'Đào…' hay 'Mai'?

GD&TĐ - Không khó bắt gặp câu hỏi đó khi đến hệ thống rạp đang có những suất chiếu 2 bộ phim này.

Khán giả trẻ xếp hàng chờ mua vé xem phim 'Đào, phở và piano' ở Beta Cenima Mỹ Đình (Hà Nội). Ảnh: Bình Thanh.
Khán giả trẻ xếp hàng chờ mua vé xem phim 'Đào, phở và piano' ở Beta Cenima Mỹ Đình (Hà Nội). Ảnh: Bình Thanh.

Không khó bắt gặp câu hỏi đó khi đến hệ thống rạp đang có những suất chiếu 2 bộ phim này. Trong đó, “Đào…” là cách gọi tắt cho bộ phim sử thi lãng mạn “Đào, phở và piano” đã bất ngờ gây sốt phòng vé.

Ngay khi bộ phim “Mai” ra rạp, Beta Cenima (Hà Nội) luôn nhộn nhịp, nhất là với giới trẻ vì giá vé ở đây rất sinh viên. Rồi đến bộ phim “Đào, phở và piano” bất ngờ nhận được sự quan tâm của công chúng và Beta Cenima là một trong 2 rạp tư nhân được mở các suất chiếu phi lợi nhuận thì sự nhộn nhịp ấy càng tăng.

Những ngày đầu bán vé trực tiếp và mở hết công suất các cửa, nhưng khán giả đến Beta Cenima Mỹ Đình vẫn phải xếp hàng dài và chờ đợi có khi lên đến cả tiếng mới mua được vé cùng niềm vui vì cảm thấy may mắn. Dù rằng có khi suất xem không phải theo ý muốn mà chỉ có thể là lấp chỗ trống của bất kỳ ca chiếu trong ngày nào đó (trước chừng 1 - 2 ngày).

“May quá, tôi mua được cặp vé phim “Đào, phở và piano” cho buổi trưa mai. Cũng là vừa vặn lấp chỗ trống nhưng không quá uổng cho việc nhích từng bước chờ đợi. Tôi thấy nhiều bạn cũng mất gần tiếng đồng hồ xếp hàng. Lúc đến lượt thì suất muốn xem hết chỗ trong khi không thể thu xếp được khung giờ khác, thật uổng…”, anh Minh (Bắc Từ Liêm) nói.

Cơ quan ở gần Beta Cinema Mỹ Đình, giữa giờ sáng, anh Minh tranh thủ ra mua vé phim “Đào…”. Anh không quá bất ngờ khi thấy đông bạn trẻ có mối quan tâm giống mình.

Poster phim 'Đào, phở và piano'.

Poster phim 'Đào, phở và piano'.

Cũng vì, bản thân cũng như từ bạn bè của mình - thế hệ zen Z, anh không cho rằng thế hệ hôm nay thờ ơ với câu chuyện gắn với một giai đoạn lịch sử của dân tộc. Thậm chí, anh còn phản đối rằng, cũng đừng thấy học trò đạt điểm thấp môn Lịch sử là không quan tâm đến những cuộc trường chinh mở cõi, giữ gìn, bảo vệ biên cương của cha ông.

“Quan trọng hơn cả là những sản phẩm tiếp cận đến khán giả là gì, nó có thực sự mới mẻ, hiện đại để cuốn hút, hấp dẫn người trẻ hay không.

Cùng với đó, công tác quảng bá sản phẩm, nhất là trên các nền tảng mạng xã hội cũng rất quan trọng, thậm chí nó là chìa khóa mở cánh cửa và kéo họ bước vào thưởng thức.

Tất nhiên, quyết định cuối cùng vẫn là sự hợp gu cùng chất lượng sản phẩm. Nếu tốt, khán giả sẽ nối tiếp. Nếu dở họ sẽ quay lưng. Hiệu ứng tò mò ban đầu cũng nhanh chóng tan biến”, anh Minh bày tỏ.

Rời rạp suất chiếu lúc 15 giờ của ngày thứ 5 bộ phim “Đào, phở và piano” ở Beta Cinema Mỹ Đình, Hạ An (Đại học Hà Nội) nở nụ cười hài lòng. Theo Hạ An, cô cập nhật thông tin về bộ phim từ Facebook và phải xếp hàng “săn vé” từ hai hôm trước. Ngoài khoảng thời gian chờ đợi khá lâu mới đến lượt mua vé, cô còn rất khó khăn mới chọn được lịch phù hợp với thời gian đến trường. Và cô cảm thấy thật bõ công khi bộ phim mang đến cho bản thân những phút giây đầy cảm xúc.

“Hồi học phổ thông trung học, khi ôn thi học sinh cấp tỉnh môn Lịch sử, tôi rất quan tâm về câu chuyện lịch sử của quân và dân Hà Nội trong ngày toàn quốc kháng chiến. Những bài học, trang sách cho tôi dữ liệu, con số của từng trận đánh một cách chính xác.

Còn hôm nay, bộ phim của đạo diễn Phi Tiến Sơn đem đến cho tôi góc nhìn sâu lắng về những người con Hà Nội đã sống và chiến đấu như thế nào. Tôi thích kết phim. Hình ảnh người vợ ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch thật lộng lẫy, thật đúng với khí chất phụ nữ Việt Nam”, Hạ An chia sẻ.

Nói thêm về câu chuyện phát hành phim, Hạ An cho rằng, nếu tác phẩm điện ảnh thực sự gần gũi với người trẻ thì sẽ được quan tâm, dù là phim Nhà nước hay tư nhân. Dẫu mỗi người có một gu thưởng thức cũng như mỗi kịch bản có độ sắc sảo, độc đáo riêng song những yếu tố để cân bằng cảm xúc như hài hước, hóm hỉnh là luôn cần thiết.

“Nhưng trước tiên cũng cần để ý đến cách cập nhật thông tin của giới trẻ, họ có biết thì mới có thể quan tâm. Sau đó là những giải mã cho các tình tiết, tình huống, nhân vật, ẩn dụ… của bộ phim cũng rất cần thiết để khán giả tham khảo, trao đổi, từ đó có góc nhìn, cách hiểu sâu hơn về tác phẩm”, Hạ An góp ý.

Cùng ra rạp từ mùng 1 Tết Giáp Thìn, hai bộ phim: “Mai” và “Đào, phở và piano” thu hút sự quan tâm của khán giả. Trong đó, “Đào, phở và piano” là phim Nhà nước đặt hàng Công ty Cổ phần Phim truyện 1 thực hiện với khoản kinh phí khiêm tốn: 20 tỷ đồng.

Dù còn không ít hạn chế về kỹ xảo, bối cảnh… nhưng bộ phim vẫn có những đột phá bất ngờ ở phòng vé. Ban đầu chỉ được công chiếu duy nhất ở Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, nhưng từ hiệu ứng truyền thông tích cực và nhu cầu của khán giả – bộ phim tiếp tục được mở chiếu ở Beta Cenima, Cinestar, Venus Cinema…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