Đào tạo liên tục nâng cao năng lực phục hồi chức năng người khuyết tật

GD&TĐ - Nhằm góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ phục hồi chức năng của hệ thống y tế cơ sở, vừa qua, Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam đã phối hợp với Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng tổ chức khóa đào tạo liên tục về Vật lý trị liệu các bệnh lý vùng lưng.

Một tiết học lý thuyết trong khóa học
Một tiết học lý thuyết trong khóa học

Học viên gồm 27 cán bộ y tế đang cung cấp dịch vụ vật lý trị liệu tại các bệnh viện tuyến tỉnh và các trung tâm y tế tuyến huyện trên địa bàn Tỉnh Quảng Trị.

Khoá học được tổ chức trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh phun rải nặng chất da cam” do USAID tài trợ, cơ quan chủ Dự án là Trung tâm hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hoá học và môi trường (NACCET), Bộ Quốc phòng.

Qua 5 ngày, từ 15-19/8/2022, khóa đào tạo đã trang bị cho học viên những kiến thức, kỹ năng khám lượng giá, chẩn đoán và phục hồi chức năng các bệnh lý vùng lưng như đau lưng cơ năng, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, thoái hoá cột sống lưng, hẹp ống sống thắt lưng… bằng các bài tập vận động hiệu quả.

Chương trình đào tạo gồm phần nội dung lý thuyết được giảng viên truyền đạt dễ hiểu, minh hoạ qua các bài tập thực hành trên lớp, sau đó là thực hành lâm sàng trên bệnh nhân tại cơ sở y tế.

Học viên được hướng dẫn thực hành các test và các khung logic áp dụng trong quá trình lượng giá, thiết lập mục tiêu và lên kế hoạch can thiệp như khung SOAP (Subjective, Objective, Assessment, and Plan); Phân loại quốc tế về Hoạt động chức năng, Khuyết tật và Sức khỏe (ICF), mẫu Kế hoạch phát triển cá nhân (PDP- Personal Development Planning).

Phần thực hành kỹ thuật, học viên được hướng dẫn các phương pháp, kỹ thuật điều trị VLTL, các bài tập trị liệu cho các bệnh lý vùng lưng như: kéo dãn cơ, gập/ duỗi, nghiêng bên, xoay… hay các bài tập Williams, bài tập McKenzie. Học viên được chia thành các nhóm để thực hành các kỹ thuật can thiệp tại lớp trên bệnh nhân giả định, đóng vai với sự hướng dẫn của các giảng viên trước khi áp dụng trên bệnh nhân thực tế.

Các giờ thực hành lâm sàng được thực hiện trên bệnh nhân tại Khoa Phọc hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Quảng Trị trong 1,5 ngày với 8 ca khám lượng giá và 4 ca can thiệp. Học viên được yêu cầu thực hành đầy đủ các bước của quy trình PHCN trên một ca bệnh, từ lượng giá nhu cầu, lập kế hoạch điều trị và thực hiện can thiệp.

Ở từng bước thực hiện, các nhóm học viên đều nhận được sự hỗ trợ và góp ý của giảng viên để có thể điều chỉnh và hoàn thiện kỹ năng khám và can thiệp trên người bệnh.

Trong buổi học cuối, các nhóm cử đại diện trình bày toàn bộ tiến trình khám lượng giá, đặt mục tiêu điều trị và thực hiện can thiệp đối với ca bệnh trước lớp. Những ý kiến góp ý của giảng viên cũng như những chia sẻ của các học viên trong nhóm cũng được trao đổi tại buổi tổng kết thực hành lâm sàng.

Chia sẻ về quá trình xây dựng chương trình và giảng dạy, giảng viên Nguyễn Đình Hoàng (Bộ môn Vật lý trị liệu- Phục hồi chức năng, Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng) cho biết: “Do đặc điểm của các khóa đào tạo liên tục là thời lượng ngắn, nên khi xây dựng chương trình, cần dành nhiều thời gian để cân nhắc, chọn lọc kỹ những nội dung sẽ đưa vào bài giảng, đáp ứng sát nhất nhu cầu của học viên. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên cũng cần lưu ý điều chỉnh linh hoạt các hướng dẫn thực hành sao cho phù hợp với điều kiện thực tế tại đơn vị học viên đang công tác”.

Giảng viên hướng dẫn cách lượng giá chức năng thần kinh cơ trên ca bệnh giả định

Giảng viên hướng dẫn cách lượng giá chức năng thần kinh cơ trên ca bệnh giả định

Nhận xét về khóa học, giảng viên Lê Đặng Anh Vũ (Bộ môn Vật lý trị liệu- Phục hồi chức năng, Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng) đánh giá cao tinh thần học tập tích cực và nghiêm túc của các học viên, đồng thời chia sẻ:

“Ở chương trình đào tạo liên tục, điều khiến tôi phải lưu ý nhất, đó là học viên có xuất phát điểm không giống nhau. Bởi vậy, tôi luôn nỗ lực hết sức để đáp ứng nhu cầu cập nhật kiến thức của tất cả học viên trong lớp bằng cách dành thời gian giải đáp thắc mắc của học viên sau khi hoàn thành giảng dạy mỗi nội dung, đồng thời, dành thời gian chia sẻ thêm nguồn tài liệu cả cơ bản và chuyên sâu để học viên tham khảo. Sau khi khóa học kết thúc, nhiều học viên đã trao đổi số điện thoại, địa chỉ email để tiếp tục liên hệ với giảng viên Nguyễn Đình Hoàng và tôi về các vấn đề chuyên môn trong quá trình công tác sau này.”

