Đào tạo ISO 14001 - Chìa khóa để hội nhập

GD&TĐ - Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức khóa đào tạo “Hướng dẫn áp dụng ISO 14001:2015 vào trong doanh nghiệp”. 
Đào tạo ISO 14001 - Chìa khóa để hội nhập

Đây được đánh giá là một hoạt động hỗ trợ hiệu quả trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp cho doanh nghiệp hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế.

Thiết thực và hữu ích

Theo VCCI, để đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu, việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng là hướng đi tất yếu. ISO 14001:2015 là điều cần thiết. Các doanh nghiệp (DN) dần xác định rõ chi phí áp dụng tiêu chuẩn này là kinh phí đầu tư chứ không phải kinh phí mất đi. Tại Việt Nam, ước tính có tới 95% DN nhất trí rằng sáng kiến/dự án sản xuất sạch hơn và quản lý chất thải cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa là rất thiết thực và hữu ích.

ISO 14001 là một trong những tiêu chuẩn về quản lý môi trường phổ biến nhất trên thế giới. ISO 14001:2015 là phiên bản mới nhất về các yêu cầu tiêu chuẩn về quản lý môi trường với việc sửa đổi đáp ứng những xu hướng mới nhất, như thừa nhận của các công ty về sự cần thiết phải tính đến cả yếu tố bên ngoài lẫn bên trong có ảnh hưởng đến tác động của chúng, bao gồm cả biến đổi khí hậu. Giúp DN đảm bảo hiệu suất môi trường thông qua sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và giảm chất thải.

Để đạt được ISO 14001:2015 DN phải đáp ứng được những tiêu chuẩn như: Cam kết về đảm bảo thực hiện được hệ thống quản lý môi trường, việc gắn kết môi trường với quá trình sản xuất, kinh doanh, các sáng kiến chủ đạo bảo vệ môi trường… Tiêu chuẩn này được công nhận ở tất cả các quốc gia trên thế giới và trở thành điều kiện bắt buộc ở một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới, đặc biệt là các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản và EU.

Trong đàm phán TPP và FTA, vấn đề phi thương mại trở thành một chủ đề nóng, trong đó EU yêu cầu Việt Nam phải đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường, các vấn đề thương mại với biến đổi khí hậu cho phát triển bền vững. Với việc chủ động đáp ứng được tiêu chuẩn ISO 14001:2015 sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam tránh được “rào cản kỹ thuật” khi tiếp cận với các thị trường này.

Cơ sở để phát triển bền vững

Là một phần trong dự án “Đào tạo sản xuất sạch hơn và quản lý chất thải cho doanh nghiệp tại Việt Nam” do Tập đoàn hóa chất lớn nhất thế giới Dow Chemical (Mỹ) phối hợp với Trung tâm Môi trường và sản xuất sạch - Bộ Công Thương thực hiện. Từ năm 2012, dự án hướng đến hỗ trợ các DN vừa và nhỏ nhằm giúp họ kịp thời nắm bắt các thông tin, yêu cầu tiêu chuẩn về môi trường… Đến nay, dự án đã được thực hiện ở hơn 30 tỉnh, thành phố trong cả nước, hỗ trợ đào tạo hơn 2.200 kỹ sư.

Tại Đông Nam Á, dự án đã được thực hiện tại 3 quốc gia và rất thành công tại Thái Lan. Ông Nguyễn Cường - Giám đốc VCCI Đà Nẵng cho biết: Để hội nhập, DN cần phải hiểu rõ các tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật của các nước cũng như nâng cao trách nhiệm xã hội của DN, hướng đến nền sản xuất xanh, sạch.

Vì vậy, nên hiểu rõ, ISO 14001:2015 là một trong những tiêu chuẩn về quản lý môi trường phổ biến nhất trên thế giới là cần thiết nhằm giúp cải thiện DN gắn với đảm bảo hiệu suất môi trường thông qua sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và giảm chất thải, gia tăng lợi thế cạnh tranh, phát triển bền vững và tạo được uy tín thương hiệu và niềm tin đối với người tiêu dùng.

Theo nhiều chuyên gia, mọi loại hình DN, tổ chức khi hoạt động đều gây nên những tác động môi trường với những mức độ ảnh hưởng khác nhau. Vấn đề là các DN với các quy mô khác nhau đó cần làm những gì để có thể quản lý, giảm thiểu tác động lên môi trường của mình. Đó là lý do của sự ra đời tiêu chuẩn ISO 14001 về Hệ thống quản lý môi trường.

Được ban hành lần đầu vào năm 1996 bởi Tổ chức Quốc tế về tiêu chuẩn hóa (ISO), tiêu chuẩn ISO 14001 hiện đã có mặt tại 138 quốc gia và vùng lãnh thổ và đã có trên 140.000 doanh nghiệp/tổ chức được chứng nhận. Ngày 15/9/2015, phiên bản ISO 14001:2015 đã đạt sự đồng thuận quốc tế trong việc đưa ra các yêu cầu đối với một hệ thống quản lý môi trường và chính thức được công bố, áp dụng nhằm giúp DN đảm bảo hiệu suất môi trường thông qua sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và giảm chất thải, tăng cường lợi thế cạnh tranh…
Giá vàng hôm nay chờ khởi sắc

Giá vàng hôm nay chờ khởi sắc

GD&TĐ - Giá vàng trong nước (28/9) tương đối ổn định, giao dịch gần 69 triệu đồng/lượng sau chuỗi giảm. Trong khi đó vàng thế giới tiếp tục trượt dốc.