Đất nền vẫn “nóng”, nghỉ dưỡng “ngủ đông”

Đất nền vẫn “nóng”, nghỉ dưỡng “ngủ đông”

Lượng cung và giao dịch giảm mạnh

Báo cáo của Hội Môi giới BĐS Việt Nam mới đây cho thấy, tình hình thị trường BĐS quý I vô cùng trầm lắng so với cùng kỳ hàng năm. Lượng cung, giao dịch, tỷ lệ hấp thụ ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua.

Cụ thể, đối với các dự án nhà ở, tổng sản phẩm chào bán trên cả nước (gồm cả hàng tồn kho và mới mở bán) đạt hơn 53.000 sản phẩm. Giao dịch hơn 7.641 sản phẩm (tỷ lệ hấp thụ: 14,3%). Trong đó, tại 2 thành phố đầu tàu về BĐS là Hà Nội và TPHCM vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất về sản phẩm đất nền và số căn hộ chung cư.

Tại Hà Nội, thống kê từ Sở Xây dựng cho thấy, có gần 9.000 căn hộ được chào bán trên toàn thị trường, giao dịch hơn 1.300 sản phẩm. Trong đó có 1.167 sản phẩm mới chào bán, giao dịch 181/1.167 sản phẩm. Còn lại là cung và giao dịch từ hàng tồn năm 2019.

Về sản phẩm đủ điều kiện bán hàng, quý I Hà Nội có 15 dự án được phê duyệt với 9.414 sản phẩm. Trong đó có 8.878 căn hộ chung cư và 536 thấp tầng đủ điều kiện bán hàng (chủ yếu từ 2 đại dự án của Vingroup), tăng 1,65 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Tại TPHCM có khoảng 8.400 căn hộ được chào bán, giao dịch 1.409 sản phẩm. Trong đó có 4.664 sản phẩm mới, giao dịch 815/4.664 sản phẩm. Còn lại là cung và giao dịch từ hàng tồn năm 2019.

Về sản phẩm đủ điều kiện bán hàng, quý I tại TPHCM có 10 dự án được phê duyệt với 2.816 sản phẩm. Trong đó có 2.736 căn hộ chung cư và 80 thấp tầng, bằng 78% so với cùng kỳ năm 2019.

Tại khu vực khác, giao dịch chủ yếu là các dòng sản phẩm thấp tầng (đất nền, liền kề...). Đây vẫn là dòng sản phẩm nhận được nhiều sự quan tâm từ khách hàng và các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Nhưng do tình hình dịch bệnh nên giao dịch diễn ra rất hạn chế.

Đối với các dự án du lịch, nghỉ dưỡng, sản phẩm mới chào bán rất hiếm. Có một số ít các giao dịch đến từ các dự án đã chào bán trước đó.

Đất nền, nhà ở vẫn sẽ “nóng”

Dự báo thời gian tới, Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, thị trường căn hộ tại các đô thị như Hà Nội và TPHCM có giao dịch nhưng không nhiều. Phần lớn chỉ diễn ra ở phân khúc trung cấp và bình dân.

“Thị trường nhà đất và đất nền sẽ vẫn là sản phẩm chủ đạo tại nhiều tỉnh, thành ngoài Hà Nội và TPHCM. Giao dịch chắc chắn sẽ giảm mạnh so với cùng kỳ các năm trước. Nguồn cung mới từ các dự án BĐS đủ điều kiện gia nhập thị trường không nhiều. Ở mỗi địa phương có thể dự án mới chỉ đạt ở mức một con số. Sản phẩm chào bán trên thị trường chủ yếu là hàng tồn từ trước”, đại diện Hội Môi giới BĐS Việt Nam nhận định.

Ông Đoàn Mạnh Hùng - Phó Giám đốc chi nhánh Đông Bắc (Hải Phát Land) cho rằng, thời gian tới, đất nền vẫn là kênh đầu tư bền vững. Nhưng do ảnh hưởng Covid-19 nên thị trường BĐS sẽ chỉ ấm lên từ quý III.

“Việc lựa chọn đất nền dưới 1 tỷ đang là xu thế. Nó phù hợp với túi tiền dân văn phòng, cán bộ viên chức độ tuổi 30 – 40”, ông Hùng nói.

Ông Nguyễn Thành Trung - Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển nghỉ dưỡng ngoại ô cho rằng, sau đại dịch, nhà đầu tư sẽ săn tìm các dự án phía Tây. Trong đó có sức hút từ Đại đô thị Hòa Lạc. Hiện đất nền Hòa Lạc đang tăng nên việc tìm kiếm đầu tư ở đây trở thành lựa chọn hàng đầu.

Theo nhận định từ các chuyên gia, giá bán nhà đất và đất nền phụ thuộc vào nguồn cung địa phương, chất lượng và tiến độ phát triển đô thị. Khu vực nào có đầu tư phát triển đô thị, kinh tế tốt, nguồn dự án chưa nhiều, giá đất trước đó được kiểm soát tốt sẽ tiếp tục giữ giá. Nó cũng có thể tăng chút ít vì những vùng như vậy vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư. Ngược lại, khu vực nào đang tồn nhiều hàng và tốc độ phát triển kinh tế, đô thị không tương xứng thì giá bán có thể giảm.

Đối với các doanh nghiệp BĐS, để đón đầu xu thế, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM cho rằng: “Để tái khởi động, cần thực hiện các đợt khuyến mãi lớn, tạo cú huých và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, nhà đầu tư. Cần chuyển hướng mạnh mẽ sang phát triển BĐS xanh và thông minh. Hướng vào sản phẩm nhà ở có giá trung bình, nhà ở xã hội...”.

Hội Môi giới BĐS Việt Nam cũng cảnh báo, có hiện tượng một số nhóm đầu cơ lợi dụng thông tin đầu tư dự án của các tập đoàn để đẩy giá, tạo sự hỗn loạn nhằm trục lợi. Ví dụ như ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Thạch Thất (Hà Nội),… Cần kiên quyết loại bỏ các dự án ma, chưa đủ thủ tục pháp lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.