Đảo lộn cuộc sống vì "bói" không ra người giúp việc ngày Tết

Những ngày giáp Tết, cuộc sống của nhiều gia đình gần như bị đảo lộn. Phần vì công việc cuối năm quá nhiều, phần lại vì phải đầu tắt mặt tối lo đưa đón con cái, lo việc gia đình vì “ôsin” (người giúp việc) nghỉ Tết.

Đảo lộn cuộc sống vì "bói" không ra người giúp việc ngày Tết
Dao lon cuoc song vi

Nhiều gia đình cuộc sống “lộn tùng phèo” vì bói không ra người giúp việc nhà trong và sau tết.

Stress nặng vì không có người giữ con

Còn hơn tuần nữa là đến tết Nguyên Đán nhưng gia đình chị Minh Thư (ngụ Q.10) đã rối tung cả lên, chỉ vì cô giúp việc xin nghỉ về quê chuẩn bị tết. Công việc cơ quan chất cao như núi, con cái lại được trường cho nghỉ tết sớm. Không có ai ở nhà nên chị phải đưa con lên cơ quan, giao cho cái ipad để con tự chơi, còn mình tiếp tục làm việc. Chuyện ăn uống, cơm nước cũng vì thế mà đảo lộn hết cả. “Có hôm xong việc thì cũng 7 giờ tối, không kịp nấu cơm, cả nhà dắt díu nhau ra hàng quán. Ngày nào cũng vậy, mệt mỏi và căng thẳng vô cùng” - chị Thư than thở.

Cùng chung cảnh ngộ, vợ chồng anh Trần Mạnh (nhân viên ngân hàng Q.3) cũng đang “lộn tùng phèo”, vì đúng lúc công việc bận rộn nhất thì chị giúp việc tên Hoa (quê Quảng Bình) nằng nặc đòi về quê từ 22 tết vì sợ về trễ, không có tàu xe. Dù gia đình đã cố nài nỉ, dỗ dành, đề nghị tăng lương gấp rưỡi, song người giúp việc vẫn kiên quyết đòi về với lý do: “Cả năm đi làm xa nhà rồi, đến tết tôi cũng phải về nhà để sum vầy với gia đình. Anh chị có trả gấp đôi tôi cũng không ở lại được”.

Từng “lên bờ xuống ruộng” vì thiếu người giúp việc những ngày cận và sau tết, chị Thùy Trang – chủ một cửa hàng ăn uống (Q.1) đã có kế hoạch tìm người giúp việc theo giờ ngay từ trước tết. Thế nhưng, ở các trung tâm hỗ trợ, giới thiệu việc làm đều “cháy” lực lượng lao động này. “Buộc lòng, tôi phải tìm đến các trung tâm môi giới tư nhân để “đặt hàng” với giá cao hơn trung tâm nhà nước; đồng thời nhờ cậy người quen giới thiệu. Vậy mà tới đâu tôi cũng nhận được cái lắc đầu hoặc ghi lại tên, số điện thoại và bảo sẽ liên hệ sau” – chị Trang ngao ngán.

Khảo sát giá cả tại một số trung tâm ở TPHCM được biết, mức lương trung bình đối với dịch vụ giúp việc nhà hiện nay từ 100.000 đồng – 200.000 đồng/giờ. Tìm người giúp việc theo giờ đã khó, tìm người giúp việc cả ngày như “mò kim đáy biển”. Đại diện trung tâm giới thiệu việc làm Phụ Nữ thuộc Hội LHPN TPHCM khẳng định: “Trung tâm không giới thiệu người làm nguyên ngày hoặc ở lại mà chỉ giúp việc theo giờ. Tuy nhiên, gần tết, lực lượng lao động này không đủ cung ứng”.

Cần 3.000 người giúp việc dịp tết

Theo chị Nguyễn Thị Vân Anh - công ty Dịch vụ giúp việc nhà 24h, suốt tuần qua, ngày nào công ty cũng có hơn chục khách đến đây hay gọi điện nhờ tìm người giúp việc trong dịp Tết, nhưng công ty đành từ chối nhiều khách hàng vì không có người. “Người đăng ký tìm việc ngày càng giảm dần và thất thường theo thời điểm. Thời điểm tết, một số người về quê mà không có nhóm khác thay thế tạo nên sự thiếu hụt cục bộ. Ai đăng ký cần người giúp việc thì công ty ghi nhận nhưng không dám hẹn chắc thời gian” – chị Vân Anh bộc bạch.

