Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử Kinh thành Thăng Long - Đông Kinh và tỉnh thành Hà Nội bắt đầu từ thời kỳ tiền Thăng Long (An Nam đô hộ phủ thế kỷ VII) qua thời Đinh - Tiền Lê, phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, Lê và thành Hà Nội dưới triều Nguyễn. Đây là công trình kiến trúc đồ sộ, được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành một trong những di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Tôn vinh truyền thống hiếu học
Văn Miếu được xây dựng từ năm 1070 dưới thời Vua Lý Thánh Tông (1054 -1072). Thời Nhà Lý, Văn Miếu – Quốc Tử Giám nằm ở phía Nam kinh thành Thăng Long là tổ hợp gồm hai di tích: Văn Miếu thờ Khổng Tử, các bậc hiền triết Nho giáo và Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An – người thầy tiêu biểu đạo cao, đức trọng của nền giáo dục Việt Nam; Quốc Tử Giám – trường đại học đầu tiên của Việt Nam.
|
Khuê Văn Các ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. |
Văn Miếu có tường bao quanh xây bằng gạch. Bên trong cũng có những bức tường ngăn ra làm 5 khu, mỗi khu vực đều có tường ngăn cách và cổng qua lại nhau. Khu thứ nhất bắt đầu với cổng chính Văn Miếu Môn đi đến cổng Đại Trung Môn, hai bên có cửa nhỏ là Thành Đức Môn và Đạt Tài Môn. Khu thứ hai từ Đại Trung Môn vào đến Khuê Văn Các. Khu thứ ba gồm hồ nước Thiên Quang Tỉnh (nghĩa là giếng soi ánh mặt trời), có hình vuông. Khu thứ tư là khu trung tâm và là kiến trúc chủ yếu của Văn Miếu, gồm hai công trình lớn bố cục song song và nối tiếp nhau. Tòa nhà ngoài là Bái đường, Tòa trong là Thượng cung. Khu thứ năm là khu Thái Học.
Từ những giá trị lịch sử, văn hóa – giáo dục to lớn đó mà ngày nay, Văn Miếu – Quốc Tử Giám luôn là một địa chỉ du lịch nổi tiếng của Thủ đô, hàng năm thu hút hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Chùa Trấn Quốc – trung tâm Phật giáo của Kinh thành Thăng Long
Chùa Trấn Quốc nằm trên một hòn đảo phía Đông Hồ Tây (quận Tây Hồ), có lịch sử gần 1.500 năm, được coi là lâu đời nhất ở Thăng Long - Hà Nội. Theo Từ điển Di tích Văn hóa Việt Nam (Hà Nội, 1993), thì chùa Trấn Quốc nguyên là chùa Khai Quốc, dựng từ thời Tiền Lý (Lý Nam Đế, 541 - 547), tại thôn Y Hoa, gần bờ sông Hồng.
Khuôn viên chùa có Bảo tháp lục độ đài sen được xây dựng năm 1998. Bảo tháp lớn gồm 11 tầng, cao 15m. Mỗi tầng tháp có 6 ô cửa hình vòm, trong mỗi ô đặt một pho tượng Phật A Di Đà bằng đá quý. Đỉnh tháp có đài sen chín tầng (được gọi là Cửu phẩm liên hoa) cũng bằng đá quý. Chùa được công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia vào năm 1989. Năm 2017, trang web du lịch wanderlust.co.uk xếp chùa Trấn Quốc vào vị trí thứ ba trong 10 ngôi chùa "đẹp nhất trên toàn thế giới" vì hài hòa với môi trường xung quanh.
Ô Quan Chưởng - kỳ quan quý giá
Ô Quan Chưởng là một cửa ô của Hà Nội xưa, nằm ở phía Đông của toà thành đất bao quanh Kinh thành Thăng Long, được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749), đến năm Gia Long thứ ba (1817) được xây dựng lại và giữ nguyên kiểu cách đến ngày nay. Đây là một trong 21 cửa ô còn sót lại của thành Thăng Long cũ.
