Đó là những nội dung được các thầy cô nhiều kinh nghiệm lưu ý khi coi thi tốt nghiệp THPT.
Nghiêm túc nhưng không căng thẳng
“Khi đã nắm vững quy chế, công việc coi thi cũng như coi học sinh làm bài kiểm tra trên lớp, không áp lực căng thẳng. Quan điểm của tôi là nhẹ nhàng, tâm lý, động viên hướng dẫn học sinh để các em thực hiện đúng quy chế, làm bài thi thật tốt”, cô Lê Vân chia sẻ.
Hơn 25 năm trong nghề, kinh nghiệm 20 năm coi thi tốt nghiệp THPT, cô Lê Vân, Trường THPT Nam Đàn 1 (huyện Nam Đàn, Nghệ An) cho rằng, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, điều tiên quyết là cán bộ coi thi cần nắm vững, thực hiện đúng, không sáng tạo… quy chế thi. Tuyệt đối không chủ quan vì mỗi năm quy chế đều ít nhiều có điều chỉnh.
Đồng quan điểm, cô Đinh Thị Thu Hằng, Trường THPT Tân Sơn (huyện Tân Sơn, Phú Thọ) cũng nhấn mạnh yếu tố tiên quyết với cán bộ coi thi là nghiên cứu kỹ quy chế, hiểu và thông thuộc các bước trong quy trình; không tạo không khí căng thẳng, áp lực cho học sinh.
Việc ngăn ngừa các phương tiện có thể sử dụng gian lận quan trọng nhất là thời điểm gọi thí sinh vào phòng thi, phát giấy thi, giấy nháp. Cán bộ coi thi phải nhắc nhở về quy chế, quan sát thí sinh và làm đủ các bước theo quy định như: Ký xác nhận vào giấy thi, giấy nháp, nhắc vị trí ngồi đúng quy định, tránh làm ảnh hưởng đến thời gian học sinh làm bài.
Khi phát đề, cán bộ coi thi cần làm đúng hướng dẫn và nhắc thí sinh kiểm tra mã đề, các trang, quan sát đề có bị mờ, nhòe để báo kịp thời. Trong thời gian làm bài, thầy cô ngồi đúng vị trí, quan sát thí sinh. Hết giờ tiến hành thu bài đúng quy định, tránh sót các bước như kiểm tra số tờ, mã đề, ký nộp bài.
Sau khi kiểm tra kỹ số lượng bài thi, số tờ, chữ ký…, nhắc học sinh thời gian tham gia buổi thi tiếp theo (nếu có) mới cho học sinh ra khỏi phòng thi. “Giáo viên tham gia coi thi không được chủ quan làm theo kinh nghiệm”, cô Đinh Thị Thu Hằng cho hay.
Năm 2023 là lần thứ 9 thầy Hoàng Văn Nhu, Trường THPT Quan Sơn (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) làm cán bộ coi thi tốt nghiệp THPT. Cùng với nắm vững quy chế, tham gia tập huấn và ký cam kết thực hiện đúng quy chế thi, thầy Nhu lưu ý những chuẩn bị đặc thù với khu vực vùng núi.
Theo đó, khi đi coi thi, giáo viên cần chuẩn bị cả đồ che mưa che nắng (mang theo áo khoác chống nắng, áo mưa, ô…) để chủ động ứng phó với thời tiết. Khi đang thi, có dấu hiệu giông gió, cán bộ coi thi ổn định tâm lý, nhắc nhở thí sinh đóng cửa sổ tránh mưa tạt làm ướt bài thi. Cán bộ coi thi cũng cần hạn chế sử dụng đồ uống lạnh để đảm bảo sức khỏe; tránh ăn món ăn lạ ở các địa phương khác… để tránh bị dị ứng.
“Những lưu ý trên từ thực tế trải nghiệm của bản thân và có năm tôi trông thi ở đơn vị cách xa nhà cả trăm km. Hiện nay, việc đi lại của cán bộ thực hiện nhiệm cụ coi thi được nhà trường hết sức quan tâm, lo xe và chỗ nghỉ… nên thuận lợi hơn nhiều”, thầy Hoàng Văn Nhu chia sẻ.
