Nguyên nhân để làm nên những thuận lợi đó là sự chuẩn bị và đầu tư từ rất sớm cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đứng lớp…
Chuẩn bị kỹ cho đội ngũ nhà giáo
Theo con số thống kê của ngành Giáo dục TP Cần Thơ, toàn thành phố hiện có 187 trường tiểu học. Trong đó có 179 trường công lập, 1 trường nuôi dạy trẻ khuyết tật học chuyên biệt, 4 trường tư thục và 3 trường phổ thông có nhiều cấp học; với 97.709 học sinh.
Để đáp ứng số lượng trường lớp này, thành phố có số cán bộ quản lý, giáo viên cấp tiểu học là 4.992 người. Trong đó cán bộ quản lý là 560 người, giáo viên 4.432 người. Về trình độ đạt chuẩn đào tạo có 4.420/4.432 (tỷ lệ 99,72%), trong đó trên chuẩn 4.002/4.432 (tỷ lệ 90,2%).
Theo đánh giá của ngành giáo dục thành phố, điều kiện thuận lợi để triển khai sâu rộng việc đánh giá hoc sinh tiểu học theo Thông tư 30 là đa số cán bộ quản lý, giáo viên có nhiều kinh nghiệm và nhiệt tình trong công tác, có tâm huyết với nghề, tỷ lệ đạt và vượt chuẩn đào tạo cao.
Công tác đổi mới phương pháp dạy, phương pháp học theo hướng lấy học sinh làm trung tâm được các trường đặc biệt quan tâm. Có 100% trường tiểu học trên địa bàn đều tổ chức hình thức dạy học theo nhóm, tạo điều kiện để mọi HS đều “được học” và “học được”.
Đa số giáo viên đều được tập huấn kỹ về đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tập trung vào từng đối tượng học sinh, bắt đầu mỗi tiết học bằng các hoạt động, HS tự giác, tích cực, chủ động tham gia học tập, biết trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm học tập lẫn nhau.
Cơ sở vật chất, trường, lớp, các trang thiết bị phục vụ giảng dạy từng bước được cải thiện, bước đầu đáp ứng nhu cầu dạy, học của giáo viên và học sinh. Đặc biệt, việc tổ chức triển khai Thông tư 30 ngay vào thời điểm học sinh tiểu học được nghỉ giữa kỳ 1.
Với những điều kiện thuận lợi đó, ngay từ khi Thông tư 30 được triển khai, ngành Giáo dục TP Cần Thơ tổ chức cử đoàn cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán, những người có kinh nghiệm, khả năng báo cáo lại tham dự lớp tập huấn nâng cao năng lực đánh giá học sinh tiểu học do Bộ GD&ĐT tổ chức vào tháng 9/2014.
Kế tiếp là tổ chức họp đoàn báo cáo viên thành phố xây dựng và triển khai kế hoạch tập huấn trên địa bàn theo hướng dẫn tập huấn nâng cao năng lực về đánh học sinh tiểu học theo Thông tư 30 với yêu cầu cụ thể:
Về đối tượng đảm bảo 100% cán bộ quản lý, giáo viên trực tiếp giảng dạy tại các trường tiểu học đều được tham gia tập huấn; mỗi lớp tập huấn không quá 60 học viên.
Phương pháp và hình thức tổ chức tập huấn theo hướng lấy học viên làm trung tâm: học viên nghiên cứu trước Thông tư, cùng trao đổi, tham gia, chia sẻ với các đồng nghiệp trong nhóm, báo cáo viên không giảng giải lý thuyết mà là người tổ chức các hoạt động, cùng tham gia với học viên.
Trên cơ sở các môn học, báo cáo viên sẽ cùng với học viên phân tích các tình huống đánh giá thường xuyên, xây dựng đánh giá bằng nhận xét.
Mỗi lớp học, Ban tổ chức chỉ đạo cho đơn vị trường đăng cai dạy 3 tiết (Toán, Tiếng Việt và 1 tiết bộ môn), tập trung trao đổi, chia sẻ nội dung đánh giá thường xuyên của giáo vien trong tiết học (bằng lời nhận xét trực tiếp đối với từng đối tượng, từng nhóm hoặc ghi nhận xét của giáo viên trên vở học sinh), việc làm này giúp cho học viên được thực hành nâng cao hơn năng lực đánh giá học sinh trong từng tiết dạy của mình ở cơ sở.
