'Đánh thức' tháp nước Hàng Đậu

GD&TĐ - Ngày Chủ nhật, dù hơi sương cùng cái lạnh đầu Đông còn vương song nhiều người đã xếp hàng chờ lượt tham quan tháp nước Hàng Đậu.

Tháp nước phố Hàng Đậu được xây dựng năm 894. Ảnh: INT
Tháp nước phố Hàng Đậu được xây dựng năm 894. Ảnh: INT

Ngày Chủ nhật, dù hơi sương cùng cái lạnh đầu Đông còn vương song nhiều người đã xếp hàng chờ lượt tham quan tháp nước Hàng Đậu.

Không chỉ thanh niên, trẻ nhỏ mà còn khá đông bậc cao niên ngoài tuổi 70, 80 cũng háo hức muốn được bước vào công trình kiến trúc tiêu biểu thời kỳ Pháp thuộc ở Hà Nội trước năm 1945…

Không muốn bỏ lỡ

Đi bộ từ phố Hàng Gà tới, ông Tùng năm nay đã ngoài 80 tuổi bảo nhiều người thường gọi đây là bốt Hàng Đậu, là do quen miệng khi thấy nó giống với các bốt canh của thực dân Pháp lúc đô hộ Việt Nam.

“Dẫu là điểm chỉ dẫn rất thân thuộc nhưng suốt bao năm qua người dân Hà Nội chỉ biết dáng hình bên ngoài mà chưa từng tỏ tường bên trong tháp nước có những gì. Thế nên, không riêng gì tôi mà có lẽ nhiều người đều mong chờ ngày công trình thời Pháp thuộc này mở cửa đón khách”, ông Tùng mong chờ.

“Nhà máy nước tròn (tháp nước Hàng Đậu) – nơi tôi sinh ra (số 4 Quan Thánh) và lớn lên (số 5 Hàng Đậu) cùng bố mẹ tôi và 10 anh chị em tôi. Nhớ và yêu lắm nơi đây! Nay tôi 69 tuổi rồi.

Tôi là cháu ngoại của bà tôi. Tôi ngỡ ngàng về nét đẹp của công trình này!” - Bà Lưu Kim Hoan và cháu ngoại Trần Vy Lan ghi lưu bút khi đến tham quan tháp nước Hàng Đậu.

Với Hoàng Linh, sinh viên Trường Đại học Hà Nội thì đây là dịp may khi tháp nước Hàng Đậu mở cửa đúng lúc cô đang học tập ở Hà Nội. “Thường ngày cuối tuần em ngủ nướng.

Nhưng biết tin tháp nước Hàng Đậu đón khách em đã dậy từ sớm, đi xe bus đến và sẵn sàng xếp hàng chờ lượt vào tham quan. Đây là trải nghiệm thú vị, em không muốn mình bị bỏ lỡ”, Hoàng Linh cho biết.

Trước 9 giờ 30 phút, việc chờ đến lượt của những người đã đăng ký online không quá lâu, chỉ chừng 15 phút là có thể đặt chân vào tháp nước Hàng Đậu. Với du khách ngẫu nhiên đi qua và muốn trải nghiệm vẫn có thể song phải đợi lâu hơn khi số lượng nhiều gấp đôi, gấp ba. Nhất là quãng gần đổ về trưa, thời gian xếp hàng càng lâu nhưng nhiều người vẫn sẵn lòng.

“Vì không gian của tháp nước chỉ cho phép khoảng hơn 20 người vào tham quan một lần nên khách đến cần xếp hàng chờ đợi. Ngày đầu mở cửa chúng em đón đến 3.000 lượt, những ngày sau khoảng 2.000 lượt. Các ca sáng thường đông, đặc biệt ngày cuối tuần.

Vì vậy, khoảng 11 giờ, chúng em dừng đón khách xếp hàng, hướng dẫn mọi người chuyển sang ca chiều hoặc tối (đến 21 giờ)”, tình nguyện viên Nguyễn Lê Minh Châu, sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết.

Giao thoa thi vị

Xếp hàng trước cửa tháp nước Hàng Đậu chờ vào tham quan. Ảnh: Bình Thanh.

Xếp hàng trước cửa tháp nước Hàng Đậu chờ vào tham quan. Ảnh: Bình Thanh.

Sau quãng 10 phút xếp hàng bên vườn hoa Hàng Đậu, tốp 20 người được tình nguyện viên hướng dẫn di chuyển sang khu vực phía sau tháp nước Hàng Đậu.

Dừng chân ở đây chừng 10 phút lại tiếp tục đến trước cửa, nghe tình nguyện viên tên Giang hướng dẫn cách tham quan, trải nghiệm khu vực phía trong tháp nước và chờ đoàn người trước đó bước ra là sẽ nối tiếp bước vào.

