Đào tạo nghề cho lao động nông thôn - Trao sinh kế để giảm nghèo bền vững

GD&TĐ - Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tạo việc làm là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững của tỉnh Thái Nguyên.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn - Trao sinh kế để giảm nghèo bền vững
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn - Trao sinh kế để giảm nghèo bền vững

Đào tạo nghề - chìa khoá giúp giảm nghèo bền vững

Trong năm 2023, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu giảm 4.711 hộ nghèo, hộ cận nghèo (trong đó hộ nghèo là 3.365 hộ và 1.346 hộ cận nghèo) theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia.

Nhằm hỗ trợ công tác giảm nghèo, tỉnh Thái Nguyên sẽ hỗ trợ xây dựng, nhân rộng ít nhất 20 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Trong đó, phát triển giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm tạo việc làm bền vững là một trong những giải pháp thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra trong công tác giảm nghèo bền vững của tỉnh Thái Nguyên.

Việc đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội, tạo việc làm, cơ hội lập nghiệp, giúp ổn định đời sống người dân được xem là giải pháp quan trọng góp phần giảm nghèo bền vững. Người dân đã ý thức được việc học nghề để tìm kiếm việc làm, cập nhật kiến thức khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất. Các cơ sở dạy nghề cũng đã chuyển từ đào tạo theo năng lực sẵn có sang đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, địa phương.

Giới thiệu đào tạo nghề và việc làm cho lao động ở nông thôn tại ngày hội việc làm huyện Phú Lương.
Giới thiệu đào tạo nghề và việc làm cho lao động ở nông thôn tại ngày hội việc làm huyện Phú Lương.

Thời gian qua, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đã được cấp ủy, chính quyền các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tích cực. Theo đó, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và nhân dân đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn.

Huyện Phú Lương là một trong những địa phương làm tốt công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn. Bà Đỗ Thanh Bình, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) huyện cho biết: “Hằng năm, các xã, thị trấn đã rà soát, thống kê số người trong độ tuổi lao động không có việc làm, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch và phối hợp tổ chức hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề phù hợp, gắn với nhu cầu của các doanh nghiệp trong, ngoài địa bàn và thế mạnh kinh tế địa phương. Các ngành nghề được tập trung đào tạo cho lao động nông thôn là: Trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, sửa chữa và may mặc,…Đến nay thông qua chương trình đào tạo nghề đã có nhiều người dân mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững...”.

Từ năm 2020 cho đến nay, toàn huyện có hơn 8.000 lao động được tạo việc làm mới, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 70,59%. Trung bình mỗi năm huyện Phú Lương tạo việc làm mới cho khoảng 1.600 người. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện sẽ đạt 70%, trong đó tỷ lệ người lao động có văn bằng, chứng chỉ đạt 32%.

Sau thời gian tham gia các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức về nông nghiệp do UBND xã Động Đạt tổ chức, anh Bạch Thanh Tùng (xóm Làng Mạ, xã Động Đạt, huyện Phú Lương) đã có thêm những kiến thức, kinh nghiệm bổ ích áp dụng vào thực tế nuôi ong mật của gia đình. Anh đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng mô hình nuôi ong và hiện nay gia đình anh có hơn 70 thùng nuôi ong, doanh thu đem lại khoảng 100 triệu đồng/ năm.

Anh Bạch Thanh Tùng phát triển nghề “nuôi ong lấy mật”, đem lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Anh Bạch Thanh Tùng phát triển nghề “nuôi ong lấy mật”, đem lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn có vai trò quan trọng trong việc phát huy nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua huyện Định Hóa đã quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện và đạt những kết quả bước đầu.

Việc đào tạo nghề bám sát nhu cầu thực tế đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương. Theo đó, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hằng năm đạt trên 1.100 tỷ đồng, giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt đạt khoảng 100 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3 - 4%/năm (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều), thu nhập bình quân đầu người đạt 48 triệu đồng/người/năm...

Anh Ma Văn Hoàng (xã Bảo Cường, huyện Định Hóa) cho biết, sau 3 tháng tham gia lớp học nghề điện tử, điện lạnh, anh đã mở cửa hàng sửa chữa tại nhà. Công việc này đã đem lại thu nhập cho anh khoảng 15-20 triệu đồng/tháng.

Tiếp tục nâng cao công tác đào tạo nghề

Trong những năm qua, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Công tác đào tạo nghề chưa thật sự gắn kết nhu cầu đào tạo việc làm với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Một số doanh nghiệp chưa quan tâm, tham gia vào quá trình đào tạo nghề - giải quyết việc làm sau đào tạo nghề; ngành nghề, số lượng đào tạo theo đơn đặt hàng, đào tạo theo địa chỉ còn ít,…

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, thời gian tới tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định, bền vững cho người lao động; thực hiện các hình thức hỗ trợ đào tạo nghề đa dạng, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm về trình độ năng lực, sức khỏe, nhu cầu việc làm của người lao động,...

Có thể nói đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước hình thành đội ngũ lao động có tay nghề cao, có cơ cấu ngành nghề hợp lý, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra trong công tác giảm nghèo bền vững của tỉnh Thái Nguyên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