Zenfone C có giá công bố chính hãng là 2,39 triệu đồng nhưng một số cửa hàng như Hoàng Hà Mobile đang bán thấp hơn chút, chỉ có 2,15 triệu đồng.
Mức giá này rẻ hơn so với mức giá hiện tại của phiên bản Zenfone 4 A450 màn hình 4.5 inch (2,49 triệu đồng) và đắt hơn phiên bản Zenfone 4 A400 màn hình 4 inch (1,79 triệu đồng).
Với tầm giá đứng giữa hai phiên bản Zenfone 4 năm ngoái trong khi lại kế thừa hầu hết thông số của phiên bản Zenfone 4 màn hình 4.5 inch, có thể thấy Asus đã dùng Zenfone C làm sản phẩm thay thế cho cả hai phiên bản Zenfone 4 trước đây và từ bỏ kích cỡ màn hình 4 inch ở phân khúc giá rẻ.
Mặc dù Zenfone C không còn gây bất ngờ như Zenfone 4 năm ngoái nhưng cấu hình của điện thoại này vẫn còn hấp dẫn khi so với các sản phẩm cùng tầm giá hiện nay.
Thiết kế
Asus rõ ràng không phải đầu tư nhiều công sức cho Zenfone C bởi sản phẩm này kế thừa hầu hết linh kiện phần cứng cũng như thiết kế của phiên bản Zenfone 4 màn hình 4.5 inch.
Trong thực tế, hãng này chỉ điều chỉnh hai chi tiết là camera sau bị rút gọn xuống 5MP so với 8MP trên phiên bản Zenfone 4 màn hình 4.5 inch và viên pin lại được tăng dung lượng lên 2100 mAh (so với 1.750 mAh) đồng thời có thể tháo rời, chứ không phải là pin liền như trên phiên bản Zenfone A450.
Dung lượng pin tăng khiến cho trọng lượng của máy nặng hơn chút ít, tạo cảm giác đầm tay hơn. Tuy vậy, máy lại mỏng hơn Zenfone A450, có thể là thiết kế cơ khí của máy đã được nhà sản xuất tối ưu tốt hơn.
Nhìn chung, không có điểm gì đáng phàn nàn nhiều về thiết kế của Zenfone C. Máy có kích cỡ nhỏ nên cầm vừa tay, đặc biệt phía mặt sau hơi vát và các góc được bo tròn giúp máy cầm ôm tay và không bị cấn tay.
Các phím vật lý (nguồn, âm lượng) có độ nảy tốt và được ghép với vỏ máy khá khít, không có cảm giác lỏng lẻo. Vỏ mặt sau có bề mặt nhựa cao su, bám tay, ít lưu dấu vân tay nhưng chất liệu trông không được sang.
Các phím điều hướng (Back, Home và đa nhiệm) không có đèn nền nên có thể hơi khó bấm khi dùng trong môi trường tối dù các phím này đã được in phản quang.
Các phím điều hướng không có đèn nền
Máy có củ sạc, cáp USB, sách hướng dẫn và vẫn thiếu tai nghe
Màn hình
Màn hình của Zenfone C có kích thước (4.5 inch) và độ phân giải (854 x 480 pixel, 218 PPI) tương đương A450 nhưng sử dụng tấm nền TFT LCD (chính xác hơn là tấm nền TN TFT LCD) chứ không phải là IPS LCD như trên phiên bản Zenfone 4 A450.
Độ phân giải của máy hơi thấp nhưng là mức phổ biến của các smartphone tầm giá 2 triệu đồng, có thể nói là tạm đủ để đọc báo mạng và sử dụng các ứng dụng trên điện thoại.
Các màu sắc trên màn hình của Zenfone C thể hiện tương đối tươi, nhiệt màu cân bằng, không bị ngả xanh nhiều và độ sáng tối đa của màn hình ở mức trung bình nên khó nhìn khi dùng ngoài trời.
Asus cũng đưa vào máy ứng dụng Splendid cho phép người dùng tự điều chỉnh nhiệt màu, độ bão hòa và sắc thái cho màn hình. Những người thích màu sắc nịnh mắt kiểu như màn hình AMOLED có thể chọn "chế độ sinh động".
Máy có ứng dụng Splendid để điều chỉnh nhiệt màu, sắc màu và độ bão hòa
Tuy vậy, điểm yếu về góc nhìn từ Zenfone 4 vẫn tiếp tục xuất hiện trên Zenfone C. Góc nhìn hẹp nhất là khi nhìn từ phía trên xuống (cầm máy theo chiều dọc), chỉ cần góc nhìn lệch nhẹ theo chiều này sẽ thấy màu sắc và độ tương phản bị biến đổi.