Tại công ty dịch vụ An Tâm (Q. Bình Tân), chị Nguyễn Thanh Tâm – trưởng phòng nhân sự cũng cho biết: “Chúng tôi đã thực hiện đăng tuyển lao động dọn dẹp nhà cửa và giúp việc nhà từ 3 tháng trước tết nhưng vẫn không tuyển đủ. Lao động thời vụ chủ yếu là các bạn sinh viên viên muốn làm thêm và lao động ở quê lên thành phố, dù chưa có kinh nghiệm nhưng chúng tôi vẫn nhận để đào tạo cơ bản”- chị Tâm chia sẻ.

Bên cạnh các công ty cung cấp dịch vụ người giúp việc thì năm nay, sinh viên ở lại Sài Gòn ăn Tết nhận giúp việc nhà bán thời gian cũng gia tăng, giúp giải tỏa bớt “cơn khát” của nhiều gia đình. Đại diện trung tâm Hỗ trợ Sinh viên TPHCM cho biết, lượng khách đến đặt thuê sinh viên giúp việc ngắn hạn cho những ngày Tết đang tăng dần. Dự báo, trong những ngày cận Tết Nguyên đán, nhu cầu này có thể tăng lên gấp 3-4 lần so với bình thường. “Cũng may là năm nay có nhiều sinh viên ở lại thành phố ăn Tết tranh thủ tìm việc làm thêm, nên đến thời điểm này đã có khá nhiều bạn đến đăng ký” – trung tân này cho hay.

Ông Trần Anh Tuấn – Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thị trường lao động TPHCM cho biết: “Thời điểm gần và sau tết, nhu cầu về người giúp việc, người trông trẻ, nhân viên chăm sóc người già… rất cao, khoảng 3.000 lao động. Tuy nhiên, các trung tâm, công ty cung cấp dịch vụ này gần như không đủ lực lượng để đáp ứng nhu cầu khách hàng”.

Dao lon cuoc song vi

"Cháy" người giúp việc bệnh viện

"Osin bệnh viện": 1.000.000 đồng/ngày không có người làm

Tại một số bệnh viện (BV) ở Hà Nội như BV Bạch Mai, Việt - Đức, BV Phụ sản, BV Ung bướu, BV 354 ngày thường có khá đông đội quân "osin bệnh viện" chờ đợi tại các khoa Hồi sức cấp cứu, Tim mạch, Đột quỵ, khoa Sản bệnh... để tìm gia đình người bệnh có nhu cầu thuê chăm sóc bệnh nhân nặng. Giá trung bình cho một ngày/đêm chăm sóc tùy vào tình trạng bệnh nặng hay nhẹ của mỗi bệnh nhân sẽ dao động từ 200.000 - 300.000 đồng.

Tuy nhiên mấy ngày trở lại đông, lực lượng "hùng hậu" này đã gần như vắng bóng tại các khoa phòng. Lý do là của tất cả mọi người đều là vất vả cả năm, giờ có mấy ngày Tết thì về quê quán sum họp với gia đình.

Nhiều gia đình người bệnh neo người, không có điều kiện chăm sóc, túc trực bên người thân đã vô cùng khổ sở để tìm cách thay thế vị trí cho người giúp việc ở bệnh viện.

Chị Mai Thùy đang chăm mẹ chồng bị đột quỵ não tại BV 354 rầu rĩ bảo "2 ngày hôm nay nhà tôi như có trận đánh lớn, chồng thì vừa tranh thủ đi làm, vừa đưa đón 2 đứa con đi học rồi tối muộn lại vội vàng chạy vào thay ca cho vợ về nhà tắm rửa. Tôi thì dù công việc ở cơ quan bận không mở mắt ra được vẫn phải nói khó với sếp xin nghỉ phép. Cơm nước thì ăn bụi, vật vờ. Nghe chị giúp việc chăm bà thông báo nghỉ về quê ăn Tết đến ngoài rằm mới lên mà tôi bủn rủn như người trúng gió. Năn nỉ rồi hứa tăng tiền chăm bà lên gấp đôi trong mấy ngày Tết mà chị ấy cũng một mực từ chối".

Còn chị Hoa, một giúp việc bệnh viện đang chăm sóc bệnh nhân tại Viện Lão Khoa thì kể "vì đây là bệnh nhân quen, lần nào ông vào điều trị gia đình cũng tìm tôi để nhờ giúp, lại đối xử rất tử tế nên tôi nể quá mới nhận lời làm giúp trong thời gian Tết. Chứ mấy ngày 29,30 hay mùng 1, mùng 2 Tết, có trả 1000.000 đồng/ngày thì cũng chẳng thể tìm ra người làm đâu".

Theo Tiền Phong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.