Được hỏi về cảm nhận sau khóa học, học viên Lê Thị Hữu Chung, kỹ thuật viên khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Đa khoa khu vực Triệu Hải (Thị xã Quảng Trị) chia sẻ: “Điều tâm đắc nhất là được tiếp cận với những kiến thức, kỹ thuật cập nhật nhất về phương pháp chẩn đoán, can thiệp mới, có hiệu quả hơn trên những dạng bệnh lý vùng lưng thường gặp, ví dụ như sử dụng phương pháp khám SLUMP để phát hiện nhóm cơ co thắt vùng lưng cho bệnh nhân.”

Chị Chung cho biết, khoa Phục hồi chức năng chị đang công tác tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị bệnh lý vùng lưng, đa số làm các nghề lao động nặng như việc đồng áng, phụ hồ xây dựng. Những cơn đau khiến bệnh nhân bị suy giảm sức khỏe thể chất, tinh thần, gây khó khăn trong di chuyển, vận động, khiến họ buộc phải nghỉ làm, trong khi phải gánh thêm chi phí điều trị, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế gia đình.

“Tôi sẽ nỗ lực để vận dụng tốt nhất những gì được học từ khóa đào tạo vào công tác PHCN, giúp bệnh nhân và gia đình cải thiện chất lượng cuộc sống. Tôi rất cảm ơn dự án Hòa nhập 1, đặc biệt là MCNV và Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng đã tổ chức khóa học này. Kiến thức không bao giờ là đủ, nhất là trong ngành y. Trong thời gian tới, tôi mong được tham gia thêm những khóa đào tạo liên tục về các chủ đề liên quan tới thoái hóa khớp gối, khớp vai.” chị Lê Thị Hữu Chung cho biết.

Thực hành lâm sàng: khám lượng giá trên ca bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Quảng Trị

Thực hành lâm sàng: khám lượng giá trên ca bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Quảng Trị

Còn với anh Nguyễn Mậu Trường, kỹ thuật viên khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Quảng Trị, đây là lần đầu tiên anh được học một cách chi tiết, bài bản về phương pháp can thiệp đối với bệnh lý vùng lưng, đặc biệt là can thiệp di động khớp. Việc học kết hợp giữa lý thuyết và thực hành thông qua tình huống mô phỏng cũng như thực hành lâm sàng trực tiếp trên ca bệnh thực tế giúp anh nắm bắt các kiến thức, kỹ năng một cách dễ dàng và chắc chắn hơn.

“Kết thúc khóa học, tôi được phân công tiếp tục can thiệp cho một trong những ca bệnh đã được nhóm tôi khám lượng giá và can thiệp 1 lần trong khóa học. Tôi sẽ tiếp tục vận dụng những gì đã học vào thực tế, dưới sự hỗ trợ từ xa của các thầy hướng dẫn ở Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng.” anh chia sẻ.

Anh Trường bày tỏ, sau này nếu có điều kiện, anh có nguyện vọng được tham gia thêm những khóa đào tạo liên tục về những chủ đề mà các cán bộ tuyến cơ sở không được tiếp cận, như kỹ thuật PNF (kỹ thuật tạo thuận cảm thụ bản thể thần kinh cơ áp dụng cho người bệnh bị tổn thương thần kinh trung ương) để hỗ trợ những bệnh nhân sau tai biến mạch máu não.

Giảng viên, học viên và cán bộ MCNV tại lễ bế mạc khóa đào tạo

Giảng viên, học viên và cán bộ MCNV tại lễ bế mạc khóa đào tạo

Phát biểu bế mạc khóa đào tạo, đại diện MCNV, ThS.Bs.Trần Thu Thủy, Phó Giám đốc Dự án Hòa nhập 1, nhấn mạnh: “MCNV rất mừng là khóa đào tạo không chỉ cập nhật được cho các bạn học viên những kiến thức, kỹ năng mới trong thực hành VLTL mà còn kết nối được các bạn với nhau và với các giảng viên của Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng để các bạn cũng như các giảng viên có thể hỗ trợ tích cực cho nhau trong quá trình thực hành khám và điều trị VLTL nói chung và các bệnh lý vùng lưng nói riêng tại cơ sở y tế của mình”.

Kết thúc khóa học, các học viên được cấp giấy chứng nhận đào tạo liên tục về kỹ thuật PHCN chuyên ngành VLTL do Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng cấp.

Khóa đào tạo liên tục về VLTL các bệnh lý vùng lưng nằm trong khuôn khổ Dự án Hoà nhập 1, một hợp phần của Dự án Cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật ở các tỉnh phun rải nặng chất da cam. Một trong các mục tiêu của Dự án Hòa nhập 1 là nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế làm công tác PHCN tại 3 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế và Quảng Nam.

Dự án do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, chủ Dự án là Trung tâm hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET), Bộ Quốc Phòng, nhà thầu quản lý là Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP). MCNV là nhà thầu thực hiện của dự án.

Chủ đề của khóa đào tạo liên tục chuyên ngành VLTL này được lựa chọn dựa trên kết quả khảo sát nhu cầu thực tế của các học viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