Ở các góc nhìn khác thì màu sắc và độ tương phản cũng bị thay đổi khá nhiều. Điểm yếu này sẽ là hạn chế lớn và rõ rệt nhất với những hoạt động cần nghiêng màn hình như chơi các game đua xe.
Màn hình của Zenfone C có góc nhìn khá hẹp, đặc biệt là góc từ trên xuống khi cầm máy theo chiều dọc.
Khi đo trên thiết bị chuyên dụng , màn hình của Zenfone C có độ sáng tối đa nhỉnh hơn Zenfone 4 A450 (màn 4.5 inch) nhưng vẫn chưa phải là cao và các tiêu chí quan trọng khác như độ đen, độ tương phản và độ chính xác màu đều kém hơn.
Nhìn chung, màn hình của Zenfone C có cùng kích cỡ và độ phân giải nhưng chất lượng thấp hơn phiên bản Zenfone 4 A450 sử dụng tấm nền IPS LCD. Tuy vậy, các kết quả đo màn hình của điện thoại này vẫn nhỉnh hơn phiên bản Zenfone 4 A400 (màn 4 inch).
Bảng kết quả đo màn hình của Zenfone C và một số máy cùng tầm giá.
Khả năng thể hiện các màu cơ bản: phía trên là màu máy thể hiện và phía dưới là tiêu chuẩn.
Khả năng thể hiện thang màu xám: phía trên là màu máy thể hiện và phía dưới là tiêu chuẩn.
Camera
Bên cạnh chất lượng màn hình, camera chính trên Zenfone C cũng bị hạ độ phân giải xuống 5MP so với 8MP trên Zenfone 4 A450 để phù hợp với mức giá.
Tuy vậy, máy vẫn có đèn flash trợ sáng và tính năng chụp thiếu sáng được Asus gọi là PixelMaster, 2 thứ không có trên phiên bản Zenfone 4 A400. Camera của Zenfone C cũng có đầy đủ các tính năng đặc trưng trên điện thoại của Asus, từ chụp xóa phông, tua lại giờ, ảnh động đến thiếu sáng.
Máy có tốc độ chụp khá nhanh và khả năng lấy nét tự động, tính năng mà nhiều máy ở cùng tầm giá không có (thường là chỉ hỗ trợ lấy nét cố định).
Về chất lượng, ảnh chụp của Zenfone C có độ nét khá, khả năng bắt ánh sáng vừa phải. Chiếc điện thoại mà chúng tôi sử dụng bị lỗi camera ám tím khá rõ rệt nhất, có thể thấy ở các ảnh chụp bên dưới.
Hiện tượng này thể hiện rõ với ảnh ở chế độ HDR, hoặc khung cảnh có màu tím nhạt thì chụp ra ảnh màu tím đậm hơn thấy rõ. Không rõ đây có phải là điểm yếu chung của các máy Zenfone C hay chỉ xuất hiện trên một số ít máy, trong đó có bản chúng tôi dùng để trải nghiệm.
Chụp tự động bình thường
Chụp ở chế độ HDR bị ám tím khá rõ
Ảnh chụp ở chế độ tự động
Ảnh chụp ở chế độ HDR bị ám tím rõ rệt
Ảnh chụp xóa phông ở chế độ "độ sâu trường ảnh".
Tương tự các máy Zenfone 4 A450, Zenfone 5 và 6, Zenfone C cũng có chế độ chụp thiếu ánh sáng đặc trưng của Asus được gọi là PixelMaster.
Ở chế độ này, máy sẽ tự động tăng thời gian phơi sáng, cùng lúc sử dụng thuật toán kết hợp nhiều điểm ảnh lại thành một điểm để cho ảnh sáng hơn.
Do thuật toán trên nên các ảnh chụp ở chế độ thiếu sáng chỉ có độ phân giải 1 megapixel. Chế độ này phát huy rõ rệt nhất khi chụp ở môi trường tối.
Chụp thiếu sáng ở chế độ tự động (ảnh độ phân giải 5MP)
Chụp ở chế độ thiếu ánh sáng (ảnh độ phân giải 1MP)
Chế độ chụp tự động bình thường (ISO 1600, phơi sáng 1/11 giây, ảnh 5MP)
Chế độ chụp Ban đêm (ISO 1600, phơi sáng 1/4 giây, ảnh 5MP)
Chế độ chụp ảnh "Thiếu ánh sáng" PixelMaster (ISO 1600, phơi sáng 1/4 giây, ảnh 1MP)
Zenfone C hỗ trợ quay phim Full-HD, màu sắc và độ chi tiết thể hiện khá nhưng tốc độ khung hình thấp, chỉ có 12 fps.