Diện mạo Ô Quan Chưởng như hiện nay là do lần sửa chữa lớn vào năm 1817. Ô Quan Chưởng còn có tên là Ô Thanh Hà. Quan Chưởng là chức quan chỉ huy vệ binh. Ngày 20/11/1873, thực dân Pháp mở cuộc tấn công Hà Nội lần thứ nhất. Từng đoàn tàu chiến, tàu đổ bộ ngược sông Hồng, đổ quân ào ạt tiến vào Hà Nội qua cửa ô Đông Hà. Quan Chưởng cùng trên 100 vệ binh đã dàn trận dọc theo bờ sông, tại đây đã nổ ra cuộc chiến ác liệt và không cân sức, quân ta anh dũng chiến đấu tới người cuối cùng. Từ đó cửa ô Đông Hà được gọi là “Cửa ô Quan Chưởng”.
Tháp Bút - viết lên trời xanh
Đền Ngọc Sơn một không gian đền cổ kính trong lòng Hồ Gươm, được xây dựng từ đầu thế kỷ XIX. Nổi bật trên nền trời là ngọn Tháp Bút vời vợi tạo thành một tổng thể kiến trúc Thiên – Nhân hợp nhất, gợi lên không ít dư âm chan hoà giữa con người với thiên nhiên.
Năm 1865, nhà nho Nguyễn Văn Siêu đứng ra tu sửa lại ngôi đền và dần dần có diện mạo như ngày nay. Đền Ngọc Sơn mới sửa được đắp thêm đất và xây kè đá xung quanh. Đặc biệt, ông còn cho xây thêm đình Trấn Ba, bắc một cây cầu từ bờ Đông đi vào đền, gọi là cầu Thê Húc. Bên trái của đền ông cho dựng Đài Nghiên. Phía Đông trên núi Ngọc Bội ông cho xây Tháp Bút, tạo nên một thể hoàn chỉnh. Tháp Bút được dựng trên ngọn núi do đá xếp, đường kính 12m, cao 4m. Tháp vuông có năm tầng, cao 28m. Phần thân tháp, Nguyễn Siêu tạc ba chữ “Tả Thiên Thanh” với ý nghĩa là “viết lên trời xanh” theo chiều dọc.
Tháp Rùa - biểu tượng của Hà Nội
Tháp Rùa là một ngọn tháp nhỏ nằm trên gò đảo giữa Hồ Gươm, lui về phía Nam hồ. Ngọn tháp được xây dựng trên một gò đất rộng khoảng 350m2, bình đồ hình chữ nhật có 4 tầng, tầng dưới xây rộng hơn, rồi thu nhỏ dần lên tầng trên. Hai mặt phía Đông và Tây có 3 cửa cuốn. Phía Nam và Bắc có 2 cửa cuốn nhọn ở đầu. Đỉnh 2 tầng có lan can chạy xung quanh. Bốn đầu đao đắp uốn cong dần lên vào giữa đỉnh, trên đỉnh có hình ngôi sao 5 cánh. Tầng dưới cùng xây trên móng cao 0,8m. Chiều dài là 6,28m trong khi chiều rộng là 4,54m.
|
Tháp Rùa - Hồ Gươm. |
Sự giao thoa giữa hai lối kiến trúc là kiến trúc Pháp và kiến trúc bản địa tạo nên nét đẹp độc đáo, riêng biệt của Tháp Rùa.
Đền Tản Viên Sơn Thánh - nơi lưu giữ giá trị văn hóa, kiến trúc Thủ đô
Đền Tản Viên Sơn Thánh nằm trên địa bàn hai xã Minh Quang và Ba Vì, thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội. Đền thờ Đức Thánh Tản Viên và hai người em thúc bá là Cao Sơn (Sùng công) và Quý Minh (Hiển công). Khu đền thờ Tản Viên Sơn Thánh được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 21/2/2008, gồm có đền Hạ, đền Trung và đền Thượng.