Giữa không gian ngoài trời rộng lớn và lúc nào cũng ồn ào tiếng động cơ phương tiện tham gia giao thông, cô bé tình nguyện viên nhỏ bé ấy gắng nói vo thật lớn để truyền đạt đầy đủ các nội dung “tour” đặc biệt này tới du khách hết đoàn này lại đến đoàn khác.

Bước qua cửa vòm là đặt chân lên những tấm ván gỗ khá chắc chắn làm cầu dẫn cho mọi người đi vòng tròn trong lòng tháp. Những tiếng “Ồ”, “À”… rồi cả câu reo đầy thích thú “Ơ tiếng nước chảy ở đâu thế mẹ ơi?” của em bé nào đó, có chút vọng lại giữa những bức tường xây chắc chắn, kiên cố và từ mái vòm tít trên cao hất lại.

Những khoảng ánh sáng từ ô cửa sổ nhỏ hay mái vòm không đủ dẫn đường nhưng lại tạo ra màu hư ảo khi cùng kết hợp với sắp đặt “Nước và di sản tháp nước Hàng Đậu” do kiến trúc sư Cao Thế Anh và họa sĩ Nguyễn Đức Phương thực hiện.

Khi đó, cả một không gian khô cứng, mốc thếch vốn có công năng là nơi chứa, phân phối… khối nước và đã ngừng hoạt động hơn 6 thập kỷ giờ bỗng “thức dậy” với dáng vẻ khá lãng mạn, thi vị.

Đó là kết quả của sự sắp đặt ánh sáng cùng trưng bày những chiếc lá đủ sắc màu làm từ vật liệu tái chế và được thả xuống theo nhiều tầng bậc: Có khi phải ngước nhìn lên cao đón ánh sáng từ mái vòm rọi vào, có khi ngang tầm tay dễ dàng chạm tới… Phần sàn có chỗ là sỏi trắng, có chỗ là nước lấp lánh hoặc đôi ba chiếc chum sành.

Và tất cả dường như chuyển động theo âm thanh của nước cũng được sắp đặt tí tách theo giọt đầy - vơi. Bước vào đây, hẳn rằng không ít du khách có cảm giác lạc vào thế giới trong trẻo, tĩnh lặng mà khoan thai giữa chốn thị thành lúc nào cũng ồn ào, náo nhiệt ngoài kia…

“Thật không uổng công em thức dậy sớm và vượt qua những ngại ngần ngày rét đầu Đông để đến tham gia “tour” tháp nước Hàng Đậu. Có lẽ đây là “tour” trải nghiệm ngắn nhất - chưa đầy 5 phút - nhưng dư âm đọng lại trong em lại thật sâu, thật dài.

Em đã kịp ghi hình “trong lòng” tháp nước để gửi về quê nhà (Ninh Bình) cho ông bà, bố mẹ xem. Nếu sau dịp này, tháp nước tiếp tục mở cửa đón khách, em sẽ đưa bố mẹ và em gái đến tham quan. Khi được trải nghiệm trực tiếp mỗi người sẽ có những cảm xúc đặc biệt hơn cả”, Hoàng Linh chia sẻ.

Sắp đặt nghệ thuật trong tháp nước Hàng Đậu. Ảnh: Bình Thanh.

Sắp đặt nghệ thuật trong tháp nước Hàng Đậu. Ảnh: Bình Thanh.

Luôn cần thiết

Sau khi đi hết vòng một, ông Tùng nhón chân “vượt rào” rảo bước vòng hai vì lý do khó có thể chối từ: “Tuổi đã cao, chân đã chậm, mà không biết có thể trở lại không nên tôi xin phép đi vòng nữa để ngắm thêm những ô cửa vòm cùng vật liệu xây nên cái tháp nước này.

Không biết người Pháp xây như thế nào mà nó vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” và trở thành dấu tích của thời đại. Câu chuyện về nó dẫu không phải là khúc ca chiến thắng nhưng là lời nhắc nhớ về một giai đoạn lịch sử đầy vất vả, gian lao mà cũng rất oanh liệt, tự hào của đất kinh kỳ.

Việc gìn giữ, giới thiệu đến công chúng hôm nay và mai sau những dấu tích này luôn cần thiết để người nay không quên chuyện xưa mà luôn nâng cao tinh thần tự cường dân tộc. Cùng với đó còn có thể nghiên cứu, tìm hiểu để có được bài học cho riêng mình, nhất là với những người làm việc, học tập trong lĩnh vực, chuyên ngành liên quan”.

Du khách nhí thích thú lưu hình kỷ niệm trong tháp nước Hàng Đậu. Ảnh: Bình Thanh.

Du khách nhí thích thú lưu hình kỷ niệm trong tháp nước Hàng Đậu. Ảnh: Bình Thanh.

