Thu nhập hấp dẫn
Theo Quyết định phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành Công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2030 đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên. Còn số liệu từ Cổng thông tin khoa học và công nghệ quốc gia cho thấy, đến cuối năm 2023, cả nước có hơn 5.500 kỹ sư thiết kế chip. Nhu cầu nhân lực ngành Công nghiệp bán dẫn của Việt Nam là 5.000 - 10.000 kỹ sư/năm, song khả năng đáp ứng chưa đến 20%.
Ông Nguyễn Phúc Vinh - Giám đốc kỹ thuật Synopsys Việt Nam cho hay, ngành Công nghiệp bán dẫn có thu nhập hấp dẫn, tăng đều mỗi năm. Trong đó, kỹ sư thiết kế vi mạch mới ra trường thu nhập sau thuế gần 220 triệu đồng/năm; người làm việc kinh nghiệm lâu năm thu nhập từ 1,3 - 1,5 tỷ đồng/năm.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện có khoảng 35 cơ sở giáo dục đại học có khả năng tham gia đào tạo lĩnh vực công nghệ bán dẫn. Thứ trưởng Bộ GD&DT Hoàng Minh Sơn nhìn nhận, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao đang là điểm nghẽn lớn của việc thu hút các tập đoàn công nghệ lớn chuyển dịch địa điểm đầu tư nghiên cứu, phát triển và sản xuất sang Việt Nam.
Bên cạnh định hướng rõ nét, nguồn lực hỗ trợ tương xứng và công cụ điều phối hiệu quả của Nhà nước, Thứ trưởng cho rằng, cần sự chủ động vào cuộc của các cơ sở giáo dục đại học, kết hợp cùng các tập đoàn, doanh nghiệp, nhằm đào tạo nguồn nhân lực đi trước một bước. Từ đó thu hút đầu tư, phát triển thị trường lao động và tạo vòng hồi tiếp để thu hút người học, gia tăng nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp tục thu hút đầu tư.
Trường Đại học CMC và Synopsys - một trong những đơn vị sản xuất chip hàng đầu tại Mỹ đã ký kết thỏa thuận hợp tác liên quan tới chương trình đào tạo. Theo đó, Synopsys cung cấp chương trình đào tạo theo chuẩn toàn cầu và đào tạo giảng viên theo công cụ và quy trình thiết kế chuẩn công nghiệp của Synopsys. Sinh viên Trường Đại học CMC được thực hành tại các phòng thí nghiệm với trang thiết bị do Synopsys, Cadence cung cấp bản quyền. Ngoài ra, Synopsys kết nối Trường Đại học CMC hợp tác với các viện nghiên cứu, đại học và doanh nghiệp về thiết kế vi mạch lớn trên thế giới.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học CMC cho rằng, đào tạo nhân lực ngành Công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam cần có sự hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, nếu cùng quyết tâm thì có thể thành công. Nguồn nhân lực cho công nghiệp vi mạch bán dẫn phải đào tạo bài bản và có đủ các phương tiện kỹ thuật về phần cứng và phần mềm.

Thúc đẩy hợp tác công tư
Trao đổi tại Diễn đàn chính sách “Việt Nam chủ động phát triển ngành Công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trong kỷ nguyên mới”, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FPT nhấn mạnh, trước nhu cầu khan hiếm nhân lực về công nghệ bán dẫn và AI, FPT cam kết đến năm 2030 sẽ đào tạo 5.000 người và hiện có 1.600 sinh viên theo học ngành này.
Cùng với FPT, thời gian qua, hơn chục trường đại học hàng đầu đã nhanh chóng mở chương trình đào tạo về AI, bán dẫn để chuẩn bị sẵn lực lượng cho thế hệ chuyên gia hòa mình vào dòng chảy công nghệ toàn cầu. “Đây là “mỏ vàng” chờ các doanh nghiệp quốc tế đến khai thác”, ông Trương Gia Bình nói.
Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FPT, nếu nhiều năm trước, Việt Nam gần như “vô danh” trên bản đồ công nghệ thông tin thế giới, nay chúng ta trở thành cái nôi của nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong mục tiêu đào tạo 1 triệu nhân lực AI của Việt Nam, FPT cam kết chuyển đổi, đào tạo năng lực AI cho 500.000 người.
Mới đây, Trung tâm Ươm tạo và phát triển bán dẫn (VSIC) và Không gian ươm tạo Startup về bán dẫn FPT-ALCHIP chính thức khai trương. Ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia nhấn mạnh, trung tâm có sứ mệnh ươm tạo, phát triển doanh nghiệp, công nghệ, nhân tài bán dẫn và thúc đẩy năng lực cạnh tranh của ngành bán dẫn Việt Nam. VSIC sẽ có các hoạt động chính: Đào tạo chuyên sâu và ngắn hạn về bán dẫn; kết nối các đối tác công nghệ trong và ngoài nước, tạo nền tảng cho hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam; tư vấn giải pháp tổng thể trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.
Khai trương VSIC và Không gian ươm tạo Startup về bán dẫn FPT-ALCHIP đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc hiện thực hóa chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trong đó, thúc đẩy hợp tác công tư, mô hình 3 Nhà: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp để phát triển ngành Công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn tại Việt Nam năm 2030 và có 100 doanh nghiệp thiết kế chip.
Hằng năm, khoảng 30% thí sinh theo các ngành liên quan STEM nhưng GS.TS Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, không phải trường nào cũng đào tạo được vi mạch, bán dẫn. Do đó, nhân lực ngành này sẽ thiếu trong thời gian tới. Điều này đồng nghĩa việc “dư địa” nhân lực vi mạch bán dẫn rất lớn. Là ngành công nghiệp rộng lớn, lao động tốt nghiệp các ngành này có thể làm việc ở nhiều ngành khác nhau, không riêng gì bán dẫn. Nếu sinh viên tiếp cận kiến thức kỹ năng cơ bản các ngành đào tạo, trong đó có cả định hướng chuyên sâu về ngành Vi mạch bán dẫn, sau đó vẫn có thể làm việc ở các lĩnh vực khác nhau, không chỉ làm việc trong nước mà cả trên thế giới.
Trước những lo ngại, liệu ngành Vi mạch bán dẫn có “bão hòa” như một số ngành đã được mở ồ ạt trước đây? GS.TS Chử Đức Trình cho hay, cả nước có khoảng 240 trường đại học, trong đó gần 160 trường có chuyên ngành đào tạo kỹ thuật, có khả năng chuyển đổi để đào tạo nhân lực bán dẫn; có 35 cơ sở đào tạo đang đào tạo các ngành có liên quan đến công nghiệp bán dẫn. “Nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin có định hướng phát triển trong lĩnh vực này có thể phối hợp, hỗ trợ trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng như sử dụng chính nguồn nhân lực qua đào tạo”, GS.TS Chử Đức Trình thông tin.
Về phía Bộ GD&ĐT, theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Bộ đang xây dựng kế hoạch hành động trong toàn ngành để thúc đẩy triển khai đào tạo, gia tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, nhất là kỹ sư thiết kế vi mạch. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất là tăng cường năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học, cả về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và công nghệ.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, cần có giải pháp để thu hút sinh viên đang học các ngành phù hợp, ngành gần; thu hút nhiều hơn nữa học sinh phổ thông đăng ký vào học những ngành, chuyên ngành này. Đồng thời, xây dựng hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp sử dụng nhân lực thuộc lĩnh vực công nghệ bán dẫn.