Thì ra thời điểm ấy, anh đang phải cật lực trong hành trình giành lại sự sống cho cậu con trai mắc phải căn bệnh Apert (bệnh xương cứng sớm cục bộ), một căn bệnh hiếm gặp trên thế giới với tỷ lệ 1/160.000 người.
Choáng váng lần đầu bế con
Sau nhiều năm vắng bóng, diễn viên Quốc Tuấn vừa trở lại với màn ảnh nhỏ với bộ phim truyền hình dài tập “Trái tim kiêu hãnh”. Tuy nhiên lần này, anh chỉ đứng sau hậu trường với vai trò biên kịch và đạo diễn.
Như một người nắm bắt được thời thế, nam diễn viên nổi tiếng ngày nào hiểu rằng, đây là con đường rộng mở để anh tiếp tục niềm đam mê với nghệ thuật điện ảnh.
Nhắc về chuyện gia đình, những người thân quen đều biết Quốc Tuấn bất chợt dừng lại sự nghiệp khi đang là gương mặt ăn khách để tập trung chữa bệnh cho cậu con trai mắc chứng bệnh hiếm gặp nguy hiểm.
Tuy nhiên trong mọi câu chuyện, “người vác tù và hàng tổng” đều cố gắng tách bạch giữa sự nghiệp và gia đình. Anh muốn con có một đời sống bình yên, hòa nhập với bạn bè, cộng đồng và không muốn người ta nghĩ rằng anh mang con ra PR cho bản thân.
Kể ra câu chuyện về hành trình gian nan chữa bệnh cho con, Quốc Tuấn chỉ muốn mọi người thấy anh trên cương vị một người cha với tình yêu thương bản năng dành cho “giọt máu” của mình.
Quốc Tuấn lấy vợ muộn, anh kết hôn năm 2000 khi đã 40 tuổi. Năm 2002, vợ chồng anh vui mừng khôn xiết chào đón cậu con trai đầu lòng. Ngày đưa vợ vào bệnh viện sinh, anh hồi hộp, háo hức vô cùng vì lần đầu được làm bố. Anh còn nài nỉ bác sĩ bằng được cho vào phòng sinh.
Tuy nhiên mọi háo hức ban đầu nhanh chóng tan biến khi bế con trên tay, anh choáng váng nhận ra con có nhiều khiếm khuyết trên gương mặt. Đứng chết lặng đến 30 phút, đêm ấy về nhà, anh đã thức trắng, mong sao đó chỉ là cơn ác mộng, khi tỉnh lại mọi chuyện sẽ khác.
Nhưng có lẽ, đó chính là sự an bài số phận bắt anh phải chịu đựng. Sau những giờ phút đau khổ, tuyệt vọng, anh phải trở về với thực tại nghiệt ngã.
Gần sáng, anh lại vào bệnh viện. Nhìn đứa con bé bỏng đang phải nằm trong lồng kính, anh không cầm được nước mắt. Điều bất ngờ là khi anh đưa tay qua ô nhỏ để sờ vào tay con, cậu bé nắm chặt tay cha òa khóc.
Chính giây phút ấy, Quốc Tuấn nhận thấy con anh bình thường như bao đứa trẻ khác và có thể chạy chữa được. Anh đặt tên con là Nguyễn Anh Tuấn (tên ở nhà là Bôm), giống tên bố với mong muốn có thể gánh thay một phần nào đó bệnh tật cho con.
Sau thời gian đầu chênh vênh, mất phương hướng, vợ chồng anh bình tâm và bắt đầu tìm hướng điều trị cho con. Vì đường thở của bé Bôm rất hẹp, khi ngủ không thở được nên hầu như đêm nào hai vợ chồng cũng phải thay phiên thức bế con ngủ.
Là diễn viên nhưng Quốc Tuấn không dám đi xa Hà Nội một ngày vì con không thể vắng bố, cả nhà gần như nhập hộ khẩu thường trú trong Bệnh viện Nhi Trung ương.
Quốc Tuấn kể: “3 năm đầu, trung bình mỗi năm, cháu phải đi phẫu thuật hai lần ở Bệnh viện Nhi. Năm Bôm được 3 tuổi rưỡi, xương hộp sọ bắt đầu cứng lại, không phát triển trong khi não vẫn phát triển bình thường, bắt buộc phải phẫu thuật can thiệp nới hộp sọ.
Lúc này, nhờ sự giới thiệu của bác sĩ Liêm - Giám đốc Bệnh viện Nhi, cháu được phẫu thuật tại bệnh viện Hoàng gia Australia. Ca phẫu thuật này đã rất thành công, hộp sọ của Bôm đã trở lại bình thường.
Tuy nhiên đường thở của Bôm vẫn chưa được can thiệp do một vài trục trặc từ phía nhà tài trợ. Vậy là hai bố con phải về nước. Mãi tới năm 2008, lúc 6 tuổi, bệnh tình của Bôm mới tạm ổn khi cháu may mắn được Giáo sư Daehyun Lew (Bệnh viện Sevenance, Hàn Quốc) nhận phẫu thuật giúp”.
Trời không phụ lòng người
Tuy nhận được sự giúp đỡ từ nhiều nhà tài trợ nhưng căn bệnh quái ác đòi hỏi việc phẫu thuật liên tục của con không ít lần đẩy gia đình Quốc Tuấn vào cảnh túng quẫn. 7 năm trong hành trình chữa trị (từ năm 2003), hầu như năm nào con trai anh cũng phải mổ.
