Đánh giá kĩ năng đọc của HS đầu cấp tiểu học: Cần bộ công cụ chuẩn

Đánh giá kĩ năng đọc của HS đầu cấp tiểu học: Cần bộ công cụ chuẩn

(GD&TĐ) - Các kết quả nghiên cứu gần đây ở nhiều quốc gia trên thế giới đã chỉ ra rằng, nhiều trẻ em sau 6 năm ngồi trên ghế nhà trường vẫn không có khả năng đọc và hiểu những văn bản đơn giản nhất. Thường những em không biết đọc, biết viết trong vài năm đầu đi học sẽ có xu hướng phải ngồi lại lớp và dễ dàng bỏ học sau đó. 

Chưa có công cụ đánh giá có hệ thống các kĩ năng đọc của HS

Chưa có công cụ đánh giá có hệ thống các kỹ năng đọc của HS, GV khó phát hiện những vấn đề HS gặp phải trong quá trình học đọc.
Chưa có công cụ đánh giá có hệ thống các kỹ năng đọc của HS, GV khó phát hiện những vấn đề HS gặp phải trong quá trình học đọc. 
 

Những đánh giá quốc tế gần đây cho thấy một đứa trẻ có trình độ trung bình ở các nước kém phát triển có điểm số môn Toán và ngôn ngữ chỉ bằng 1/3 điểm số của một đứa trẻ có trình độ trung bình ở các nước phát triển.

Cho đến nay, phần lớn các bài đánh giá quốc gia hay quốc tế thường là những bài kiểm tra viết, được áp dụng cho trẻ từ lớp 4 trở lên, với giả định là các em đã biết đọc, biết viết. Kết quả của những bài đánh giá này thường chỉ ra được là các em còn kém, nhưng không chỉ ra được kết quả kém là do các em không biết nội dung học thuật, hay không hiểu văn bản được đọc.

Thực hiện kế hoạch của Bộ GD&ĐT và Ngân hàng thế giới, trong tháng 5/2013, Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục nhà trường (SEQAP) đã tổ chức đợt khảo sát đánh giá kĩ năng đọc (EGRA) cho 600 HS lớp 1 và 600 HS lớp 3 được lựa chọn từ 40 trường tiểu học thuộc 4 tỉnh tham gia dự án SEQAP tại Điện Biên, Nghệ An, Gia Lai, Vĩnh Long.

Tham gia nhóm tác giả biên soạn và tập huấn EGRA có nhiều nhà khoa học ngôn ngữ, khoa học giáo dục, chuyên gia tư vấn.

Tại Việt Nam, ở các lớp đầu cấp Tiểu học, ngoài những hoạt động đọc trơn và đọc hiểu theo chương trình chung, hiện chưa có công cụ đánh giá có hệ thống các kĩ năng đọc của HS, vì thế GV khó phát hiện được những vấn đề HS gặp phải trong quá trình học đọc, khó có thể đưa ra những can thiệp kịp thời... 

Kết quả đánh giá quốc gia mới nhất về kĩ năng tính toán và tiếng Việt (bài kiểm tra viết) của HS lớp 5 cho thấy bên cạnh những tiến bộ đáng khích lệ vẫn còn những điều cần quan tâm, đó là vẫn còn nhiều HS có trình độ đọc hiểu thấp hơn mức trung bình và có sự khác biệt lớn giữa các vùng miền - Đó là đánh giá của nhóm chuyên gia tư vấn qua kết quả khảo sát đánh giá kĩ năng đọc của HS ở đầu cấp Tiểu học mới được công bố cuối tháng 10/2013.

So với kết quả đánh giá, kỹ năng của HS lớp 1 và lớp 3 (EGRA) của các nước khác trên thế giới, thực trạng tại Việt Nam cho thấy HS Việt Nam có tỉ lệ phải dừng sớm (đồng nghĩa với việc chưa có kĩ năng) rất thấp.

So sánh kết quả đọc của HS lớp 1 và HS lớp 3 cho thấy HS nhìn chung có tiến bộ đều về tất cả các kỹ năng đọc (trừ kĩ năng xác định âm đầu của tiếng), nhưng mức độ tiến bộ ít nhiều không đều ở các kỹ năng khác nhau. Hai kĩ năng tỏ ra khó đối với HS là kĩ năng kiến thức về chữ cái và đọc tiếng tự tạo, chứng tỏ HS còn chưa thành thạo các nguyên tắc ghi âm và kĩ năng giải mã tiếng/từ.

Theo nhóm chuyên gia tư vấn EGRA, điều ngạc nhiên và vui mừng là kết quả đọc từ quen thuộc và đọc thành tiếng đoạn văn của HS cao hơn so với chuẩn kĩ năng của Bộ GD&ĐT đề ra. Tuy nhiên, kết quả các phần đọc hiểu, nghe hiểu, chính tả vẫn còn tương đối thấp, đặc biệt thấp đối với HS lớp 1.

