Đánh đổi để phát triển, có nên?

GD&TĐ - Phát triển du lịch, đương nhiên kinh tế sẽ khởi sắc. Nhưng đổi lại, môi trường bị tàn phá, tài nguyên sinh vật bị suy giảm, rác thải tăng lên... có nên đánh đổi để phát triển?

Một góc bãi tắm Ninh Chữ đang ứ đọng rác thải . Ảnh: ITN
Một góc bãi tắm Ninh Chữ đang ứ đọng rác thải . Ảnh: ITN

Thu phí để bảo tồn

Mới đây, tại Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa 12 (nhiệm kỳ 2016 -2021, diễn ra từ ngày 8/7 - 10/7), ông Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) trình bày trước HĐND tỉnh Quảng Ngãi về việc đề nghị ban hành nghị quyết quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tham quan trên địa bàn đảo tiền tiêu Lý Sơn.

Theo đó, ông Nguyễn Quốc Việt đề nghị thu phí tham quan các danh thắng, di tích, bảo tàng trên đảo Lý Sơn: Tại đảo Lớn (2 xã: Xã An Hải và An Vĩnh) là 100.000đồng/người/lượt; phí tham quan tại đảo Bé (xã An Bình) là 50.000 đồng/người/lượt, áp dụng cho cả người Việt Nam và nước ngoài. Việc thu phí nói trên là để nhằm huy động đóng góp của cộng đồng tham quan đến đảo Lý Sơn để bảo tồn, gìn giữ, tôn tạo các danh thắng, di tích, cải tạo hạ tầng, phát triển dịch vụ và phục vụ khách và người dân đảo Lý Sơn.

Trước đó, lãnh đạo TP Hội An cũng công bố Cù Lao Chàm đã quá tải, không cần thêm khách du lịch. Theo báo cáo của Trung tâm Văn hóa thông tin thành phố Hội An, trong quý I/2019, gần 54.000 lượt khách đã mua vé tham quan Cù Lao Chàm, tăng hơn 169% so với cùng kỳ. Năm 2018, Cù Lao Chàm đón khoảng 420.000 khách.

Dự kiến năm nay lượng khách sẽ tương đương năm ngoái. Như vậy, với khoảng 2.400 người dân trên đảo Cù Lao Chàm, mỗi năm một người dân đón trung bình khoảng 175 khách du lịch. Khách du lịch gia tăng đã tạo áp lực gay gắt lên các tài nguyên và môi trường của Cù Lao Chàm, nhất là nguồn nước ngọt. Hiện toàn bộ dân cư đảo Cù Lao Chàm phụ thuộc vào bể nước 80.000 m3 đặt tại Bãi Bìm. Nguy cơ thiếu nước luôn thường trực trong những tháng mùa hè nắng nóng.

Nhằm hạn chế khách ra Cù Lao Chàm, năm 2015 TP Hội An đã ban hành một số quy định như “Cấm quay đầu” đối với các doanh nghiệp vận chuyển khách tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm, khống chế lượng khách ra đảo mỗi ngày 3.000 người. Đồng thời tăng phí tham quan đảo từ 30.000 đồng lên 70.000 đồng. Tuy nhiên, áp lực từ du lịch lên đảo không vì thế mà giảm đi.

Lý Sơn ngập trong rác/ Ảnh Internet
 Lý Sơn ngập trong rác/ Ảnh Internet

Sự kinh hoàng của rác

Rác thải có thể coi là vấn nạn đầu tiên với những điểm thu hút khách du lịch. Không riêng ở Việt Nam, tại Nepal, nơi hằng năm đón cả ngàn nhà thám hiểm đến để leo lên đỉnh Everest hoặc đơn giản hơn là leo bộ qua các rặng núi của dãy Himalaya, rác thải là một vấn đề lớn. Rác khắp nơi ở chốn hoang vu như Hymalaya chính là bức tranh sống động về hệ lụy khi phát triển du lịch ồ ạt. Các điểm du lịch ở Việt Nam, không khó để nhận ra nơi nào càng phát triển, càng mất đi vẻ hoang sơ, càng có nhiều rác, nhiều nhà tầng, nhiều dịch vụ… mọc lên. Rác thải là bài toán khó giải.

Vịnh Hạ Long là điểm du lịch hấp dẫn đối với khách nước ngoài khi đến Việt Nam. Tuy nhiên, nghiên cứu của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế IUCN cho thấy, mặc dù thiết bị lọc/tách dầu đã được lắp đặt trên các tàu du lịch, tuy nhiên máy chỉ được sử dụng khi có sự thanh kiểm tra của Sở GTVT. Năng lực xử lý rác thải hiện tại chỉ đủ đáp ứng 40% tổng số chất thải tại TP.Hạ Long. Do thiếu các biện pháp thu gom và xử lý nước thải, nên các loại nước thải từ các tàu du lịch được thải trực tiếp ra vịnh.

Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Đảo cũng đang chịu áp lực về rác thải. Theo ông Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trung bình mỗi ngày có hơn 2.000 lượt khách thăm Côn Đảo. Trong khi đó, hạ tầng lại chưa kịp phát triển tương xứng. Con số được tỉnh đưa ra, hiện Côn Đảo đang tồn khoảng 72.000 tấn rác thải chưa được xử lý. Mỗi ngày trên đảo phát sinh thêm khoảng 20 tấn rác thải, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân cũng như môi trường du lịch.

Ở đảo Bình Ba (Cam Ranh, Khánh Hòa) cũng từng nhiễm rác nặng do rác từ các cơ sở nuôi tôm hùm, kinh doanh du lịch, nhà hàng và khu dân cư. Ở Nha Trang (Khánh Hòa), nước thải từ cống tràn ra hệ thống cửa xả ven biển đường khu danh thắng Hòn Chồng. Người dân cho biết, cách cả trăm mét vẫn ngửi thấy mùi hôi thối. Biển Bình Thuận cũng có những điểm ngập rác thải nhựa, ruồi muỗi và côn trùng.

PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng: Việc sử dụng nước ở các khách sạn là vấn đề nan giải, gánh nặng cho môi trường. Tình trạng sử dụng nước, điện bừa bãi làm tài nguyên này bị khai thác quá mức, ảnh hưởng đến hệ sinh thái một cách nghiêm trọng. Không thể phủ nhận thực tế là càng ở nơi du lịch phát triển thì càng nhiều rác. Rác thải bủa vây, gánh nặng môi trường ngày càng lớn, gia tăng cùng với lượng khách du lịch tăng lên mỗi năm.

Đã đến lúc không thể để tình trạng cứ ở đâu có biển là xây khách sạn, đâu có đảo là xây khu nghỉ dưỡng. Việc thu phí vào các điểm tham quan, du lịch là cần thiết, nhưng phải có chiến lược phát triển du lịch bền vững, lâu dài. Tránh tình trạng thu được 1 đồng từ du lịch thì con cháu sau này mất đến 10 đồng để phục hồi hệ sinh thái đã bị phá hoại. Nên chăng phải hạn chế khách du lịch, phát triển du lịch có điều kiện kèm theo, thay vì thả nổi như hiện nay?

Hệ sinh thái có ngưỡng chịu đựng nhất định

GS.TS Đặng Huy Huỳnh, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trao đổi, thực trạng phát triển du lịch mà bỏ quên bảo vệ môi trường sinh thái, đang diễn ra phổ biến. Vì muốn phát triển, muốn tăng nguồn thu, mà nhiều nơi phát triển ồ ạt. Cứ ở đâu có biển là xây dựng. Ở đâu xây khách sạn được là xây. Bởi Đà Lạt là TP cao nguyên lẽ ra không bao giờ ngập, còn Phú Quốc ở sát biển nên nước phải thoát nhanh nhưng lại ngập nặng là điều không logic khi xét đến yếu tố địa hình.

Hai thành phố du lịch bị ngập do phát triển đô thị quá tham lam, bê tông hóa bề mặt để tăng diện tích thương mại. Chừng đó chưa đủ, họ còn lấp kênh rạch, sông hồ để kinh doanh mà bỏ qua không gian dành cho nước... 

Nếu cứ phát triển du lịch ồ ạt, tự phát thì 5, 10 năm sau nhìn lại, sẽ thấy hậu quả khủng khiếp như thế nào. Do đó, cần có tầm nhìn và quản lý, cân nhắc cẩn thận để vừa phát triển, vừa bảo vệ môi trường chứ không đánh đổi môi trường lấy du lịch. Việc không quy hoạch cẩn trọng, không quản lý tốt, đem lại hậu quả khó lường hết. 

Phát triển du lịch có khả năng làm thay đổi nền văn hóa, do đó làm mất đi ý nghĩa và xói mòn các giá trị văn hóa. Mất mát hoặc gây tổn hại đối với các di tích lịch sử mà không thể sửa chữa và thay thế được.

Đến Sa Pa, Hà Giang, Yên Bái… đặc biệt là những nơi có đông khách du lịch, mới thấy được văn hóa đã bị lai căng đi rất nhiều. Chụp một tấm ảnh cũng vòi tiền. Tiếng Việt chưa sõi nhưng tiếng Anh bồi thì liến thoắng. Bản sắc văn hóa bị biến tướng, thậm chí có nơi bị thương mại hóa quá mức. Việc bảo tồn văn hóa khi phát triển du lịch là vấn đề phải được thực hiện nghiêm túc. Bắt đầu từ chính những người làm công tác văn hóa, du lịch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.