Chi phí học tập rẻ hơn, bằng cấp như nhau, điểm đầu vào “dễ thở”… trở thành lợi thế khi thí sinh chọn học tại phân hiệu trường đại học.
Ăn cơm nhà, học chất lượng cao
Phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam thuộc cơ cấu tổ chức của cơ sở giáo dục đại học, được thành lập ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác với nơi đặt trụ sở chính của trường. Phát triển các phân hiệu trường đại học không chỉ góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương, mà còn tạo cơ hội học tập cho học sinh, sinh viên. Được học gần nhà, chi phí học tập giảm đáng kể, lợi thế về điểm xét tuyển đầu vào cũng như cơ hội việc làm rộng mở… làm cho phân hiệu các trường đại học ngày càng có sức hút với thí sinh.
Theo chia sẻ của cán bộ, giảng viên, lợi thế khi học tại các phân hiệu so với trường chính trước hết là điểm xét trúng tuyển vào các phân hiệu thường “dễ thở” hơn. Các phân hiệu tuyển sinh với nhiều ngành nghề gắn với thế mạnh vùng, địa phương, cạnh tranh ít, cơ hội trúng tuyển cao. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo và các quy định khác giống với cơ sở chính... Đặc biệt là chi phí, sinh hoạt phí khi học tại các phân hiệu giảm đáng kể, phù hợp với kinh tế gia đình của các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa…
Trường ĐH Nông Lâm TPHCM hiện có 2 phân hiệu đào tạo tại tỉnh Gia Lai và tỉnh Ninh Thuận. Phân hiệu thực hiện công tác tuyển sinh, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đại học và sau đại học cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên ở các lĩnh vực là thế mạnh của trường như nông, lâm nghiệp, kinh tế, đào tạo giáo viên. Việc tuyển sinh và học tập tại các phân hiệu được thực hiện theo các quy chế và điều kiện của nhà trường. Sinh viên được học hoàn toàn 4 năm tại phân hiệu và sau khi tốt nghiệp sẽ được hiệu trưởng cấp bằng đại học hệ chính quy…
Theo TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng nhà trường, trong bối cảnh nền kinh tế chia sẻ, các cơ sở giáo dục đại học cũng sẻ chia nguồn lực để tạo điều kiện tốt nhất cho người học. Phân hiệu của trường đại học lớn ở TPHCM mở tại các địa phương tạo cơ hội rất tốt cho học sinh “ăn cơm nhà, yên tâm học để lấy bằng của trường đại học danh giá”.
Trường ĐH Công nghiệp TPHCM hiện có phân hiệu tại Quảng Ngãi, sinh viên học tại phân hiệu có nhiều ưu đãi như học phí thấp (chỉ bằng 50% của cơ sở TPHCM), không gian học tập, sinh hoạt thoải mái, ký túc xá đủ chỗ cho tất cả sinh viên. Theo lãnh đạo nhà trường, phần lớn sinh viên theo học tại phân hiệu Quảng Ngãi đến từ các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum... Khi tuyển dụng thì các đơn vị doanh nghiệp không phân biệt học tại phân hiệu hay cơ sở chính.
Gắn với nhu cầu của thị trường lao động
Phân hiệu Trường ĐH Kinh tế TPHCM tại tỉnh Vĩnh Long được Bộ GD&ĐT thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 1/2020 nhằm đào tạo nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, tác động của biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phản biện chính sách đóng góp cho sự phát triển vùng ĐBSCL. Phân hiệu tại Vĩnh Long đào tạo các ngành Kinh tế và Kinh doanh nông nghiệp, Công nghệ tích hợp với Kinh tế kinh doanh, Quản lý công, Kế toán, Tài chính - Ngân hàng…
Theo lãnh đạo Trường ĐH Kinh tế TPHCM, nhằm đáp ứng yêu cầu và đảm bảo chất lượng phục vụ cho quá trình đào tạo, nhà trường đã đầu tư cơ sở vật chất với phòng máy tính cấu hình mạnh; thư viện thông minh kết nối khai thác dữ liệu từ cơ sở chính; phòng học với bàn ghế, bảng và bục giảng thông minh; hệ thống wifi được đầu tư nâng cấp phủ sóng toàn trường và khu ký túc xá, khu thể thao đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho sinh viên…
Như vậy, sinh viên học tại Phân hiệu Vĩnh Long được tạo điều kiện học tập như tại cơ sở chính ở TPHCM, nhận bằng tốt nghiệp cử nhân hệ chính quy tập trung của Trường ĐH Kinh tế TPHCM (không phân biệt nơi học). Học kỳ doanh nghiệp (năm cuối) sinh viên có thể chọn học tại TPHCM. Phân hiệu thừa hưởng các chính sách và chương trình đào tạo tiên tiến với giáo trình và đội ngũ giảng viên như cơ sở chính tại TPHCM; học phí bằng 80% học phí tại TPHCM. Mặt khác, sinh viên còn được miễn lệ phí ký túc xá 1 học kỳ đầu tiên khi nhập học; có cơ hội nhận học bổng theo chính sách của nhà trường như sinh viên học tại TPHCM; được hỗ trợ giới thiệu việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp…
Trường ĐH Cần Thơ cùng tỉnh Sóc Trăng đang chuẩn bị cho việc thành lập Phân hiệu Trường ĐH Cần Thơ tại Sóc Trăng. Phân hiệu sử dụng cơ sở vật chất khu A và khu B Trường CĐ Cộng đồng Sóc Trăng. Theo GS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, việc tiếp nhận cơ sở vật chất khu A và khu B Trường CĐ Cộng đồng Sóc Trăng để thành lập Phân hiệu Trường ĐH Cần Thơ nhằm phục vụ cho công tác giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của trường tại Sóc Trăng và các tỉnh ĐBSCL.
Với định hướng như vậy, phân hiệu sẽ tổ chức tuyển sinh, đào tạo các ngành học phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Sóc Trăng, ở lĩnh vực ưu tiên phát triển nông nghiệp, thủy sản, logistics, quản lý hành chính, quản lý nông thôn… nhằm góp phần đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao. Mỗi năm, trường tuyển khoảng 10.000 sinh viên, trong đó sẽ dành khoảng 1.000 chỉ tiêu cho phân hiệu, bước đầu ưu tiên giải quyết vấn đề nhân lực của tỉnh, về sau sẽ dành cho sinh viên các tỉnh lân cận như Bạc Liêu, Cà Mau…
Hiện nay, nhiều trường đại học mở phân hiệu tại một số tỉnh, thành như Phân hiệu Trường ĐH Kinh tế TPHCM tại Vĩnh Long; Phân hiệu Trường ĐH Nông Lâm TPHCM tại Gia Lai, Ninh Thuận; Phân hiệu Trường ĐH Sư phạm TPHCM tại Gia Lai, Long An; Phân hiệu Trường ĐH Công nghiệp TPHCM tại Quảng Ngãi; Đại học Quốc gia TPHCM Phân hiệu Bến Tre; Đại học Tài chính - Kế toán Phân hiệu Huế; Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Phân hiệu Thanh Hóa; Trường Đại học Kiến trúc TPHCM cơ sở tại Cần Thơ, Đà Lạt…