Nhìn lại những thành tựu của đất nước trong năm 2010 vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đánh giá, “đây là thành tựu hết sức ấn tượng, được kết tinh từ tinh thần đoàn kết, chung sức của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân chúng ta”.
“Ấn tượng ở đây…vì thành tựu của chúng ta có được trong bối cảnh nhiều nước có nền kinh tế lớn hơn gặp khó khăn, thậm chí đổ vỡ. Việt Nam hạn chế được đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng, giữ được ổn định và phát triển”, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhận định trong trả lời phỏng vấn báo chí trước thềm Năm mới 2011.
|
năm 2010, đất nước vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đã tăng trưởng |
Trong năm 2010, mục tiêu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội và duy trì tăng trưởng hợp lý luôn là trọng tâm chỉ đạo, điều hành vĩ mô. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt và nhất quán trong thực hiện mục tiêu đặt ra.
Đến nay, tuy còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng tình hình kinh tế- xã hội đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhiều mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội năm 2010 đã đạt và vượt kế hoach đề ra. Lãnh đạo các địa phương đều bày tỏ sự nhất trí đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2011 vừa diễn ra.
Bên cạnh việc bạn bè quốc tế đánh giá cao thành tựu của Việt Nam trong bối cảnh chịu tác động của khủng hoảng kinh tế- tài chính toàn cầu vẫn duy trì đà tăng trưởng mà biểu hiện sinh động và cụ thể nhất là việc tiếp tục dành ODA cao (7,88 tỷ USD) cho Việt Nam mặc dù Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, việc Việt Nam giữ ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng (6,78%) cũng đã được một số cơ quan thông tấn báo chí trong nước bình chọn là sự kiện của năm 2010.
Sự kiện “Nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng 6,78%” còn đứng đầu trong danh sách 10 sự kiện nổi bật của kinh tế Việt Nam năm 2010 theo báo Hà Nội Mới công bố. Đó cũng là sự kiện hàng đầu trong bình chọn của các cơ quan thông tấn, báo chí như TTXVN, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Báo Quân đội Nhân dân…
Điểm lại các sự kiện theo bình chọn của một số cơ quan thông tấn, báo chí, có thể thấy sự nhất trí cao dành cho các sự kiện trọng đại diễn ra trong năm 2010, như Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN, tổ chức thành công Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.
Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI được nhiều cơ quan thông tấn báo chí bình chọn (như TTXVN, Báo Quân đội Nhân dân, Báo Khuyến học và Dân trí…) là sự kiện chính trị nổi bật nhất năm 2010.
Đây là đợt sinh hoạt chính trị hết sức quan trọng nhằm tổng kết toàn diện quá trình phát triển của đất nước 5 năm qua; xác định phương hướng, nhiệm vụ của các ngành, địa phương giai đoạn 2011-2015.
Các dự thảo văn kiện trình Đại hội XI của Đảng được đưa ra thảo luận, lấy ý kiến nhân dân và đã nhận được những đóng góp phong phú, bao quát nhiều lĩnh vực với các phạm vi, nội dung và tầm mức khác nhau, phản ảnh chân thực những suy nghĩ, trăn trở, tìm tòi trước thực tiễn sinh động của công cuộc đổi mới, phát triển đất nước trong điều kiện mới, thể hiện trách nhiệm với Đảng, với dân tộc. Qua đó, góp phần làm cho các văn kiện trở thành sản phẩm kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
|
Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2010 |
Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN được đánh giá là dấu ấn nổi bật của năm 2010. Nói như Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, “năm 2010 là một năm nổi trội về thành tựu đối ngoại. Ðặc biệt là sự kiện Việt Nam đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN trong bối cảnh vai trò của khối ngày càng quan trọng và các nước thành viên hướng tới mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015”.
Việt Nam đã trở thành tâm điểm của thế giới với việc tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN, Hội nghị Cấp cao Đông Á và hơn 100 hội nghị và sự kiện chính trị quan trọng của ASEAN.
Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội được tổ chức thành công, thể hiện rõ nét thông điệp về tình yêu và khát vọng hoà bình của dân tộc Việt Nam, của người dân thủ đô trong rất nhiều hoạt động kỷ niệm Hà Nội tròn 1000 tuổi. Đây cũng là dấu mốc đặc biệt quan trọng của thủ đô thời hiện đại. Truyền thống văn hiến 1000 năm là bệ phóng để Hà Nội phát triển mạnh mẽ hơn, xứng đáng là trái tim của cả nước, Thủ đô Anh hùng, Thành phố vì Hoà bình.
Cùng với đó còn là những sự kiện ghi dấu ấn Việt Nam trong năm, như việc nhiều di sản của Việt Nam được UNESCO ghi danh; Liên Hợp Quốc ghi nhận Việt Nam đi đầu trong thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ; Giáo sư Ngô Bảo Châu được trao giải thưởng toán học Fields…
Nhiều di sản của Việt Nam được UNESCO ghi danh trong năm qua. Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long; Lễ hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (Hà Nội); 82 Bia Tiến sĩ ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới; Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) được công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu.
Giáo sư Ngô Bảo Châu được trao giải thưởng toán học Fields là sự kiện thu hút sự quan tâm lớn của xã hội năm 2010 bởi ông là nhà toán học đầu tiên của Việt Nam đoạt Huy chương Fields và Việt Nam là nước châu Á thứ 2 sau Nhật Bản giành được giải thưởng danh giá này. Sự kiện này củng cố thêm niềm tin người Việt Nam có tố chất trí tuệ để vươn tới tầm cao thế giới về khoa học và công nghệ.
|
Diễu hành trong Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội |
Bên cạnh những dấu ấn nêu trên, một số sự kiện khác cũng được nêu lên trong các danh sách bình chọn sự kiên trong năm của một số cơ quan báo chí, truyền thông, đó là:
Công tác cải cách thủ tục hành chính tiếp tục là khâu đột phá trong cải cách hành chính, một nhân tố thúc đẩy tăng trưởng. Năm 2010, Ngân hàng Thế giới xếp Việt Nam vào nhóm 10 nền kinh tế cải cách tốt nhất, đứng thứ 78/183 quốc gia, tăng 10 bậc về môi trường kinh doanh so với năm 2009.
Hai công trình trọng điểm quốc gia đã được đưa vào hoạt động. Từ ngày 17/12, tổ máy số 1 công trình Thủy điện Sơn La (với tổng công suất thiết kế 2.400MW), bắt đầu phát điện lên lưới điện quốc gia, sớm 2 năm so với dự kiến.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, có tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ USD, với công suất thiết kế 6,5 triệu tấn sản phẩm/năm, đáp ứng 1/3 nhu cầu trong nước, ngay trong năm đầu vận hành đã sản xuất được 6,75 triệu tấn sản phẩm, xuất bán hơn 6,66 triệu tấn xăng, dầu các loại.
Năm 2010, miền Trung hứng chịu mưa lớn gây lũ lụt chưa từng có trong hơn 100 năm qua. Lũ lụt dồn dập, kéo dài trong các tháng 10 và 11 tàn phá nhiều tỉnh miền Trung, gây thiệt hại lớn về người và của, làm 198 người chết, 35 người mất tích, 197 người bị thương.
Trong mất mát, chúng ta lại chứng kiến tình đồng chí, nghĩa đồng bào chia sẻ với miền Trung với hàng trăm tỷ đồng ủng hộ, hỗ trợ đồng bào gặp nạn. Một lần nữa, tinh thần “lá lành đùm lá rách”, truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái hỗ trợ nhau vượt lên hoạn nạn của toàn dân tộc được phát huy.
Tái cơ cấu Vinashin. Các cơ quan chức năng đã xử lý những sai phạm nghiêm trọng của Tập đoàn công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), đồng thời Chính phủ đã có biện pháp tái cơ cấu Tập đoàn này nhằm tiếp tục triển khai chủ trương đưa ngành công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển trở thành ngành mũi nhọn của kinh tế hàng hải và thực hiện Chiến lược biển Việt Nam.