đề xuất của Bộ Công an không xung đột với các quy định hiện hành. Ông nói: “Đây là ý tưởng tốt, đáp ứng nhu cầu người dân và minh bạch việc cấp biển số. Cơ quan chức năng cần chú ý quy định chặt chẽ việc đấu giá biển số công khai trên mạng, coi đây là một loại dịch vụ công trực tuyến. Việc đấu giá biển số còn góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, phục vụ tốt hơn nhu cầu chính đáng của người dân…”.

Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội băn khoăn về sự công bằng, quyền lợi của người trúng đấu giá. Theo quy định của pháp luật, một thứ được gọi là tài sản thì chủ sở hữu phải có ba quyền cơ bản là: Quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt.

Luật sư Cường cho rằng, nếu coi biển số xe là tài sản và mang bán đấu giá thì người trúng đấu giá phải có quyền sở hữu tài sản đầy đủ. Trong đó có quyền định đoạt. Quyền bán biển số xe này cho người khác. Quyền di chuyển biển số từ xe cũ sang xe mới. Có vậy mới bảo đảm nguyên tắc mặt lý luận về quyền sở hữu tài sản.

Ngoài ra, nếu được coi là tài sản thì người chủ sở hữu chiếc biển số này cũng có quyền tặng, bán cho người khác. Tự do chuyển nhượng trên thị trường theo quy định pháp luật. “Không thể bán đấu giá thứ không được coi là tài sản”, luật sư Cường nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

TikTok 'lâm nạn' ở Mỹ

GD&TĐ - Lần thứ hai trong không đầy 4 năm, ứng dụng TikTok bị đưa vào vòng ngắm của chính quyền Mỹ.