Đáp ứng tâm nguyện

GD&TĐ - Bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp với giáo viên là bỏ đi một hình thức tồn tại với nhiều bất cập...

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Ngày 7/12/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 85/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Theo đó, nội dung và thời gian thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp được sửa đổi thành nội dung, hình thức xét thăng hạng.

Theo Nghị định trên, tới đây, giáo viên không phải thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Nhiều giáo viên viết thư bày tỏ, đây là quyết định sáng suốt, đúng mong mỏi, tâm nguyện đa số giáo viên trên mọi miền Tổ quốc.

Thực tế cho thấy, dù đáp ứng điều kiện cần và đủ, nhưng nhiều giáo viên vẫn “xếp hàng” dài chờ được thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Việc này, vô hình trung ảnh hưởng đến nhiệt huyết với nghề, tác động đến quá trình nâng cao trình độ, quyền lợi chính đáng của nhà giáo. Ngoài ra, quá trình thi tốn kém cho thí sinh và ban tổ chức khi phải chi phí nhiều khoản, đó là chưa kể những áp lực vô hình do kỳ thi mang lại.

Từng có tình trạng do đặc thù công việc, một số giáo viên không có khả năng ngoại ngữ nhưng vẫn “mạnh dạn” đăng ký dự thi thăng hạng và trông chờ, “cầu may” vào bài thi trắc nghiệm. Nghĩa là, họ trả lời các câu hỏi theo cảm tính, dù không biết đúng hay sai. Tất cả nhờ vào “may mắn” với ý nghĩ: Nếu có thể trả lời đúng khoảng 50% đáp án câu hỏi trắc nghiệm là khả thi.

Tuy nhiên, vận may không “mỉm cười” với họ. Câu chuyện này là một trong những lát cắt minh chứng về hạn chế việc thi thăng hạng viên chức nói chung và giáo viên nói riêng.

Suy cho cùng, bản chất thi thăng hạng giáo viên chỉ là hình thức. Chất lượng giáo viên phải được đánh giá bằng hiệu quả công việc. Với thầy, cô giáo, được học trò kính trọng, phụ huynh tin tưởng, đồng nghiệp tôn trọng, yêu quý chính là sự “thăng hạng” xứng đáng, thực chất nhất.

Nhiều giáo viên lớn tuổi, trong đó có thầy, cô giáo sắp về hưu thẳng thắn chia sẻ, thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp không có ý nghĩa nhiều với việc nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ.

Cả cuộc đời gắn bó với bục giảng, phấn trắng, bảng đen, nhiều giáo viên được lãnh đạo, đồng nghiệp, học sinh, phụ huynh quý mến vì giỏi nghề, thương học trò, tận tâm, tận hiến với sự nghiệp “trồng người” và đạt thành quả đáng tự hào trong công việc… Với những thành tích đó, lẽ ra họ phải được ưu tiên xét thăng hạng chứ không cần qua một kỳ thi sát hạch nào đó. Việc xét thăng hạng sẽ là động lực giúp thầy, cô cống hiến hơn nữa cho sự nghiệp phát triển giáo dục.

Bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp với giáo viên là bỏ đi một hình thức tồn tại với nhiều bất cập. Qua đó, tiết kiệm chi phí xã hội, giảm thủ tục hành chính. Chất lượng dạy học của thầy, cô giáo phải được đánh giá qua thực tế công tác, kết quả công việc, không phải bằng một kỳ thi. Lẽ tất nhiên, vẫn cần chú trọng nâng cao chất lượng giảng dạy và hiệu quả công việc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.