Đáp ứng kháng thể trung hòa sau 4 mũi vắc-xin phòng Covid-19

GD&TĐ - Nghiên cứu cho thấy, đáp ứng kháng thể trung hòa sau 4 mũi vắc-xin là 87,81%. Tỷ lệ này tương đương với tiêm 3 mũi vắc-xin nhiều loại (87,22%).

Từ tháng 6, Hà Nội triển khai tiêm vắc-xin mũi 4.
Từ tháng 6, Hà Nội triển khai tiêm vắc-xin mũi 4.

Tỷ lệ kháng thể mũi 3 và 4 tương đương

Mới đây, Liên chi hội Hô hấp TPHCM đã kết hợp với Liên chi hội Vi sinh Lâm sàng TPHCM thực hiện nghiên cứu tìm hiểu đáp ứng miễn dịch của cơ thể trên người tiêm vắc-xin và người nhiễm Covid-19.

Đây là nghiên cứu cắt ngang và có một phần theo dõi dọc trên người đã tiêm vắc-xin và nếu có thể, cả những người đã nhiễm Covid-19. Nghiên cứu được thực hiện trên 1.200 mẫu huyết tương.

Tác giả của nghiên cứu, TS Phạm Hùng Vân - Hiệu trưởng Trường Đại học Phan Châu Trinh (TPHCM) - cho biết, đáp ứng kháng thể trung hòa trên những người đã tiêm 3 mũi vắc-xin AstraZeneca có tăng lên (67,77%) so với 2 mũi.

Tuy nhiên, đáp ứng vẫn không cao bằng tiêm 1 mũi là AstraZeneca và hai mũi sau là Pfizer (82,40%), hoặc 2 mũi đầu là AstraZeneca và mũi sau là Pfizer (82,40%) hoặc Nanocovax (85,20%).

“Lý do chích 3 mũi AstraZeneca không cho đáp ứng kháng thể trung hòa cao có thể là do đáp ứng miễn dịch kháng adenovirus trong những mũi chích lúc đầu đã làm giảm hiệu quả của mũi thứ 3.

Trong khi đó, với mũi chích thứ 3 là vắc-xin mRNA hay vắc-xin tiểu đơn vị thì lại phát huy hiệu quả vì đã tránh được đáp ứng miễn dịch kháng adenovirus do vắc-xin AstraZeneca được chích trước đó tạo ra”, TS Vân giải thích.

Đáp ứng kháng thể trung hòa với 3 mũi vắc-xin mRNA cho kết quả rất cao, với mũi đầu là Moderna và hai mũi sau là Pfizer (95,16%). Song, với hai mũi đầu là Moderna còn mũi thứ 3 là Pfizer, đáp ứng kháng thể trung hòa thấp hơn (79,70%).

Nghiên cứu cũng cho thấy, đáp ứng kháng thể trung hòa với 4 mũi vắc-xin là 87,81%. Tỷ lệ này tương đương với tiêm 3 mũi vắc-xin nhiều loại (87,22%).

“Nhìn chung, 4 mũi chích vắc-xin có đáp ứng kháng thể trung hòa cao hơn, nhưng không khác biệt đáng kể so với chích 3 mũi vắc-xin là mRNA, hay mũi đầu là AstraZeneca và các mũi sau là mRNA”, TS Vân cho biết.

Kháng thể sau 3 mũi vắc-xin AstraZeneca thấp

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ tháng 6 này, thành phố triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 liều nhắc lại lần 2 (mũi 4) trên địa bàn. Theo kế hoạch, Hà Nội phấn đấu trên 95% các nhóm thuộc diện cần tiêm mũi nhắc lại lần 2 được tiêm chủng vắc-xin Covid-19; đảm bảo an toàn công tác tiêm chủng cho người dân.

Nhóm tiêm chủng bao gồm: Người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên thuộc 2 nhóm: Suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng, thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19 gồm cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu, công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp; các nhóm khác theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

Trong khi đó, tại TPHCM, từ ngày 17/5, thành phố đã tổ chức tiêm mũi 4. Để tăng cường bảo vệ nhóm nguy cơ phơi nhiễm trong hoạt động nghề nghiệp, TPHCM mở rộng thêm nhóm tiêm vắc-xin mũi 4 gồm: Giáo viên, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc tại các sở, ban, ngành thành phố, công ty, doanh nghiệp.

Theo chuyên gia này, nếu muốn đánh giá hiệu quả tạo kháng thể trung hòa trên những người nhiễm Covid-19 hay đã tiêm vắc-xin, không nên sử dụng thử nghiệm huyết thanh học định lượng kháng thể đặc hiệu protein S. Thay vào đó, nên sử dụng thử nghiệm trung hòa thay thế dựa trên công nghệ ELISA.

“Những người đã chích vắc-xin mũi 1 thì rất cần phải chích mũi 2 để nhắc lại. Những người đã nhiễm Covid-19 nhưng chưa chích vắc-xin cũng rất cần chích thêm vắc-xin để có miễn dịch kháng thể trung hòa cao”, chuyên gia khuyến cáo.

Cũng theo TS Vân, việc tiêm vắc-xin mũi 2 hay 3 cùng một loại AstraZeneca sẽ khó đạt được đáp ứng miễn dịch kháng thể trung hòa cao.

Bởi, sự hiện diện của miễn dịch kháng adenovirus được cơ thể tạo ra trong những lần chủng ngừa trước đó sẽ làm giảm hiệu quả của vắc-xin AstraZeneca được tiêm cho những lần sau. Do đó, nếu đã tiêm mũi 1 AstraZeneca, các mũi sau nên là vắc-xin mRNA.

“Một khi kháng thể trung hòa đã cao sau khi chích 2 hay 3 mũi, mà muốn chích thêm mũi tăng cường, cần chờ thời gian tối thiểu 6 tháng hay lâu hơn. Bởi, nếu chích mũi tăng cường khi đáp ứng miễn dịch của cơ thể còn cao, thì đáp ứng miễn dịch này sẽ trung hòa vắc-xin, không cho vắc-xin gặp được tế bào miễn dịch nhớ.

Vì vậy, không giúp tăng thêm đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Thậm chí, có thể làm đáp ứng miễn dịch bị hiện tượng dung nạp”, TS Phạm Hùng Vân giải thích.

Theo chuyên gia này, nếu kết quả xét nghiệm đáp ứng miễn dịch kháng thể trung hòa không cao hoặc thấp dù đã tiêm nhiều mũi vắc-xin các loại, hay nhiễm Covid-19 sau khi chủng ngừa, người dân cũng không nên lo lắng. Bởi, có thể cơ thể đã có đáp ứng miễn dịch tế bào cao mà hiện nay chưa phòng xét nghiệm chẩn đoán nào làm được thử nghiệm này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.