Đáp ứng thực tiễn của Mô hình Trường học mới

GD&TĐ - Là một giáo viên dạy tiểu học, đảm nhiệm nhiều vị trí như: Giáo viên trực tiếp đứng lớp, tổ trưởng tổ chuyên môn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học, chuyên viên Sở GD&ĐT, tôi xin có một số ý kiến về Dự thảo điều lệ trường tiểu học, Bộ GD&ĐT như sau:

Đáp ứng thực tiễn của Mô hình Trường học mới

“Tham gia hội đồng tự quản thật là vui!”

Đây không phải quy định mới do Bộ GD&ĐT nghĩ ra để áp đặt vào các nhà trường mà xuất phát từ thực tiễn triển khai Mô hình Trường học mới (VNEN).

Đây là mô hình đã thực hiện thành công ở rất nhiều trường Tiểu học trong cả nước trong đó có các trường tiểu học của tỉnh Lào Cai (kể cả các trường vùng cao, vùng dân tộc thiểu số).

Việc học sinh tự học, tự tìm tòi và phát hiện kiến thức theo cách học của mô hình trường học mới đã giúp các em chủ động, tự tin, sáng tạo và có thần đoàn kết được thể hiện qua các hoạt động tự học cá nhân, trao đổi với bạn, chia sẻ và tranh luận với các bạn trong lớp, với thầy cô giáo.

Để việc tự học và chia sẻ với bạn bè thầy cô đạt hiệu quả và có sự thân thiện giúp học sinh thực sự thoải mái trong các hoạt động học tập và vui chơi. Mô hình trường học mới đã tổ chức hội đồng tự quản lớp học nhằm xây dựng sự tự chủ và dân chủ ở học sinh ngay từ lứa tuổi nhỏ.

Các em được tham gia bầu chọn và đảm nhiệm các vai trò trong lớp học để tăng sự tự tin và trách nhiệm.

Hội đồng tự quản mang lại lợi ích cho cả học sinh, giáo viên và các nhà quản lí trường học:

- Đối với học sinh: Hội đồng tự quản tạo cơ hội cho các em được trao đổi quan điểm của mình với thầy cô và có thể tác động tới các quyết định mà thầy cô và nhà trường đưa ra. Hội đồng tự quản cũng giúp các bạn học sinh tự tin hơn và phát triển các kĩ năng tâm lí xã hội.

Nhờ đó, lớp học trở lên vui hơn và thực sự là của các em và lớp học tổ chức các hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn đối với các em.

- Đối với giáo viên, nhờ có hội đồng tự quản, giáo viên có thể hiểu được tâm tư, tình cảm và nhu cầu của học sinh tốt hơn, từ đó có những điều chỉnh phù hợp để các hoạt động của mình hiệu quả và phù hợp hơn với học sinh.

Với hội đồng tự quản giáo viên có được những người cộng sự tí hon nhiệt tình và hiệu quả trong nhiều vấn đề khác nhau (Chứ không phải làm thay, làm hộ GV). Thực tế cho rằng nhiều vấn đề có thể giải quyết tốt hơn nhờ sự tham gia của học sinh.

Các hoạt động của lớp nhờ đó được tăng cường và tạo rất nhiều thuận lợi cho việc áp dụng phương pháp dạy học tích cực.

- Đối với các nhà quản lí trường học, hội đồng tự quản với tư cách là đại diện của những người trực tiếp hưởng lợi, là một tổ chức tuyệt vời giúp họ giám sát đánh giá các hoạt động của các lớp học, trường học.

Đồng thời hội đồng tự quản giúp các nhà quản lí tìm ra được các hướng đi đúng đắn để cải thiện trường học theo hướng phù hợp và thân thiện với trẻ em hơn.

- Hội đồng tự quản không phải đơn thuần như lớp trưởng, lớp phó, tổ trưởng đứng ra để giúp cô giáo quản lí, giám sát các bạn; mà hội đồng tự quản còn luôn lắng nghe ý kiến của các bạn học sinh, tìm hiểu những tâm tư, những mong muốn, những khó khăn của các bạn học sinh, sau đó sẽ chia sẻ với cô giáo và có thể trình bày ý kiến của mình trước lớp, trước nhà trường và có kế hoạch giúp đỡ các bạn.

