Đào tạo nghề kép: Kinh nghiệm đột phá

GD&TĐ - Hệ thống đào tạo nghề kép của CHLB Đức được đánh giá là chuẩn mực đối với các nước. 

Đào tạo nghề kép: Kinh nghiệm đột phá

Trong các bài phát biểu quan trọng, các nguyên thủ quốc gia như Tổng thống Mỹ Obama hay Thủ tướng Anh David Cameron, đều cho rằng: để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao một cách bền vững, cần phải học tập nước Đức về đào tạo nghề.

Từ trường nghề đến doanh nghiệp

Theo quy định của Chính phủ CHLB Đức, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông học sinh đều có thể học nghề từ lứa tuổi 15 - 18. Tham gia vào hệ thống đào tạo nghề, học sinh có thể lựa chọn hình thức đào tạo toàn bộ tại trường hoặc hệ thống đào tạo nghề kép. Có tới 2/3 học sinh trong nhóm độ tuổi này đã chọn hình thức đào tạo nghề kép.

Tiêu chuẩn được lựa chọn vào hệ thống đào tạo nghề kép phụ thuộc vào chất lượng học nghề của học sinh. Các học sinh tham gia hệ thống này, được học các kỹ năng cơ bản cho ngành nghề đã chọn và sau đó được đào tạo chuyên sâu. Học sinh theo học ngành của mình tại trường nghề và công ty, họ có thể sử dụng tới 2/3 thời gian trong tuần để học nghề tại công ty, số thời gian còn lại học tại trường nghề, ngoài ra còn có thể tham gia học ngoài giờ tại trường nghề.

Hiện nay, trong chương trình học của hệ thống đào tạo nghề kép các môn chuyên ngành chiếm 60% và các môn phổ thông chiếm 40%. Trong thời gian học nghề, các học sinh được hưởng chi phí đào tạo do chính quyền bang trả cho phần học tại trường theo chương trình. Các công ty trả chi phí trực tiếp cho việc đào tạo thực hành tại công ty. Thông thường, các công ty chi trung bình 2 - 3% tổng quỹ tiền lương của họ cho đào tạo ban đầu. Học sinh học nghề thường được chi trả mức lương thực tập bằng khoảng 1/3 mức lương khởi điểm của người thợ có bằng cấp. Theo số liệu thống kê, có khoảng 80% học sinh tốt nghiệp học nghề trong các công ty lớn được ở lại làm việc tại công ty đã đào tạo, tại công ty nhỏ thì con số này thấp hơn. Tuy nhiên, cơ hội việc làm của các học sinh tốt nghiệp không được công ty đào tạo thuê vẫn rất cao, bởi họ đã được khẳng định chất lượng tay nghề từ hệ thống đào tạo nghề kép.

Thúc đẩy dạy nghề, việc làm

Các doanh nghiệp Đức cho rằng, việc nhận thực tập sinh không phải là trách nhiệm xã hội hay đó là sự giúp đỡ những thanh niên ít có năng lực học tập. Mà coi đó là sự chuẩn bị nguồn lao động có kỹ năng, hơn thế các công ty Đức không chỉ dạy kỹ năng cho học viên mà còn đào tạo họ để trở thành những người lao động tự chủ, sáng tạo, có thể xử lý các vấn đề bất ngờ. Chính vì vậy, học sinh tốt nghiệp luôn tìm thấy cơ hội nghề nghiệp, qua đào tạo các công ty cũng dễ dàng tuyển chọn cho mình những lao động xuất sắc, phù hợp với yêu cầu công việc.

Một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến thành công của hệ thống đào tạo nghề kép chính là đội ngũ giáo viên dạy nghề chất lượng cao. Theo đó, giáo viên được lựa chọn từ chính các xưởng sản xuất, phòng làm việc của các công ty. Các ứng viên phải có từ 5 năm kinh nghiệm làm việc và đạt chứng chỉ theo yêu cầu chuyên môn của ngành, cùng với 1,5 năm được đào tạo thêm để có đủ năng lực cả về trình độ kỹ thuật và sư phạm đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Chế độ đãi ngộ tốt chính là động cơ khuyến khích giáo viên tại trường nghề và tại công ty, đối với những người được lựa chọn làm giáo viên, họ được chuyển từ vị trí sản xuất sang vị trí giảng dạy, với 20 giờ dạy trong một tuần thay cho 40 giờ làm việc tại nơi sản xuất. Những quyền lợi này thực sự là động cơ thúc đẩy lớp trẻ tham gia đội ngũ giảng dạy trong hệ thống đào tạo nghề.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nền kinh tế CHLB Đức đã vượt qua thời điểm khủng hoảng kinh tế châu Âu, khi tỉ lệ thất nghiệp ở nước này trong năm 2014 chỉ hơn 5,6%, tỉ lệ thất nghiệp ở thanh niên chỉ là 7,5%. Con số đã khẳng định nguồn nhân lực chất lượng cao của nước Đức luôn được duy trì và phát triển với quy mô ngày càng gia tăng. Chính vì vậy, hệ thống đào tạo nghề kép ở CHLB Đức được thế giới công nhận như một hình mẫu tiên tiến.

Mô hình đào tạo nghề kép được mô tả là sự kết hợp giữa việc học trong môi trường có sự gần gũi với thực tế sản xuất của doanh nghiệp và một cơ sở có năng lực chuyên môn về sư phạm, nghiệp vụ dạy nghề. Theo đó, phía doanh nghiệp tập trung cung cấp các kiến thức và kỹ năng thực tế, còn nhà trường cung cấp khối kiến thức lý thuyết về cơ bản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