Với nghiệp vụ coi thi, như các đồng nghiệp, thầy Hoàng Văn Nhu cũng nhấn mạnh cần thực hiện tốt quy chế thi, thực hiện đúng công việc khi bắt thăm và ngồi đúng vị trí được phân công. Bên cạnh đó, cán bộ coi thi cần cởi mở, thân thiện, tạo tâm lý tốt cho học sinh phát huy hết thế mạnh của mình khi làm bài để đạt kết quả tốt nhất.
Cán bộ coi thi nhắc nhở thí sinh trong ngày làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT 2021.Ảnh: Nguyễn Nhung |
Cảnh báo gian lận công nghệ cao
Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm nay quy định học sinh không còn được mang các thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ, ngày càng nhiều thiết bị tinh vi, khó phát hiện được sử dụng với mục đích gian lận thi cử. Đây cũng là vấn đề hầu hết các cán bộ coi thi lo lắng khi thực hiện nhiệm vụ.
Trước thực tế này, theo thầy Ngô Đức Sơn, Trường THPT Công nghiệp (Hòa Bình), ngay từ buổi làm thủ tục dự thi, cán bộ coi thi cần tuyên truyền, nhắc nhở, thậm chí răn đe để thí sinh nhận thức rõ các hành vi bị cấm và hình thức xử lý kỷ luật nếu vi phạm quy chế; đặc biệt nhấn mạnh việc để lọt, lộ đề, sao chụp đề thi trong thời gian làm bài là vi phạm pháp luật hình sự về bảo vệ bí mật Nhà nước.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ coi thi không được chủ quan, lơ là, quan sát kỹ toàn bộ bề mặt của các vật dụng để xác định dấu hiệu bất thường; đồng thời, quan sát biểu hiện tâm lý không bình thường của thí sinh. Vì áp lực tâm lý, thí sinh sử dụng thiết bị gian lận sẽ luôn thụ động... từ đó phát sinh biểu hiện khác thường như lo lắng, hồi hộp, mất tự nhiên.
Với kinh nghiệm nhiều năm coi thi, thầy Nhu cho rằng, cán bộ coi thi cần thường xuyên tìm hiểu về các loại phương tiện gian lận thi cử qua nhiều kênh để biết và từ đó phát hiện trong quá trình làm nhiệm vụ. Thực hiện nghiêm túc quy chế thi, quy định về khoảng cách phòng để đồ thí sinh, những vật dụng thí sinh được và không được mang vào phòng thi.
Chính vì các thiết bị ngày càng tinh vi, có thể cán bộ coi thi không thể phát hiện khi thí sinh mang theo, vì thế cần nêu cao tinh thần cảnh giác khi trông thi, quan sát thái độ, hành vi thí sinh để phát hiện gian lận (lẩm bẩm đọc, đọc to phát ra tiếng khi đã phát đề thi, không tập trung làm bài, lén lút quan sát, mắt hay đảo, liếc nhìn cán bộ coi thi...).
Cùng quan điểm, cô Đinh Thị Thu Hằng cũng lưu ý, để phát hiện học sinh gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao, điều quan trọng là quan sát những biểu hiện bất thường như quần áo mặc không gọn gàng, mắt hay để ý vào đồng hồ, máy tính, kính đeo... Tương tự, cô Lê Vân cũng cho biết thường quan sát thái độ của học sinh, sắc mặt, cử chỉ... là có thể biết có ý đồ hoặc đang thực hiện hành vi gian lận…
Cán bộ coi thi cần thực hiện nguyên tắc “4 đúng”, “3 không” như lưu ý của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng. Theo đó, “4 đúng” gồm: Đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng và đủ quy trình; đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm (kịp thời xử lí tình huống, sự cố bất thường). “3 không” gồm: Không lơ là, chủ quan; không tự ý xử lý tình huống, sự cố bất thường; không căng cứng, áp lực thái quá”. - Thầy Ngô Đức Sơn - Trường THPT Công nghiệp (Hòa Bình)