Điều này sẽ giúp giáo viên hiểu rõ hơn về học sinh vì các bạn học sinh là những người hiểu rõ nhất về nhu cầu, mong muốn của bạn mình.

Ngoài ra hội đồng tự quản còn giúp nhà trường thu thập những thông tin của các bạn học sinh để thành lập các câu lạc bộ, các nhóm sở thích … trong nhà trường. Hơn nữa hội đồng tự quản còn tham gia giám sát, đánh giá các hoạt động của nhà trường như: Thư viện, bán trú, công tác vệ sinh …

Một điểm mà được các em học sinh rất vui là các em cảm thấy mình được tôn trọng và được tham gia thực sự vì hội đồng tự quản thuộc về tất cả các bạn học sinh trong lớp (Mỗi HS là một thành viên của hội đồng tự quản, các em có thể đăng kí vào các ban khác nhau ban học tập, ban đối ngoại, tuyên truyền, ban lễ tân, ban đời sống…).

Việc thành lập hội đồng tự quản tùy theo nhu cầu học tập của lớp học. Học sinh được bầu chủ tịch, phó chủ tịch, trưởng ban không do giáo viên áp đặt mà do học sinh tự ứng cử, tập thể bình bầu luân phiên theo tháng hoặc học kỳ.

Trên thực tế, ban đầu có nhiều phụ huynh cũng đã băn khoăn về việc tổ chức hội đồng tự quản trong các lớp tiểu học; nhưng khi được tham dự các em tổ chức tranh cử, tổ chức bầu hội đồng tự quản và qua thực tế thấy con em mình tự tin hơn, học tập tập tiến bộ hơn …và phụ huynh đã khuyến khích con tham gia tranh cử vào hội đồng tự quản của lớp.

Dạy học để chia sẻ

Cũng như tôi có nói ở trên, tôi đã đảm nhiệm nhiều vị trí như: Giáo viên trực tiếp đứng lớp, tổ trưởng tổ chuyên môn, Phó Hiệu trưởng, Hiệu trưởng trường Tiểu học, chuyên viên phòng GD&ĐT, chuyên viên Sở GD&ĐT thì tôi thấy trong dự thảo điều lệ trường tiểu học, Bộ GD-ĐT đưa ra quy định hiệu trưởng phải tham gia dạy học 2 tiết/tuần, hiệu phó 4 tiết/tuần là rất cần thiết vì:

Thứ nhất: Người quản lí phải là người biết và hiểu được những khó khăn, những vướng mắc của giáo viên trực tiếp dạy trên lớp để động viên, để chia sẻ với họ; muốn làm tốt điều đó thì người quản lí cũng phải thực hiện kiểm nghiệm những công việc mà GV đang phải đảm nhiệm.

Thứ hai: Dạy học để cập nhật, thực hành những đổi mới, để nâng cao trình độ chuyên môn cho bản;

Thứ ba: Hiệu trưởng, hiệu phó phải chứng tỏ được năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của bản thân, để giáo viên tin tưởng, chia sẻ về phương pháp, về đánh giá học sinh; thì hiệu trưởng, hiệu phó phải có chuyên môn, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học tốt thì mới hướng dẫn được giáo viên, mới thực sự là nòng cốt chuyên môn cho GV; vì vậy đương nhiên Hiệu trưởng, hiệu phó phải có thực tế giảng dạy mới có thể hướng dẫn được giáo viên.

Thứ tư: Chính việc tham gia giảng sẽ thúc đẩy sự chia sẻ, cùng giáo viên luôn thôi thúc tìm tòi ra những cái mới, những sáng kiến hay để tổ chức các hoạt động trong nhà trường hiệu quả hơn.

Hội đồng tự quản lớp học là một hình thức tổ chức của trẻ em đại diện cho tất cả học sinh trong lớp. Hội đồng tự quản có thể được coi là một phần trong công tác Đội tại các trường tiểu học ở Việt Nam.

Hội đồng tự quản là thành phần quan trọng để xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Đây là hình thức rất hiệu quả để giúp học sinh tham gia tích cực hơn vào việc giám sát, đánh giá và quản lí các hoạt động của lớp học và giúp lớp học của mình trở lên thân thiện hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