Phần mềm và hiệu năng
Zenfone C được cài sẵn phiên bản Android 4.4.2 KitKat cùng với giao diện Asus ZenUI đặc trưng giống như chiếc Zenfone 4 A450 cũ. Các tính năng phần mềm trên máy không khác gì so với chiếc Zenfone 4 A450 và Zenfone 5 chúng tôi đã có bài đánh giá, mời bạn đọc tham khảo trong bài Đánh giá chi tiết Asus Zenfone 5 .
Máy được tích hợp sẵn nhiều ứng dụng của Asus và tất nhiên cả bộ ứng dụng của Google.
Về hiệu năng, Zenfone C cũng có cấu hình tương tự với hai phiên bản Zenfone 4: bộ vi xử lý Intel Atom Z2520 lõi kép tốc độ 1.2 GHz, chip đồ họa PowerVR SGX544MP2 và RAM 1GB.
Cấu hình này đủ đảm bảo cho máy xử lý ổn các tác vụ cơ bản. Điện thoại này cũng có thể chơi tương đối mượt những game có đồ họa chi tiết như Dead Trigger 2 và Asphalt 8 nếu chạy ở chế độ đồ họa thấp, nhưng nếu chơi ở chế độ đồ họa trung bình thì sẽ thấy khung hình bị giật rõ rệt, nhất là khi có hiệu ứng tóe lửa lúc bắn trong game Dead Trigger 2.
Asus Zenfone C có bộ nhớ trong 8GB, trong đó còn 4GB trống dành cho người dùng cài ứng dụng và lưu dữ liệu (ảnh, nhạc, phim...). Trong thời gian thử nghiệm ở Hà Nội trên mạng VinaPhone và Viettel, máy bắt sóng ổn định và có chất lượng đàm thoại rõ ràng. Loa ngoài của máy có âm lượng trung bình nhưng lớn hơn Zenfone 5 một chút (loa ngoài của Zenfone 5 bị nhiều người chê là hơi nhỏ).
Thời gian pin
Zenfone C có pin lớn hơn và là pin rời có thể thay thế dễ dàng
Pin của Zenfone C được cải thiện lên 2100 mAh, cao hơn khá nhiều so với Zenfone 4 A450 (150 mAh). Kết quả đánh giá cho thấy Zenfone C đã có những cải thiện đáng kể so với Zenfone 4 cũ. Máy có thời lượng khá tốt với các hoạt động gọi điện (hơn 14 giờ) và lướt web (hơn 5 giờ).
Trong thử nghiệm sử dụng lướt web, chơi game (Subway Surfers) và xem phim trên YouTube qua mạng Wi-Fi liên tục với mỗi hoạt động 30 phút và lặp lại, trong điều kiện độ sáng và âm lượng đặt ở mức 70%, máy chạy được 3 giờ 35 phút thì hết pin.
Đây là kết quả ở mức trung bình khá, đủ dùng trong ngày với những người sử dụng ở cường độ vừa phải. Trong 3 hoạt động trên, Zenfone C hao pin nhanh nhất với hoạt động chơi game, khoảng 33% pin sau 1 giờ chơi. Mời bạn đọc xem chi tiết đánh giá về pin của Zenfone C trong bài viết " Pin của Asus Zenfone C cải thiện như thế nào? ".
Kết luận
Chiếc Zenfone 4 của Asus đã được sự gây chú ý vào năm ngoái nhờ cấu hình nổi bật ở phân khúc giá rẻ. Thế hệ Zenfone C tiếp tục kế thừa được những ưu điểm của dòng Zenfone 4 như hiệu năng tốt so với tầm giá, camera chụp ảnh nhanh và nhiều tính năng, phiên bản Android tương đối cập nhật và có nhiều ứng dụng riêng của nhà sản xuất. Điện thoại này cũng đã khắc phục một nhược điểm ở Zenfone 4 là pin yếu trong khi giá không đắt hơn nhiều.
Tất nhiên, Zenfone C vẫn mang một số nhược điểm hay xuất hiện trên các smartphone giá rẻ như thiết kế kém trau chuốt, màn hình góc nhìn hẹp và cả lỗi camera ám tím.
Nhưng xét trên tổng thể ở tầm giá khoảng 2 triệu đồng thì đây là một điện thoại khá "toàn diện" khi các khía cạnh quan trọng đều ở mức trung bình khá.