Đảo chiều trong cuộc chiến chống dịch

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất khiến bức tranh chống dịch tại châu Á – Thái Bình Dương có nhiều gam màu sáng hơn châu Âu do chiến dịch tiêm chủng hiệu quả.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Diễn biến Covid-19 đang căng thẳng trở lại tại châu Âu đến mức báo động, khiến Mỹ hôm 23/11 phải khuyến cáo công dân không đi du lịch tới hai nước Đức và Pháp, trong khi đó các nước châu Á - Thái Bình Dương lại đang dần trở lại cuộc sống bình thường.

Tại châu Âu, quốc gia đang bị Covid-19 tấn công nặng nề nhất là Đức. Thủ tướng Angela Merkel cho biết hiện là đợt lây nhiễm tồi tệ nhất mà nước này từng phải trải qua kể từ đầu dịch. Bà cảnh cáo các bệnh viện sẽ sớm rơi vào tình trạng quá tải nếu nước Đức không khẩn cấp thắt chặt các biện pháp hạn chế để khống chế làn sóng lây lan virus.

Covid-19 tại Đức đã chuyển từ trạng thái “tồi tệ” sang “tồi tệ hơn” kể từ đầu tháng này khi mùa đông xuất hiện và dần đến ngưỡng vượt tầm kiểm soát. Hầu hết các hoạt động chuẩn bị chào đón Lễ Giáng sinh của Đức đã bị hủy bỏ, báo hiệu một kỳ nghỉ lễ u ám sắp tới. Đỉnh dịch gần nhất rơi vào hôm 18/11 với hơn 65.000 ca mắc mới và các ngày gần đây Đức đều liên tiếp ghi nhận trên 50.000 ca mắc mới mỗi ngày.

Ngoài Đức, các nước như Đan Mạch và Pháp cũng đang chứng kiến làn sóng lây nhiễm tăng mạnh đến mức đe dọa hệ thống y tế quốc gia. Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu là Hans Kluge cảnh báo, tỷ lệ lây nhiễm ở 53 quốc gia khu vực đang rất đáng lo ngại, trong đó số ca mắc mới tiến gần đến mức kỷ lục.

Một số nước như Áo và Hà Lan sau một thời gian dài tái mở cửa vừa phải phong tỏa trở lại để chống dịch, hạn chế số ca nhiễm đang tăng cao. Các nước khác trong khu vực chưa đến mức phải giãn cách xã hội toàn quốc nhưng cũng buộc phải thắt chặt hơn các biện pháp hạn chế khi châu Âu đang trở thành tâm dịch của thế giới.

Trong khi đó, các nước châu Á – Thái Bình Dương lại đang dần tiến tới cuộc sống bình thường sau đại dịch. Đặc biệt tại Nhật Bản đang chứng kiến dấu hiệu cho thấy Covid-19 dần biến mất một cách bí ẩn.

Sau khi vượt qua đỉnh dịch hồi cuối tháng 8 với 26.000 ca nhiễm mới trong một ngày, tới cuối tháng 11 nước này chỉ còn hơn 100 ca mỗi ngày. Kể từ ngày 7/11 đến nay Nhật Bản cũng không ghi nhận ca tử vong vì Covid-19 nào.

Hầu hết các nước Đông Nam Á vốn bị biến chủng Delta hoành hành dữ dội vài tháng trước cũng đang mở cửa đất nước để sống chung với dịch. Các nước như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia còn mở cửa du lịch quốc tế sau gần 2 năm tê liệt. Trên thực tế số ca nhiễm ở một số nước châu Á vẫn ở mức 4 con số nhưng lộ trình sống chung với dịch vẫn được duy trì do hệ thống y tế không bị đe dọa.

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất khiến bức tranh chống dịch tại châu Á – Thái Bình Dương có nhiều gam màu sáng hơn châu Âu do chiến dịch tiêm chủng hiệu quả.

Dù triển khai chậm hơn châu Âu và Bắc Mỹ, nhưng hiện nay nhiều nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã có tỷ lệ tiêm chủng thuộc hàng cao nhất thế giới như Nhật Bản, Singapore, Campuchia, Malaysia, Trung Quốc… với hơn 75% dân số được tiêm phòng đầy đủ.

Bên cạnh đó, thói quen đeo khẩu trang và giãn cách xã hội cũng được các nước châu Á tuân thủ chặt chẽ hơn, trong khi tại châu Âu còn nổ ra nhiều cuộc biểu tình phản đối các biện pháp hạn chế chống dịch.

Thậm chí nhiều nước châu Âu còn phải áp dụng các biện pháp mạnh tay với những người không chịu tiêm vắc-xin. Đây là những nguyên nhân khiến cuộc chiến chống dịch toàn cầu đang có sự đảo chiều giữa châu Âu và châu Á.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.