Đền Hạ còn có tên gọi là Tây cung. Ngôi đền cổ tọa lạc dưới chân núi Tản Viên, ven bờ sông Đà thuộc xã Minh Quang. Đền có từ đầu thế kỷ XVIII và được xây dựng lại vào thế kỷ XIX, được tu sửa vào năm 1998. Đền Hạ thờ Tam vị đức thượng đẳng thần: Tản Viên Sơn Thánh, Cao Sơn Đại Vương, Quý Minh Đại Vương. Kiến trúc của đền Hạ gồm: Tam quan, Điện thờ, nhà thờ Mẫu và công trình phụ trợ.
Đền Thượng hay còn gọi là Chính cung Thần điện, nằm trên độ cao 1.227m, thuộc địa phận xã Ba Vì. Theo truyền thuyết, đền có từ thời An Dương Vương. Đền Thượng được khởi dựng lại vào năm 1993. Gần đây được trùng tu lớn để có diện mạo như ngày nay.
Cầu Long Biên - “Rồng sắt” bắc qua sông Hồng
Cầu Long Biên được khởi công xây dựng từ năm 1899 và hoàn thành năm 1902, nằm trong chương trình phát triển giao thông khai thác thuộc địa của người Pháp ở Đông Dương. Từ khi ra đời, Long Biên đã được coi là biểu tượng của khoa học kỹ thuật và nghệ thuật kiến trúc đầu thế kỷ XX. Vào thời điểm đó, Long Biên là cây cầu thép lớn nhất khu vực Đông Nam Á, và là cây cầu dài thứ hai trên thế giới (chỉ sau cầu Brooklyn bắc qua sông East-River của Mỹ).
|
Cầu Long Biên. |
|
Nhà hát Lớn Hà Nội. |
Ngày nay, Nhà hát Lớn là một trong những địa điểm biểu diễn quan trọng bậc nhất ở Hà Nội, được những người làm nghệ thuật coi như một "ngôi đền" dành cho nghệ thuật cổ điển. Cũng như nhiều công trình kiến trúc và cả những loại hình văn hóa phi vật thể khác, Nhà hát Lớn Hà Nội trở thành minh chứng cho một giai đoạn lịch sử của TP, thời kỳ mà các nền văn hóa giao thoa lẫn nhau.
Cầu Nhật Tân - cầu thép dây văng lớn nhất Việt Nam
Cầu Nhật Tân cùng với cầu Thăng Long, cầu Long Biên, cầu Chương Dương, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, cầu Đông Trù được ghi danh là 7 cây cầu huyết mạch của Thủ đô Hà Nội. Riêng cầu Nhật Tân là cây cầu thép dây văng lớn nhất Việt Nam, được coi như một biểu tượng mới của Hà Nội.
|
Cầu Nhật Tân. |
Kết cấu của cây cầu thuộc loại hiện đại của thế giới với 5 trụ tháp chính kết nối các nhịp dây văng nâng đỡ toàn bộ phần chính của cây cầu. 5 trụ tháp này tượng trưng cho 5 cửa ô cổ kính của Hà Nội. Tên của cây cầu cũng mang nhiều ý nghĩa. Ban đầu khi lập dự án và khảo sát, đoàn khảo sát nhận thấy khu vực cây cầu được xây trên khu vực nổi tiếng nghề trồng đào ở phường Phú Thượng cũng như vườn đào Nhật Tân nên đã đặt tên dự án xây cầu là Nhật Tân. Sau đó đã nổ ra một số tranh luận liên quan đến tên gọi này nhưng cuối cùng cái tên Nhật Tân vẫn là tên gọi cuối cùng được chọn để đặt tên cho cây cầu thép dây văng lớn nhất Việt Nam.
Không chỉ đẹp bởi kiến trúc hiện đại và kỳ vĩ, cầu Nhật Tân được lắp đặt hệ thống chiếu sáng vô cùng hiện đại đẹp mắt. Đêm xuống cây cầu khoác lên mình một bộ áo mới đa sắc màu, ánh sáng thay đổi nhịp nhàng sáng rực cả một khúc sông. Nơi đây trở thành điểm hẹn hò của rất nhiều bạn trẻ ở Thủ đô.