Nhiều hoạt động sáng tạo
Có thể kể đến một số đơn vị tiêu biểu như: Sở GD&ĐT thành phố Hồ Chí Minh; Sở GD&ĐT Thanh Hóa với sáng tạo, đổi mới trong công tác quản lý, giảng dạy, nghiên cứu khoa học với phương châm “Mỗi giờ lên lớp là một bước tiến trong giảng dạy, mỗi ngày đến trường có một đổi mới trong công việc”.
Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức xét giải thưởng nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo nhằm tôn vinh những nhà giáo nhiệt tình, tâm huyết với nghề dạy học; có đóng góp xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, qua đó khích lệ các nhà giáo tự học tập, rèn luyện tạo ra những hiệu quả mới, những chuyển biến mới.
Sở GD&ĐT Yên Bái với các mô hình: “Đổi mới dạy và học Tiếng Anh, tạo hứng thú, động lực cuốn hút học sinh yêu thích môn học và phát triển môi trường dạy học, sử dụng Tiếng Anh”; “Dạy học gắn với thực tiễn”; “ứng dụng các thiết bị công nghệ cao vào đổi mới phương pháp dạy và học”; “Phòng ở vệ sinh văn minh”; “Thư viện xanh”; “Đổi mới, sáng tạo trong công tác nghiên cứu khoa học”.
Sở GD&ĐT Hòa Bình với mô hình “Nông trại trường em”, “Lớp học linh hoạt”, “Dạy tập làm văn theo mô hình trải nghiệm”.
Sở GD&ĐT Tuyên Quang mô hình “Nâng cao chất lượng dạy học môn Ngoại ngữ dưới hình thức sân khấu hóa, trải nghiệm sáng tạo”, “Đổi mới công tác quản lý chỉ đạo dạy và học thông qua chương trình “Nối vòng tay yêu thương”.
Sở GD&ĐT Phú Thọ với “Mô hình trường học gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”, “Mô hình trường học gắn vói cây bưởi Đoan Hùng”.
Sở GD&ĐT Hải Dương, Bắc Giang có mô hình “Nhà trường gắn liền với hoạt động lao động và sản xuất”, “Mô hình xã hội hóa giáo dục, dạy kỹ năng bơi cho học sinh tiểu học”.
Hỗ trợ các ý tưởng nghiên cứu, khởi nghiệp sáng tạo
Nhiều cơ sở giáo dục đại học đã xây dựng cơ chế, chính sách, hỗ trợ các ý tưởng nghiên cứu, khởi nghiệp sáng tạo.
Như, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã xây dựng và triển khai đề án hỗ trợ, áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, trải nghiệm sáng tạo theo xu hướng giảng dạy hiện đại, thúc đẩy khai thác sử dụng học liệu mở và triển khai Blended leaming (kết hợp giữa học trên lớp và học trực tuyến để nâng cao kết quả học tập).
Trường Đại học Vinh mở chương trình hội thảo tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm cho sinh viên, tổ chức hội thảo về xây dựng sinh thái khởi nghiệp.
Trường Đại học Nha Trang hỗ trợ tốt các hoạt động sinh viên khởi nghiệp, tổ chức chương trình “Thanh niên 4.0 cần làm gì và phải làm như thế nào”, tổ chức khóa đào tạo đổi mới sáng tạo cho sinh viên, tổ chức cuộc thi ươm mầm khởi nghiệp dành cho sinh viên (Rookie Maketing), tham gia dự án V2Work về đổi mới sáng tạo ở các trường đại học và tập huấn lại cho sinh viên nhà trường.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá: đóng góp vào Hệ tri thức Việt số hóa gần 5.000 bài giảng điện tử e-leaming có chất lượng; trên 900 đề án tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ (của các năm 2017, 2018 và 2019); trên 7.500 luận án tiến sĩ; gần 30 nghìn câu hỏi trắc nghiệm và dữ liệu trường học kết nối. Gần 40% số lượt giáo viên được tham gia các lóp tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó 29% giáo viên có thế thiết kế bài giảng e-learning hỗ trợ học sinh tự học.
Có thể nói, phong trào thi đua đã lan tỏa nhiều ý tưởng mới trong công tác quản lý, dạy và học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và chất lượng đội ngũ trong toàn ngành.
Từ khi triển khai phong trào đến nay đã có hàng nghìn cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, nhà giáo, học sinh, sinh viên là những tấm gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học” được tuyên truyền, biểu dương và khen thưởng, tạo bước chuyển biến mới, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả GD&ĐT.