Điều kiện kinh tế gia đình ảnh hưởng đến kĩ năng đọc của HS lớp 1

Phương pháp giảng dạy và đánh giá kĩ năng đọc có tác động đến kết quả đọc
Phương pháp giảng dạy và đánh giá kĩ năng đọc có tác động đến kết quả đọc
 

Nếu xét kết quả đọc trong mối quan hệ về giới tính của HS, thì giới tính và kết quả đọc có mối quan hệ không đơn giản và một chiều. 

Trong khi ở lớp 1, phần xác định âm đầu của tiếng HS nam có kết quả cao hơn HS nữ; ở phần đọc tiếng tự tạo HS nữ có kết quả hơn HS nam. Trong khi đó, ở lớp 3, sự khác biệt giới đã được thể hiện ở kiến thức về âm chữ cái; kiến thức về tên chữ cái, đọc tiếng quen thuộc và đọc tiếng tự tạo với xu hướng HS nữ có kết quả cao hơn HS nam.

Còn xét về kết quả đọc theo điều kiện kinh tế gia đình, thì HS lớp 1 ở các gia đình khá giả có xu hướng đạt kết quả cao hơn HS ở các gia đình khó khăn. Song, ở lớp 3, sự khác biệt đó đã không còn, thậm chí ở một số kĩ năng HS ở gia đình khó khăn lại có kết quả cao hơn kết quả của HS ở các gia đình khá giả.

Nhóm khảo sát cũng cho thấy kết quả đọc có sự khác biệt theo nhóm dân tộc ở lớp 1, tuy nhiên sự khác biệt này không còn đáng kể ở cuối lớp 3.

Sự tiến bộ của HS có hoàn cảnh khó khăn và HS dân tộc thiểu số ở lớp 3, theo bà Vũ Thị Thanh Hương - Nghiên cứu viên cao cấp của Viện Ngôn ngữ học - đó là minh chứng cho hiệu quả của việc dạy học trong nhà trường và những cố gắng nỗ lực của bản thân các em cũng như của các thầy cô giáo và nhà trường.

Trẻ học trước lớp 1 với chuyện tập đọc

Chị Trang (Thái Thịnh, Hà Nội) cho con gái đi học trước chương trình lớp 1 từ đầu lớp mẫu giáo lớn (5 tuổi). Chị cho biết con chị được cô giáo dạy chữ cái, đánh vần và đến khi vào lớp 1 đã đọc được cả đoạn văn (theo mẫu cô in sẵn).

Tưởng rằng như vậy là có thể yên tâm khi bé vào lớp 1 học sẽ nhàn hơn, vì đã học trước chương trình, biết đọc. Nhưng đến tận năm lớp 3, những bài chính tả vẫn là nỗi e ngại của con chị Trang. “Cô giáo bắt viết, về nhà bố mẹ bắt viết, con thì cứ như cái máy, viết lại những gì cô và bố mẹ đọc, có khi viết cũng chẳng hiểu nội dung đang viết là gì”- Chị Trang chia sẻ.

Có lần cô giáo giao bài về nhà để gia đình đọc cho HS viết chính tả, luyện thi học kỳ, đang đọc bài cho con viết chính tả, chị ngừng lại hỏi con có hiểu đang viết về nội dung gì không, cô bé ngơ ngác nhìn mẹ, rồi bảo: “Chỉ cần viết đúng chính tả, cần gì phải hiểu viết gì hả mẹ, cô giáo con bảo cứ viết không có lỗi là không bị trừ điểm”. “Hóa ra, con mình vẫn đọc như con vẹt từ lớp 1 đến lớp 3, mà có khi không cần hiểu nội dung đọc và viết chính tả”- Chị Trang lắc đầu e ngại.

Tình cảnh còn đáng ngại hơn chuyện học đọc của con chị Trang, chị Tuyết (Bắc Ninh) thật sự ngỡ ngàng khi một cô bạn làm trong ngành GD hỏi chuyện và kiểm tra khả năng đọc của con gái đã học lớp 4 của chị. Đọc ngọng, không hiểu nghĩa từ được đọc, không hiểu nghĩa câu và lắc đầu lo lắng khi được hỏi về nghĩa của đoạn văn. “Ôi, con tôi học lớp 4 rồi, năm nào cũng được học sinh tiên tiến”- Chị Tuyết than thở - “Bố mẹ bận, không kèm cặp được con thường xuyên, nhưng cũng không thấy cô giáo phản ánh gì, con tôi đã đi học đọc trước khi vào lớp 1 đến nửa năm, còn từ lớp 1 đến lớp 4 đều đi học thêm đầy đủ”.

Học sinh đọc mà không hiểu, viết không hiểu nghĩa từ, nghĩa câu, nghĩa đoạn văn. Lỗi này không hiểu nên quy cho giáo viên hay phụ huynh, quy cho khách quan hay chủ quan?

Thu Ba

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