Với riêng tình nguyện viên Nguyễn Lê Minh Châu, cùng với sự tận tình trong việc hướng dẫn du khách tham quan, dù gặp không ít phiền toái, trở ngại, thì đây còn là dịp được thực tế một công trình hơn trăm tuổi gắn với chuyên ngành kiến trúc mà Châu đang học tập tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

“Từ đây, em chăm chú với câu chuyện sắp đặt của hôm nay được đặt vào để “đánh thức” không gian xưa như thế nào. Nhân đây, em được mở rộng vốn kiến thức về kiến trúc cách đây hơn 100 năm - đó là trải nghiệm khá đặc biệt được thể hiện qua cốt nền móng cùng cách vận hành bên trong tháp nước có lẽ còn rất mới đối với sinh viên năm thứ nhất như em”, Minh Châu chia sẻ.

Trên cuốn sổ ghi cảm tưởng, nhiều du khách cũng dành lời cảm ơn đến ban tổ chức đã mở cửa tháp nước Hàng Đậu để công chúng có cơ hội bước vào bên trong thưởng lãm chứ không còn phải chỉ đứng bên ngoài ngắm rồi đoán già, đoán non, thậm chí gây không ít hiểu lầm khi có người (nhất là du khách quốc tế) cho rằng đó là bốt canh của thực dân Pháp (vì có hình dáng khá giống).

“Cảm ơn ban tổ chức đã cho mọi người tham quan công trình cổ kính này”, như anh Lê Đức Cường viết. “Hôm nay con thật may mắn khi được vào tham quan một công trình cổ kính, con rất vui”, bé Nguyễn Phương Mai lưu bút.

Nhất là để có những ngày điểm tham quan này có thể mở cửa một cách trật tự và hiệu quả, đội ngũ tình nguyện viên là sinh viên các trường đại học đã nhiệt tình, chu đáo đón khách và hướng dẫn trải nghiệm. Vì vậy, du khách cũng không quên dành lời cảm ơn cho tình nguyện viên về “sự nhiệt tình, chu đáo”…

Hay rất nhiều cảm nhận, đánh giá từ tổng thể về một không gian triển lãm thực sự rất đẹp và ý nghĩa; không gian ấn tượng đến những chi tiết như: Tiếng nước chảy “thực sự hay lắm, nghe rất chill…”.

Bên cạnh đó còn là những mong muốn, hy vọng, góp ý thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện những chương trình như thế này, tháp nước sẽ tiếp tục được khai thác làm không gian văn hóa và quảng bá cho lịch sử Thủ đô, các hoạt động thu hút du khách lâu dài với nội dung đặc sắc, đa dạng, hữu ích… trong đó cần chú trọng đến kết nối cộng đồng và sáng tạo. Hoặc như góp ý chi tiết: “Nên mở các cửa sổ ra để có không gian mở, có âm thanh lồng tiếng giọt nước rơi…”.

Thời gian trải nghiệm vỏn vẹn trong 5 phút được cho là khá ngắn, nhất là khi du khách muốn dừng chân chụp một số tấm hình kỷ niệm. “Vào thăm tháp nước Hàng Đậu đối với tôi có ấn tượng rất đẹp. Rất mong triển lãm kéo dài hơn hoặc tổ chức nhiều lần sẽ tốt hơn”, du khách tên Thạch đề xuất.

Nhất là, một cụ ông sinh năm 1936 ghi: “Cảm ơn Đảng và Nhà nước đã tổ chức cho mọi người dân vào tham quan tháp nước từ khi Pháp xây dựng cho tới nay. Tôi sinh trưởng tại Hà Nội song cho tới nay mới được vào tham quan. Trước đây, mọi người gọi là bốt Hàng Đậu có đúng không hay bốt Hàng Đậu ở ngay bên tay phải?”...

Tháp nước Hàng Đậu do chính quyền thực dân Pháp xây dựng từ năm 1894, có thiết kế thân hình trụ và mái hình chóp, cao ba tầng. Tháp có dung tích 1.250 m³, chủ yếu được dùng phục vụ cho chính quyền thực dân và binh lính Pháp (trước khi Hà Nội được giải phóng).

Khi hòa bình lập lại, Công ty Nước sạch Hà Nội quản lý. Từ năm 1960, tháp không còn hoạt động và từng bị hoang hóa. Là một trong những công trình tiêu biểu thời kỳ Pháp thuộc ở Hà Nội trước năm 1945, hiện tháp nước Hàng Đậu được đưa vào danh mục trình HĐND thành phố quản lý, bên cạnh Nhà hát Lớn, cầu Long Biên, một phần nhà tù Hỏa Lò, khu kiến trúc phố cổ…

Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023, tháp nước Hàng Đậu được mở cửa từ 17 - 26/11 và là một trong những điểm đến thu hút sự quan tâm của công chúng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.