Sau thời gian dài chống chọi với bệnh tật, đạo diễn Long Vân qua đời ở tuổi 87.
Sự ra đi của ông khiến nhiều đồng nghiệp nghệ sĩ tiếc thương.
Cố đạo diễn sinh năm 1936 tại Hà Nội, sau đó cùng gia đình lên Thái Nguyên theo kháng chiến. Năm 14 tuổi, ông được gửi sang học tại Khu học xá Trung ương ở Trung Quốc, học tập cùng GS.TS Nguyễn Lân Dũng; GS. Hồ Ngọc Đại...
Sau năm 1954, cố đạo diễn tốt nghiệp Trường Sư phạm và làm việc tại Bộ Giáo dục. Tuy nhiên, khi biết tin Trường Điện ảnh Việt Nam tổ chức tuyển sinh khóa đầu, ông tham gia dự thi và trúng tuyển. Khi đó, do lớp đạo diễn đông, nhà trường gợi ý ông chuyển sang lớp diễn viên và học thêm ngành đạo diễn.
Ông phải mất gần hai chục năm là trợ lý đạo diễn rồi phó đạo diễn. Năm 1979, bộ phim "Tiếng gọi phía trước" của ông đoạt giải đặc biệt tại Liên hoan phim quốc tế tại Moscow. Năm 1980, ông làm phim "Nơi gặp gỡ của tình yêu" và sau đó là "Cho cả ngày mai'.
Đạo diễn Long Vân đã qua đời. |
Tên tuổi cố đạo diễn gắn liền với phim "Biệt động Sài Gòn" - bộ phim màu đầu tiên của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam được công chiếu năm 1985, gồm 4 tập phim "Điểm hẹn", "Tĩnh lặng", "Cơn giông", "Trả lại tên cho em".
Ban đầu phim mang tên "Thiên thần ra trận", sau này được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (khi ấy là Bí thư Thành ủy TP HCM), góp ý đổi tên thành "Biệt động Sài Gòn".
Bộ phim hành động hấp dẫn đã lập kỷ lục về lượng khán giả khi có tới chục triệu lượt người xem vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Trở thành huyền thoại điện ảnh của cả tác giả và dòng phim nhà nước một thời.
Sau "Biệt động Sài Gòn", đạo diễn Long Vân lần đầu tiên đưa hình tượng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thể hiện trên màn ảnh rộng với bộ phim "Hẹn gặp lại Sài Gòn".
Đạo diễn Long Vân còn thực hiện nhiều bộ phim nổi tiếng khác như: “Giải phóng Sài Gòn,” “Những đứa con của biệt động Sài Gòn,” “Những người không mang họ”...
Những năm cuối đời, nam đạo diễn sống cùng vợ là nghệ sỹ Kim Cương ở phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội.