Đánh thức vẻ đẹp đô thị bằng ký họa

GD&TĐ - Rong ruổi khắp thành phố, từ khu phố cổ đến phố mới, họ lưu giữ một phần hình ảnh của Thủ đô qua ký họa. Mỗi tác phẩm góp phần đánh thức vẻ đẹp đô thị, lan tỏa ý thức giữ gìn hình ảnh của Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Một số tác phẩm của Nhóm “Ký họa đô thị Hà Nội” được giới thiệu tới công chúng Thủ đô
Một số tác phẩm của Nhóm “Ký họa đô thị Hà Nội” được giới thiệu tới công chúng Thủ đô

Tình yêu với Hà Nội

Nhóm “Ký họa đô thị Hà Nội” vừa ra mắt cuốn sách “Tập thể cũ Hà Nội: Ký họa và hồi ức”. Theo chia sẻ của họa sĩ Nguyễn Hoàng Lâm, một trong 4 thành viên sáng lập, tình yêu Hà Nội đã thôi thúc nhiều người dành các buổi chiều cuối tuần để ghi chép hình ảnh về một phần di sản của Hà Nội

Nhìn về quá khứ, cách đây 10 năm, nhóm ký họa đô thị đầu tiên được thành lập tại TP Seattle (Mỹ) và hiện có hơn 10.000 thành viên. Tại Việt Nam, nhóm ký họa đô thị đầu tiên ra đời tại TPHCM vào năm 2013 và Nhóm Ký họa đô thị Hà Nội mới ra đời, nhưng được nhiều sinh viên kiến trúc, xây dựng, các trường khác hưởng ứng và dần lan tỏa trong đời sống cộng đồng. Đến nay, nhóm có khoảng 3.600 thành viên, ai rảnh lúc nào đi vẽ lúc đó.

Trên thế giới, các nhóm ký họa đô thị thành lập từ lâu và hoạt động khá thường xuyên, tập hợp đa phần là những bậc thầy trong hội họa, kiến trúc.

Trong khi đó, Nhóm Ký họa đô thị Hà Nội số lượng tham gia đông nhưng ít người thường xuyên đi vẽ (chỉ khoảng 50 - 60 người). Tiêu chí của nhóm là lưu giữ hình ảnh hiện tại của Thủ đô, với rất nhiều thể loại công trình khác nhau, và ký họa khu tập thể là một trong số đó.

Mấy năm gần đây, nhiều khu tập thể cũ của Hà Nội bị phá đi và thay vào đó là các dự án khác. “Chúng tôi nhận ra rằng nếu không vẽ nhanh các khu tập thể thì dần chúng sẽ hết. Thực ra ở Hà Nội có tới hơn 1.700 khu tập thể, gắn liền với hình ảnh của Thủ đô từ rất lâu và gợi nhớ thời bao cấp khó khăn.

Chính vì thế, chúng tôi nghĩ phải làm gấp chương trình này để ghi lại phần ký ức đó của Hà Nội”, họa sĩ Nguyễn Hoàng Lâm cho biết.

Năm 2018, chiều Chủ nhật hàng tuần các thành viên của nhóm cùng nhau đến những khu tập thể. Họ cố gắng liên hệ với những người đã sống trong khu tập thể ấy, có những câu chuyện về ký ức của họ và các thành viên chia nhau ra để vẽ nhiều góc khác nhau, người vẽ nhà, người vẽ góc phố, cầu thang, hành lang, người vẽ cuộc sống người dân xung quanh khu tập thể...

Tất cả những hình ảnh đó tập hợp lại tạo nên cái nhìn tương đối đặc trưng của từng khu tập thể trong lòng thành phố.

Ngoài các khu tập thể, những loại hình di sản khác của Hà Nội cũng được nhóm tập trung ký họa. Theo anh Lâm, từ khi mới thành lập, các thành viên trong nhóm thấy công trình nào đẹp thì ghi chép để lưu giữ.

Từ năm 2017, nhóm vẽ về phố cổ Hà Nội, tuy chưa được dày dặn do thời gian ít. Sau đó nhiều ý kiến cho rằng, phải làm theo chủ đề xuyên suốt, ý nghĩa hơn. Cuốn sách “Tập thể cũ Hà Nội: Ký họa và hồi ức”, ngoài các bức vẽ còn có bài viết của những người đã và đang sống trong các khu tập thể, giúp cuốn sách dày dặn về thông tin và hình ảnh xuất phát từ suy nghĩ như thế.

Họa sĩ Nguyễn Hoàng Lâm.
Họa sĩ Nguyễn Hoàng Lâm. 

Không chỉ có khu tập thể

Từ năm 2019, nhóm tập trung vẽ khu phố Tây, sau đó có thể là khu phố cổ Hà Nội, rồi các làng nghề, công trình tôn giáo, di tích lịch sử...

Nếu đánh giá về ký họa đô thị, Hà Nội là một trong những thành phố nhiều điểm để vẽ, nhiều công trình đẹp. Và dù Hà Nội có lộn xộn nhưng vẫn mang đặc trưng riêng so với các thành phố châu Á. Bởi yêu thành phố nghìn năm tuổi nên các thành viên của Nhóm Ký họa đô thị Hà Nội mới dành các buổi cuối tuần rong ruổi ký họa.

Với họ, những bức vẽ ấy lưu lại một phần hình ảnh và những giá trị văn hóa của thành phố trước sự biến đổi quá nhanh của một Hà Nội đô thị hóa. Đồng thời, nhóm cũng muốn lan tỏa tình yêu ấy đến những người xung quanh, để họ cảm thấy không gian mình sống có những góc đẹp chưa được để ý tới, từ đó thêm nhiều người có ý thức lưu giữ nét cổ kính, mang dấu ấn thời gian trong những công trình lịch sử của Hà Nội.

Không chỉ ở Hà Nội, TP.HCM hay bất cứ một quốc gia nào trên thế giới, việc kết nối và quảng bá hình ảnh đô thị luôn là điều được các họa sĩ, nghệ sĩ coi trọng.

“Một ngày bình thường, bất chợt tôi nhận cuộc điện thoại hoặc tin nhắn gửi từ những người của Urban sketcher Paris, hay London, Thái Lan... muốn được đi vẽ tại Hà Nội. Chúng tôi sẽ hẹn gặp ở một điểm trong thành phố, dù là người lần đầu gặp mặt nhưng có chung sở thích, thành ra như đã quen nhau lâu lắm rồi, cùng ngồi vẽ và nói chuyện rất vui vẻ”, họa sĩ Nguyễn Hoàng Lâm chia sẻ.

Ký họa đô thị Hà Nội thường xuyên giao lưu với các nhóm ký họa ở Việt Nam, cũng như Hội Ký họa thế giới và châu Á.

Năm 2019, chương trình Ký họa đô thị của châu Á sẽ diễn ra tại Hà Nội vào tháng 10, quy tụ 300 - 400 ký họa viên từ các nước châu Á và một số nước châu Âu. Đây sẽ là dịp để họ cùng trổ tài nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội, vùng đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