Đánh chết kẻ trộm chó: Phải xử lý để làm gương

GD&TĐ - Liên quan đến vụ đối tượng trộm chó bị người dân vây đánh tử vong, cơ quan Công an huyện Phú Xuyên (Hà Nội) đã tạm giữ hai nghi phạm là Nguyễn Văn Thức và Hoàng Văn Tài (cùng trú tại xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên) để điều tra, làm rõ. Nạn nhân tử vong là Nguyễn Ngọc Ban (SN 1989, trú tại xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) - nghi can bắt trộm 5 con chó dẫn đến sự việc đau lòng trưa 12/10.  

Ảnh minh họa từ internet
Ảnh minh họa từ internet

Sự việc xảy ra, bà con trong và ngoài xã Hồng Thái vẫn chưa hết xôn xao bàn tán. Hầu hết người dân đều rất buồn khi biết tin cả anh Thức và anh Tài bị công an tạm giữ vì đánh chết người. Theo họ, cả hai đều là người rất hiền lành, có lẽ quá bức xúc trước tình trạng bị trộm chó nên đã quá nóng giận mà gây hậu quả nghiêm trọng.

Ai cũng có thể đồng cảm với sự việc nêu trên, có lẽ vì người dân quá bức xúc, không kiềm chế được cơn tức giận nên đã đánh chết đối tượng trộm chó. Nhưng dù có đồng cảm đi chăng nữa thì việc người dân đánh chết đối tượng trộm chó thì không thể tránh được các chế tài của pháp luật.

Nhưng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng có thể xem xét những tình tiết giảm nhẹ, nguyên nhân khách quan, chủ quan, đồng thời, xét đến yếu tố lỗi của người bị hại…để giảm nhẹ hình phạt.

Tuy nhiên, mọi người cũng cần phải lưu ý rằng, tính mạng của con người luôn được pháp luật bảo vệ đặc biệt, được ghi nhận rõ trong Hiến pháp năm 2013. Cụ thể, khoản 1 Điều 20 của Hiếp pháp quy định: “1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.

Cho dù người đó có hành vi vi phạm pháp luật thì khoản 1 Điều 31 của Hiến pháp cũng quy định rõ: “1. Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Do đó, đối tượng trộm chó khi chưa bị kết tội thì các quyền của công dân vẫn được pháp luật bảo vệ, người dân không thể nhân danh pháp luật, nhân danh cơ quan có thẩm quyền để tự ý đánh đập, tước đoạt tính mạng của đối tượng trộm chó.

Khi người dân phát hiện đối tượng trộm chó thì có quyền bắt giữ nhưng phải báo ngay cho cơ quan công an để kịp thời xử lý, không nên có hành vi đánh đập, gây thương tích hoặc dẫn đến chết người là vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Người dân có hành vi đánh chết đối tượng trộm chó nêu trên sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, đây là bài học sâu sắc cho mọi người, cần phải sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật; phải tuân thủ pháp luật, nhất là tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp.

Đồng thời, chính quyền địa phương cần phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, không để xảy ra tình trạng người dân tự ý xử lý đối tượng trộm chó gây hậu quả nghiêm trọng như thời gian qua.

Bên cạnh đó, cần đề ra giải pháp để ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với hành vi trộm chó đã và đang xảy ra phổ biến, gây nhiều bức xức trong quần chúng nhân dân hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