Đây là nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của Hàn Quốc. Phó Chủ tịch HRD cũng cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng những kinh nghiệm này trong phát triển nguồn nhân lực hiện nay.
Mở rộng cơ hội tiếp cận đào tạo nghề
Theo ông Kim In Kon, năm 1967, đạo luật đào tạo nghề ra đời đã khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề nhằm tạo ra lực lượng lao động có kỹ năng mà các doanh nghiệp có nhu cầu. Các trường và các trung tâm dạy nghề phát triển nhanh và mở rộng trong những năm 1970. Đồng thời, Hàn Quốc tăng cường hợp tác với các nước: Mỹ, Đức, Nhật... để đào tạo giáo viên hướng dẫn để hình thành “khung” hệ thống đào tạo nghề.
Trong giai đoạn tiếp theo, chiến lược phát triển nhân lực của Hàn Quốc đặt ra nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế đến năm 2000. Năm 1995, Hàn Quốc đã có những bước đột phá về đào tạo với những cơ chế mở rộng để cho bất kỳ người lao động nào cũng có thể tiếp cận với đào tạo nghề.
Tháng 12/2001, chính phủ Hàn Quốc công bố Chiến lược quốc gia lần thứ nhất về phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2001 - 2005. Tiếp đó, Chiến lược quốc gia lần thứ hai về phát triển nguồn nhân lực thời kỳ 2006 - 2010 được xây dựng và thực hiện hiệu quả. Nội dung chính của các chiến lược này đề cập tới sự tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp, trường đại học và các cơ sở nghiên cứu; nâng cao trình độ sử dụng và quản lý nguồn nhân lực, nâng cao tính chuyên nghiệp của nguồn nhân lực trong khu vực công; xây dựng hệ thống đánh giá và quản lý kiến thức, kỹ năng và công việc; xây dựng kết cấu hạ tầng thông tin cho phát triển nguồn nhân lực; xây dựng và phát triển thị trường tri thức...
Ưu tiên đào tạo cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp Hàn Quốc là một trong những nội dung quan trọng của đào tạo nghề được đầu tư và phát triển tại Hàn Quốc. Ông Choi Jin Hyuk, chuyên gia của HDR cho biết, chi phí hỗ trợ cho doanh nghiệp của Hàn Quốc khi đào tạo nghề cho người lao động được lấy từ chi phí bảo hiểm lao động. Để nhận chi phí đào tạo này thì doanh nghiệp Hàn Quốc phải đăng ký và mua bảo hiểm lao động. Chi phí này được hỗ trợ cho việc đào tạo, ăn ở, đi lại.
Hỗ trợ đào tạo nghề cho doanh nghiệp, chính phủ Hàn Quốc tập trung ưu tiên doanh nghiệp vừa và nhỏ với tỷ lệ 100% cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, 60% cho doanh nghiệp lớn và 40% cho doanh nghiệp trên 1.000 người.
Quy trình hỗ trợ đào tạo doanh nghiệp từ khi bắt đầu đăng ký đến nhận hỗ trợ đều được đăng ký trên Internet. Doanh nghiệp cũng như bên hỗ trợ đào tạo sẽ lên lịch trình nội dung, mục đích đào tạo gửi lên HRD để đăng ký. Cơ quan HRD sẽ kiểm tra, xem chương trình có khả thi để đồng ý hay không đồng ý. Với trường hợp cho phép doanh nghiệp tiến hành đào tạo, doanh nghiệp sẽ phải nộp báo cáo về tiến độ đào tạo cũng như hỗ trợ tài chính cho quá trình đào tạo và trình lên các cơ quan liên ngành. Phía HRD sẽ nhận báo cáo của doanh nghiệp và giám sát quá trình đào tạo xem có phù hợp với người lao động không.
Hiện nay, hỗ trợ đào tạo năng lực nghề cho doanh nghiệp đang chiếm tỷ trọng ngân sách lớn nhất của HRD, khoảng 3.000 tỷ Won vào năm 2015 và đến năm 2017 con số này là 3.300 tỷ Won. Cách thức đào tạo phong phú, đa dạng từ đào tạo trực tiếp đến đào tạo từ xa. Hiện nay, hình thức đào tạo trực tiếp đang có xu hướng giảm và thay vào đó là đào tạo từ xa thông qua Internet. Đây là hình thức đào tạo phù hợp với xu hướng mới, tiết kiệm được thời gian, tiền bạc cho người lao động.