Nâng cao trình độ thông qua các chương trình sau đại học chuyên ngành sự phạm |
(GD&TĐ) - Trong nhiều cuộc hội thảo lớn của ngành với chủ đề nâng cao chất lượng GD&ĐT, những chuyên gia đầu ngành đều lý giải rằng, nếu không có thầy giỏi sẽ không có trò giỏi, hay người thầy quyết định chất lượng GD. Chính vì vậy, trong qui hoạch phát triển nhân lực ngành GD giai đoạn 2011-2020 đã coi trọng công tác phát triển đội ngũ GV và cán bộ quản lý (CBQL) là khâu then chốt.
Bộc lộ những hạn chế
Không thể phủ nhận rằng, nhờ có GD, nguồn nhân lực nước ta không ngừng được nâng cao về chất lượng và mở rộng về qui mô, đáp ứng cơ bản nhu cầu lao động trong các ngành nghề. Trình độ dân trí tăng. Đặc biệt, chất lượng GD&ĐT trong hệ thống các nhà trường từ phổ thông đến ĐH, sau ĐH ngày càng được chú trọng.
Hệ thống các trường sư phạm, khoa sư phạm đã xây dựng được đội ngũ nhà giáo, CBQL giáo dục và cán bộ phục vụ trong các cơ sở GD ngày càng đông đảo, có phẩm chất đạo đức và ý thức chính trị tốt, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, công tác này cũng đã bộc lộ những hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả giáo dục.
Bản qui hoạch ngành đến năm 2020 nêu ra những yếu kém, hạn chế trong công tác đào tạo đầu ra của đội ngũ GV rất cụ thể. Chẳng hạn, sự phát triển đội ngũ GV ở nước ta giờ đây không theo kịp với sự gia tăng quy mô và yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, đặc biệt GD nghề nghiệp và ĐH.
Sự phát triển đội ngũ GV và CBQL chưa gắn kết chặt chẽ với những chính sách đổi mới và chiến lược GD. Việc đào tạo đội ngũ GV không gắn với nhu cầu tuyển dụng về số lượng, cơ cấu cấp học, môn học cho GD ở nhiều vùng miền khác nhau.
Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thừa, thiếu GV ngay trong từng cơ sở GD và ở hầu hết các địa phương. Thêm vào đó, chất lượng của đội ngũ GV còn nhiều bất cập, do vậy việc đổi mới chương trình, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá diễn ra chậm.
Những bất cập trên đây có nguyên nhân chủ yếu là chúng ta chưa làm tốt công tác quy hoạch ngành trong thời gian qua. Vì lẽ đó nên chưa thực sự coi trọng việc quy hoạch nhân lực GV, CBQL, nhân viên là cơ sở quan trọng cho việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, các cơ sở bồi dưỡng GV, CBQL, đổi mới chương trình đào tạo GV, cũng như đổi mới chính sách cơ chế tuyển dụng, sử dụng đánh giá và đãi ngộ phù hợp.
Chính vì lẽ đó, muốn nâng cao được chất lượng GD&ĐT, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng đòi hỏi khắt khe, không còn gì khác, ngành GD phải bắt đầu từ đổi mới khâu đào tạo đội ngũ GV, CBQL trong các cơ sở GD.
Hiến kế cho ngành
Các chuyên gia GD, các nhà QLGD tâm huyết trong các hội thảo, diễn đàn GD đã thẳng thắn chia sẻ, chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến công tác đào tạo đội ngũ trong các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ đồng thời có những hiến kế cho ngành, tất cả không ngoài mục tiêu duy nhất đó là làm sao Việt Nam phải có được đội ngũ GV giỏi để sản xuất ra trò giỏi, cống hiến cho xã hội nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao.
Thầy nào, trò nấy. Rõ ràng, khi trình độ của người thầy không được đảm bảo, vẫn còn yếu kém chắc chắn sẽ không có những HS, SV giỏi là đương nhiên.
Chỉ chú trọng vào dạy kiến thức chuyên môn trong các trường sư phạm để “ra nghề giáo”, đến khi ra nghề lại tập trung vào việc truyền thụ kiến thức chuyên môn, nhồi nhét kiến thức vào học sinh - cách làm đó theo GS Đinh Quang Báo - Viện Nghiên cứu sư phạm - thì chỉ là cách đào tạo nên “thợ dạy” chứ không phải “nhà giáo dục”.
GS. Đinh Quang Báo cho rằng các trường, khoa sư phạm trong nước phải hướng tới việc đào tạo ra các “nhà giáo dục” chứ không phải “thợ dạy”. GS cũng chỉ rõ bất cập hiện nay trong cấu trúc nội dung đào tạo GV.
Cụ thể, các trường sư phạm chí ít phải đảm bảo 60% thời lượng cho việc đào tạo nghiệp vụ sư phạm, 10-15% cung cấp kiến thức đại cương, 20% cung cấp kiến thức chuyên môn.
Thế nhưng kết quả khảo sát cho thấy khối kiến thức về nghiệp vụ sư phạm của ngành Toán và Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chỉ chiếm 16,9%, của ngành sư phạm Trường ĐH Cần Thơ chiếm 14,2% (sư phạm toán) và 17,5% (sư phạm văn)...vv. Qua tìm hiểu thực tế, nhiều em SV sư phạm tâm sự:
Tuy nhà trường đào tạo theo học chế tín chỉ, học đến đâu thi cuốn chiếu hết môn đến đó nhưng phương pháp của nhiều thầy cô vẫn nặng về lý thuyết, SV đi thi chủ yếu là thi nội dung học thuộc.
Cách đào tạo GV kiểu truyền thống này đã khiến cho đội ngũ GV trẻ khi ra trường nhiều người giỏi chuyên môn nhưng khả năng truyền đạt, giảng dạy cho HS lại yếu kém.
Đây cũng là nguyên nhân lý giải tại sao với cùng một em HS nhưng khi học cô giáo này lại không tiếp thu được kiến thức của cô, học không hiểu bài, cô dạy khó hiểu. Nhưng ngược lại, khi được học thầy cô khác em lại có hứng thú với từng tiết học, say mê môn học và từ học trò yếu kém thành có học lực khá, rồi giỏi.
PGS Vũ Trọng Rỹ(Viện khoa học GDVN) chỉ ra rằng các trường đào tạo sư phạm phải coi trọng đào tạo kỹ năng nghề cho SV. Vì qua hoạt động thực tập sư phạm cho thấy kỹ năng nghề nghiệp ở các SV sư phạm còn rất yếu, đặc biệt là kỹ năng giáo dục.
Hơn nữa, khi đẩy mạnh công tác GD hòa nhập cho trẻ khuyết tật, trường sư phạm chưa thực sự coi trọng việc rèn cho SV khi ra trường có thể làm tốt cả công tác giáo dục đối với những em HS cá biệt này. Để thực hiện tốt Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện GD Việt Nam, phải coi khâu đào tạo GV là khâu then chốt.
Theo dự báo trong bản qui hoạch ngành thì nhu cầu nhân lực của GDMN đến năm 2020 khoảng 240.000 người, GD TH khoảng 522.000 người, GD THCS 480.000 người, THPT khoảng 148.000 người (bao gồm cả CBQL, GV và nhân viên) |
Vũ Kiệt