“Đánh thức” nhu cầu sử dụng dịch vụ công tác xã hội trường học

GD&TĐ - Các vấn đề xã hội hiện nay tạo nên gánh nặng tâm lý, sự căng thẳng, thậm chí khủng hoảng tâm lý, ảnh hưởng đến kết quả học tập và sự phát triển bình thường của học sinh, sinh viên. 

“Đánh thức” nhu cầu sử dụng dịch vụ công tác xã hội trường học

Đây cũng là nguyên nhân khiến công tác xã hội trường học, tư vấn tâm lý trường học trở lên cấp thiết; nhưng để thực hiện hiệu quả còn nhiều trăn trở.

Thực trạng và những giải pháp cụ thể cho vấn đề này được đưa ra trao đổi tại hội thảo quốc tế Xây dựng, phát triển mô hình đào tạo và thực hành công tác xã hội (CTXH) trường học ở Việt Nam do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội phối hợp cùng Trường ĐH South Carolina (Hoa Kỳ) tổ chức chiều nay (25/5).

Còn rất nhiều thách thức

Ông Nguyễn Hiệp Thương - Trưởng Khoa Công tác xã hội, Trường ĐHSP Hà Nội - cho biết: Cho đến nay, chưa có nhà trường nào có mã ngành đào tạo về CTXH trường học kể cả cử nhân và sau đại học, cũng chưa có Luật CTXH hay Luật nghề CTXH, chưa có Nghị định về CTXH nói chung, CTXH trường học nói riêng.

Mặc dù đã có thông tư liên tịch về quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành CTXH nhưng do điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn, hoạt động tinh giản biên chế vẫn được triển khai khắp các lĩnh vực nên rất khó khăn cho việc triển khai thêm biên chế cho nhân viên CTXH nói chung, nhân viên CTXH trường học nói riêng.

Ngoài ra, còn hàng loạt những khó khăn, thách thức khác về công tác xã hội trường học liên quan đến đội ngũ giảng viên giảng dạy lý thuyết về thực hành về Công tác xã hội trường học; chương trình đào tạo; cơ sở thực hành, đội ngũ nhân viên Công tác xã hội trường học cũng như kiểm huấn viên tại trường học; khó khăn, thách thức liên quan đến vấn đề điều kiện thành lập mô hình Công tác xã hội trường học ở Việt Nam.

Báo cáo của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cũng đề cập đến rất nhiều khó khăn về cơ sở pháp lý và đội ngũ công tác xã hội nói chung, công tác xã hội trường học nói riêng.

Theo đó, khuôn khổ pháp lý phát triển nghề CTXH chưa được hoàn chỉnh, đặc biệt là vai trò, nhiệm vụ của cán bộ, viên chức, nhân viên CTXH chưa được xác định cụ thể trong một số bộ luật, luật liên quan. Chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ, nhân viên CTXH làm việc trong các cơ sở trợ giúp xã hội chưa được ban hành; phối hợp liên ngành còn hạn chế. Việc áp dụng mã số, chức danh, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức CTXH còn nhiều bất cập...

Mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội còn thiếu và yếu; đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội còn mỏng và chưa chuyên nghiệp; đa số được đào tạo từ ngành nghề khác, hoặc một số ít thậm chí không được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ. Đặc biệt, đội ngũ cộng tác viên công tác xã hội tại cộng đồng mới chỉ bước đầu được hình thành tại một số địa phương.

Công tác đào tạo công tác xã hội tại không ít trường ĐH, CĐ mới chỉ chú trọng đến số lượng, chưa gắn giữa đào tạo lý thuyết và thực hành; sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo với các đơn vị sử dụng nguồn nhân lực CTXH chưa cao; chương trình, giáo trình giảng dạy về CTXH còn thiếu và nhiều bất cập...

Hội thảo quốc tế Xây dựng, phát triển mô hình đào tạo và thực hành công tác xã hội trường học ở Việt Nam
 Hội thảo quốc tế Xây dựng, phát triển mô hình đào tạo và thực hành công tác xã hội trường học ở Việt Nam

Nhà trường nên mạnh dạn tự gỡ khó

Ông Nguyễn Hải Hữu - Chủ tịch Hiệp hội các trường đào tạo CTXH tại Việt Nam – khi đặt vấn đề những điều kiện cần thiết cho việc hình thành và phát triển CTXH trường học đã nhấn mạnh: Sự hình thành và phát triển của bất cứ một chuyên ngành/tiểu chuyên ngành đào tạo hay một nghề/tiểu nghề cũng cần có những điều kiện nhất định. Nó không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của bất kỳ một người nào hay tổ chức nào.

Với Việt Nam, ông Nguyễn Hải Hữu cho rằng, cần nâng cao nhận thức, hiểu biết của cộng đồng xã hội về CTXH trường học, “đánh thức” nhu cầu sử dụng CTXH trường học của học sinh, sinh viên, thầy cô giáo, cha mẹ học sinh; đặc biệt là nâng cao nhận thức về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến đào tạo CTXH trường học và phát triển dịch vụ CTXH trường học để đáp ứng nhu cầu của học sinh, sinh viên. Nói cách khác, phải tạo nên cung - cầu của thị trường về dịch vụ CTXH trường học, mà cung - cầu phải song hành, cho dù dịch vụ CTXH trường học là một loại hình dịch vụ công do nhà nước phải có trách nhiệm bảo đảm.

Theo ông Nguyễn Hải Hữu, bên cạnh tạo được khung khuôn khổ pháp lý phù hợp cho phát triển CTXH, cần chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho việc tổ chức đào tạo tiểu chuyên ngành CTXH trường học; cụ thể là vấn đề đào tạo giảng viên; chương trình, nội dung đào tạo; đào tạo thí điểm 1 -2 trường ĐH sau đó rút kinh nghiệm nhân rộng ra các trường khác trên vùng miền cho phù hợp với nhu cầu xã hội.

“Cũng cần chuẩn bị những điều kiện cho việc phát triển dịch vụ CTXH trường học/tham vấn trường học, có thể bắt đầu từ TP Hồ Chí Minh, nơi hiện nay đã có khoảng gàn 30% trường học đang phát triển CTXH trường học/tham vấn trường học và vận động một số địa phương có điều kiện thuận lợi về phát triển kinh tế - xã hội triển khai trước” – ông Nguyễn Hải Hữu đề nghị.

Đại diện Bộ GD&ĐT, ông Dương Văn Bá – Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên tại hội thảo nhấn mạnh việc phải tìm cách lồng ghép, dần nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo, trong đó có cả lãnh đạo nhà trường hiểu được sự cần thiết của dịch vụ công tác xã hội trường học hiện nay.

Đề cập đến phương án gỡ khó, ông Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) – chia sẻ giải pháp nhà trường thực hiện từ năm 2001 đến nay, đó là: Các trường trên cơ sở xã hội hóa, tư huy động nguồn lực, tự thực hiện và Bộ GD&ĐT có thông tư hướng dẫn.

“Thực tế hoạt động của Văn phòng tham vấn học đường của trường Đinh Tiên Hoàng, chúng tôi muốn nêu lên một vấn đề: Cuộc sống có nhu cầu, nhà trường không năng động, mạnh dạn, sáng tạo giải quyết, không ai giải quyết thay. CTXH trường học cũng phải đi theo quy luật này” – ông Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