Sau mỗi lớp tập huấn, từng học viên thực hiện phiếu đánh giá tập huấn và viết cam kết thực hiện tốt Thông tư, giao cho từng trường quản lý phiếu này và xem đây là minh chứng cho việc triển khai quán triệt Thông tư đối với đội ngũ giáo viên…
Trưởng phòng, Phó trưởng phòng cùng chuyên viên Phòng GD Tiểu học căn cứ kế hoạch triển khai các quận, huyện lên lịch xuống hỗ trợ, giúp đỡ một số lớp của từng đơn vị.
Sau khi Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/10/2014, theo chỉ đạo của Sở, các trường đã lên kế hoạch tổ chức buổi họp cha mẹ HS từng lớp thông tin tóm tắt một số nội dung cơ bản của Thông tư, cách đánh giá, nhận xét thường xuyên, định kỳ đối với từng môn học, việc sử dụng kết quả đánh giá…
Photo nội dung thông tư gửi đến từng phụ huynh học snh để các đối tượng này hiểu và chia sẻ, phối hợp với nhà trường trong việc đánh giá con em mình.
Tất cả giáo viên các trường tiểu học trên địa bàn bước đầu thực hiện Thông tư 30 qua việc đánh giá thường xuyên các môn học trong chương trình bằng lời nhận xét trực tiếp đối với từng đối tượng học sinh, từng nhóm học tập hoặc bằng lời nhận xét trên vở học tập của các em (lời nhận xét động viên, khích lệ hoặc các biện pháp hỗ trợ kịp thời) nhằm mục đích vì sự tiến bộ của học sinh...
Sớm tháo gỡ vướng mắc
Bên cạnh những thuận lợi, TP Cần Thơ gặp không ít khó khăn trong việc triển khai đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30. Nguyên nhân là do địa bàn rộng, một số trường vùng nông thôn như huyện Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Thới Lai có nhiều điểm lẻ, điều kiện đi lại một số nơi thường gặp khó khăn nhất là vào mùa nước nổi.
Tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày còn thấp 42.382/97.709 (tỷ lệ 43,4%). Một số trường thuộc khu vực trung tâm các quận, huyện sĩ số học sinh khá đông (45 em/lớp), nên giáo viên còn gặp khó trong việc hỗ trợ đến từng đối tượng (thường là không đủ thời gian).
Cơ sở vật chất tuy từng bước có cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu dạy, học của giáo viên và học sinh. Đặc biệt là bàn, ghế một số điểm trường có kích thước chưa phù hợp với đối tượng học sinh tiểu học; các trang thiết bị, sách tham khảo phục vụ chưa đầy đủ…
Phụ huynh một số trường tiểu học trên địa bàn do còn chưa quen, chưa hiểu cách đánh giá bằng nhận xét nên thường còn than phiền với thầy cô giáo, với nhà trường về kết quả học tập của con em mình, còn tạo áp lực về điểm số cho học sinh sau mỗi buổi học (hứa cho quà hoặc có những lời lẽ răn đe nếu không có điểm cao khi học các môn học trong ngày…).
Các loại hồ sơ được quy định theo Thông tư 30 (Học bạ, Sổ theo dõi chất lượng) phần thể hiện chỗ ghi nhận xét đánh giá thường xuyên dành cho mỗi học sinh quá ít, không đủ để giáo viên ghi đầy đủ lời nhận xét theo gợi ý từ bộ công cụ do Bộ GD&ĐT giới thiệu.
Qua đó Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cũng đề xuất, kiến nghị với Bộ GD&ĐT: Nên có thống nhất trong chỉ đạo việc đánh giá, nhận xét thường xuyên của giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn trong sổ theo dõi chất lượng giáo dục, để đảm bảo việc quan tâm đến tất cả học sinh.
Theo Công văn 6169/BGDĐT-GDTH ngày 29/10/2014 của Bộ GD&ĐT thì không bắt buộc phải ghi nhận xét tất cả học sinh hằng tháng trong sổ theo dõi chất lượng thì có thể hiểu là: ghi một, hai, ba,…em/tháng cũng được, như vậy sẽ không có đủ minh chứng nếu GV không làm gì cả.
Điều này không đúng với thực tế vì mỗi học sinh có thế mạnh và những hạn chế khác nhau, do đó nếu không ghi là trái với tinh thần Thông tư 30.
Cần tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền cách đánh giá học sinh theo Thông tư trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là việc thực hiện các chương trình mang tính chất chia sẻ, hỏi, đáp...