Đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Dệt may

GD&TĐ - Phát triển Chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Dệt may Việt Nam đáp ứng nhu cầu hội nhập AEC, TPP, FTA là chủ đề chính của Hội thảo được Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội tổ chức vào chiều 19/10.

Đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Dệt may

Tất cả các yếu tố về đổi mới phương thức đào tạo nêu trên đều được thể hiện trong các chương trình đào tạo của trường với thời lượng lý thuyết từ 30 – 40% và thời lượng thực hành kỹ năng kỹ thuật, kỹ năng tư duy chiếm 60 – 70%.

 Tiến sỹ Hoàng Xuân Hiệp

Phát biểu tại Hội thảo, TS Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội - cho biết: 

Trong giai đoạn tới đây, với bối cảnh hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, nhà trường sẽ tập trung vào những mũi nhọn nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho quá trình hội nhập của Ngành dệt may Việt Nam.

Theo đó, trong thời gian ngắn hạn, nhà trường sẽ tập trung đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên, cán bộ quản trị cấp cao, cấp trung và cấp cơ sở có trình độ cao trong lĩnh vực dệt may nhằm giúp các doanh nghiệp trong ngành duy trì lợi thế cạnh tranh của ngành dệt may hiện tại là: Sản xuất hàng có chất lượng cao, năng suất lao động khá tốt và đang từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

Ngay trong năm 2015, nhà trường đã giảng dạy 3 lớp giám đốc nhà máy, 2 lớp đào tạo cán bộ quản trị chất lượng cho các doanh nghiệp dệt may. 

Các nội dung giảng dạy bậc cao này cũng đã được tích hợp vào chương trình chính quy ở dạng đào tạo cử nhân tài năng trong lĩnh vực dệt may nhằm cung cấp nguồn nhân lực cao cấp cho ngành.

Đối với thời gian trung hạn và dài hạn, thầy Hiệp thông tin thêm: Nhà trường sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho phương thức sản xuất ODM, FOB thay vì chủ yếu đào tạo nhân lực cho phương thức CMT như trước đây, đó là nguồn nhân lực phục vụ cho khâu thiết kế thời trang công nghiệp, làm mẫu rập theo số đo nhân trắc từ mẫu sáng tác, phát triển mẫu, quản trị chuỗi cung ứng, xuất khẩu và làm thị trường.

Bên cạnh đó, để chủ động về nguồn nguyên liệu đầu vào, nhà trường sẽ chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực sản xuất nguyên liệu như: sợi, dệt, nhuộm.

Toàn cảnh Hội thảo
 Toàn cảnh Hội thảo

"Thực tế Việt Nam, có nhiều loại nhân lực rất cần cho Ngành dệt may nhưng chưa có cơ sở nào đào tạo, ví dụ như nguồn nhân lực quản trị đơn hàng merchandiser; hoặc có những nguồn nhân lực có nhu cầu lớn như sợi, dệt, nhuộm, cần khoảng 300 – 400 kỹ sư/năm nhưng trong giai đoạn vừa qua, các trường đại học chỉ cung cấp được khoảng 30 sinh viên/năm, chưa đáp ứng được 10% cho nhu cầu phát triển.

Hiện nay, cả hai chương trình đào tạo này đều đã được phát triển thành công tại trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội để triển khai vào đào tạo đại học cũng như bồi dưỡng cán bộ cho doanh nghiệp dệt may ngay trong Quý 4/2015" - thầy Hiệp dẫn giải.

Cũng theo thầy Hiệp, hội nhập kinh tế đòi hỏi nguồn nhân lực cần phải làm việc trong môi trường toàn cầu, đặc biệt đối với ngành hàng có thị trường xuất khẩu lớn như ngành dệt may, vì vậy nhà trường sẽ tập trung nâng chuẩn đầu ra về tiếng Anh lên B1 chuẩn châu Âu cho tất cả sinh viên tốt nghiệp bậc đại học.

Công tác chuẩn bị cho nâng chuẩn đã được nhà trường chuẩn bị chu đáo bằng việc bồi dưỡng giảng viên tiếng Anh trong các chương trình đào tạo quốc tế chuyên ngành tiếng Anh, tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên ngoại ngữ tiếp cận với môi trưởng sản xuất tiến tiến để xây dựng chương trình, giáo trình tiếng Anh chuyên ngành phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.

Mặt khác, phát huy thế mạnh là trường gắn với Tập đoàn Dệt May Việt Nam, nhà trường sẽ đổi mới phương thức đào tạo theo hướng tiếp cận với môi trường doanh nghiệp trong nội dung của từng môn học, học phần cơ sở ngành và chuyên ngành.

Việc tiếp cận với môi trường doanh nghiệp sẽ được đưa vào chương trình đào tạo sớm hơn (từ học kỳ 2) để giúp sinh viên sớm được trải nghiệm môi trường công nghiệp và ứng dụng kiến thức, kỹ năng trong các bài giảng vào giải quyết các vấn đề của thực tiễn sản xuất ngay từ những môn học cụ thể.

"Bên cạnh đó, để phát huy tối đa tính chủ động của sinh viên trong phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ, nhà trường cũng sẽ là một trong những trường đại học đầu tiên tổ chức cho sinh viên được phép tự học trong các phòng tự học thực hành trang bị thiết bị tiên tiến" - Thầy Hiệp cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.