Trong đó, có những ca đại phẫu như nâng hộp sọ, điều trị hẹp đường thở, rồi nâng hàm, tách ngón tay, ngón chân... Trong đó, riêng ca phẫu thuật điều trị chít hẹp đường thở viện phí đã tiêu tốn khoảng 40.000 USD.
Trụ vững qua 7 năm với những cuộc phẫu thuật liên miên, với một đứa trẻ đúng là một kỳ tích, với vợ chồng Quốc Tuấn cũng là hành trình gian nan, khắc nghiệt. Đến bây giờ, khi tình hình bé Bôm đã ổn định, nhưng những năm tháng cùng con lặn lội khắp nơi chạy chữa vẫn hiển hiện trong đầu Quốc Tuấn như ngày hôm qua.
Anh nhớ, đợt đưa con sang Australia phẫu thuật, do trục trặc từ phía nhà tài trợ nên vợ anh không được đi cùng. Thời tiết mùa Đông ở đây lại khắc nghiệt. Nước Australia rộng lớn, tứ bề là biển, mùa đông đi ra đường gió thổi bạt người. Ở trong nhà mở cửa ra thì lạnh, đóng cửa vào thì ngột ngạt vì áp suất trong phòng rất cao.
Để một chậu nước trong phòng, nước bay hơi nhiều đến nỗi cửa kính mờ đi vì hơi nước. Nếu anh đặt chậu nước trong phòng thì Bôm không bị nề, nhưng hơi nước nhiều lại khiến cho mọi thứ ẩm ướt rất khó chịu.
Thời tiết khắc nghiệt, cộng thêm hàng trăm mối lo khác về cuộc phẫu thuật và tình trạng sức khỏe của con khiến Quốc Tuấn không thể ngủ được. Dạo mới sang, vì chưa quen với thời tiết nên anh thức suốt một tuần liền. Nhiều lần quá mệt mỏi, anh ngủ gật ngay dưới chân giường con.
“Có hôm thấy mình như người mộng du, người cứ chơi vơi, chơi vơi... Đến khi nhớ ra là mình đang bế con, tôi tự nhủ: Cứ thế này thì làm rơi con mất! Nghĩ thế, tôi lại tự thấy mình không thể ngã gục được. Mình ngã là con mình chết. Lắc lắc cái đầu để thấy chân mình đang chạm đất, thế là lại ôm con bước đi...”, Quốc Tuấn tâm sự.
Sau lần phẫu thuật ở Hàn Quốc, bệnh tình của bé Bôm đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên việc đưa con trở lại cuộc sống như các bạn cùng trang lứa cũng là một thách thức lớn với vợ chồng Quốc Tuấn.
Khi bé Bôm vào lớp 1, điều khó khăn không phải ở vấn đề học chữ mà là vấn đề giao tiếp và hòa nhập. Để giúp con nhanh chóng hòa nhập vào môi trường mới, Quốc Tuấn thường là người trực tiếp đưa đón con đi học mỗi ngày.
Mỗi khi tan học, anh cùng con đá bóng ở sân trường với những đứa trẻ khác. Nhờ kinh nghiệm được các bác sĩ dặn dò và tình yêu thương vô bờ bến của một người làm cha, anh đã từng bước đưa con hòa nhập với cuộc sống.
“Trời không phụ lòng người”, hiện sức khỏe của Bôm đã hồi phục hoàn toàn, đi học bình thường và hòa nhập với các bạn. Các bác sĩ cho biết, sức khỏe của bé sẽ ổn định khi đến năm 15 tuổi. Quốc Tuấn giờ đây đã hạnh phúc.
Hạnh phúc là khi vợ chồng anh ngắm nhìn con đến trường hàng ngày, nghe con hồn nhiên kể chuyện sau mỗi lần tan lớp. Anh nói rằng, vợ chồng anh sẽ không sinh thêm con nữa, để dành tất cả thời gian, sức lực, chăm sóc, yêu thương cho cậu con trai này.
Sau bao năm vất vả, gian nan chữa bệnh cho con với những vết chân chim hằn lên khuôn mặt tài tử năm nào, Quốc Tuấn giờ đây lại say mê trên phim trường với vai trò đạo diễn. Hi vọng, cuộc đời sẽ không nhấn anh vào vũng đen tăm tối nào nữa.
Hội chứng Apert là một rối loạn di truyền gây nên sự phát triển bất thường của hộp sọ. Trẻ em mắc hội chứng Apert được sinh ra với một hình dạng méo mó của đầu và mặt hoặc các khuyết tật bẩm sinh khác. Hội chứng Apert tương đối hiếm gặp, xảy ra với xác suất 1/65.000 trẻ sinh ra. Căn bệnh này rất khó điều trị nhưng phẫu thuật có thể giúp chỉnh sửa hiệu quả một số vấn đề. Gần 40 năm tham gia phẫu thuật nhi khoa nhưng con trai của diễn viên Quốc Tuấn là trường hợp đầu tiên mà GS-TS Nguyễn Thanh Liêm, nguyên giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương gặp ở Việt Nam. Chính vì vậy, ông đã rất nỗ lực để giúp đỡ vợ chồng nam diễn viên trong việc kết nối với các nhà phẫu thuật tài giỏi trên thế giới. |