Người khơi nguồn đổi mới sáng tạo:

Dành cả thanh xuân cho trò nghèo vùng cao

GD&TĐ - Cô Trần Thị Thu Hường ở Quảng Ninh ngày ngày cần mẫn trao truyền kiến thức đến các thế hệ học trò.

Cô Hường cùng học trò trong hoạt động phong trào.
Cô Hường cùng học trò trong hoạt động phong trào.

Dành cả thanh xuân và nguyện gắn bó cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục miền núi, cô Trần Thị Thu Hường (Trường Tiểu học và THCS Đại Dực 2, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) ngày ngày cần mẫn trao truyền kiến thức đến các thế hệ học trò.

Yêu nghề của mẹ

Được chứng kiến mẹ miệt mài bên trang giáo án, cần mẫn với học trò, cô Hường đã yêu nghề giáo từ bao giờ không hay. Mẹ luôn là hình mẫu lý tưởng của cô trong cuộc sống cũng như sinh hoạt. Cô tâm sự: “Tôi yêu nghề giáo bởi đơn giản là nghề mà mẹ mình yêu. Bà đã dành cả thanh xuân cho nghề và giờ đây tôi muốn tiếp bước, mang cái chữ truyền lại cho học sinh vùng cao”.

Năm 2009, tốt nghiệp sư phạm, cô Hường nhận công tác tại Trường Tiểu học Phong Dụ, huyện Tiên Yên. Sau 10 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, cô đã ghi dấu ấn với nhiều thành tích đáng tự hào, luôn được học trò yêu mến, đồng nghiệp nể phục và phụ huynh tin yêu. Năm 2019, cô Hường chuyển công tác về Trường Tiểu học và THCS Đại Dực 2. Ở môi trường mới, cô càng nỗ lực trau dồi chuyên môn, khiêm tốn và cầu thị học hỏi từ đồng nghiệp. Nhiều năm liền cô đạt giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm giỏi cấp huyện. Năm học 2020 - 2021, cô đạt giáo viên giỏi cấp tỉnh.

Cô Hường cho hay: Nhà cách trường 17 cây số. Mặc dù đường xa, con nhỏ nhưng tôi luôn chủ động mọi công việc gia đình để hoàn thành nhiệm vụ xã hội. Dạy học ở trường vùng khó, lại là giáo viên lớp 1 nên tôi luôn ý thức được trách nhiệm, tầm quan trọng của giáo viên khối đầu. Không quản vất vả để mang con chữ đến với học trò.

Học sinh lớp 1 vùng núi còn khó khăn về nhận thức. Các em rất dè dặt, nhiều em chưa nhận biết được 29 chữ cái. Không chỉ bỡ ngỡ với chữ viết, trò còn không biết cách cầm bút đúng. Mỗi khi cô giáo trao đổi cùng phụ huynh thì cha mẹ các em chỉ cười “trăm sự nhờ cô”. Cũng có phụ huynh không biết chữ, quanh năm làm bạn với nương rẫy nên việc học hành của con phó mặc cho nhà trường và giáo viên.

Vì học trò, không quản thời tiết mưa hay nắng, đường sá xa xôi, lầy lội cô Hường luôn dậy sớm đến trường trước giờ vào lớp để ôn tập cho trò. Thậm chí cô dành cả thời gian nghỉ giải lao để kèm thêm cho những em còn yếu. Nhờ nỗ lực của cô và trò nên năm học vừa qua lớp cô chủ nhiệm hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học. Có 2 học sinh còn đọc chậm, nghỉ hè cô thường xuyên gọi điện kiểm tra, đôn đốc các em đọc bài.

Cô Hường luôn nỗ lực sáng tạo, vượt khó.

Cô Hường luôn nỗ lực sáng tạo, vượt khó.

Soi đèn tìm trò

Trong giảng dạy, cô Hường luôn sưu tầm các đồ dùng như viên sỏi, nắp chai để tái chế thành mô hình giúp học sinh thực hành và chiếm lĩnh kiến thức. Bên cạnh đó, cô lựa chọn tranh, video phù hợp với bài học lôi cuốn học sinh tham gia học tập. Cô giáo luôn linh hoạt các phương pháp dạy học cùng nhiều trò chơi, sử dụng ngữ liệu gắn liền với cuộc sống nên trò tiếp cận kiến thức nhanh, hào hứng.

Cô Hường luôn nhận thức rằng, là giáo viên chủ nhiệm phải biết gắn kết giữa gia đình và nhà trường. Mọi chủ trương, đường lối, chính sách về giáo dục cô Hường luôn tuyên truyền cho phụ huynh hiểu và ủng hộ nhà trường. Cô sát sao và phối hợp với phụ huynh trong các hoạt động học tập và phong trào của lớp, của trường. Qua đó, phụ huynh thêm tin tưởng giáo viên, nhà trường trong việc giảng dạy và giáo dục học sinh, nhất là giai đoạn toàn ngành đang thực hiện Chương trình, SGK mới.

Làm công tác chủ nhiệm, cô Hường rất chú trọng việc vận động học sinh ra lớp đủ. Học sinh vùng cao thường nghỉ học không lí do vì các em chưa hiểu được tầm quan trọng của việc học, và còn phải lo toan cuộc sống. Ngay trong lớp cô Hường chủ nhiệm cũng nhiều trường hợp như vậy.

Cô Hường chia sẻ, khi có học sinh nghỉ học, cô thường tìm hiểu nguyên nhân qua nhiều kênh thông tin. Sau đó, cô đến tận nhà học sinh chia sẻ, tuyên truyền với phụ huynh về ý nghĩa của việc học, quyền trẻ em và tương lai của các em. Cô giáo còn huy động nguồn hỗ trợ từ các nhà hảo tâm để giúp đỡ cho các em.

Kể về kỉ niệm sâu sắc nhất với nghề, cô Hường nhớ lại những ngày đầu năm học 2017 - 2018 khi vận động em Chíu Chăn Phúc, ngọn Khe Soong ra lớp. Phúc là học sinh lưu ban, thuộc diện học sinh bán trú tuần, khoảng cách từ nhà đến trường là 6 cây số. Cô đã đi bộ từ đường quốc lộ trèo lên đỉnh ngọn Khe hơn 2 km để vận động em ra lớp vào mỗi chiều thứ Hai hàng tuần. Mỗi lần cô đến vận động đều không nhận được sự hợp tác của phụ huynh. Thậm chí khi nhìn thấy cô, Phúc còn chạy lên rừng ẩn nấp. Chờ lâu không gặp được trò, cô đành quay về.

Đến tối, cô cùng chồng soi đèn lên ngọn Khe để đưa em lên trường ngủ bán trú vì biết chắc Phúc không dám ngủ trong rừng. Những ngày sau đó, cô kiên trì đến nhà học sinh gặp bằng được phụ huynh. Qua trò chuyện, sẻ chia những vất vả của cuộc sống, cô Hường phân tích cho phụ huynh sự thiệt thòi của phụ huynh, học sinh khi không biết chữ. Rồi, cô kể về những tấm gương vượt khó, những trường hợp thoát nghèo nhờ có học vấn. Từ đó, phụ huynh hiểu ra, chấp nhận cùng giáo viên động viên con đến trường học.

Thầy Nguyễn Thanh Minh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Đại Dực 2 - cho hay, cô Hường là giáo viên năng động, nhiệt huyết với nghề. Cô luôn nỗ lực sáng tạo và đổi mới phương pháp phù hợp học sinh. Dù chương trình mới còn nhiều khó khăn nhưng cô luôn chủ động phối hợp với đồng nghiệp trao đổi kinh nghiệm, chuẩn bị các học liệu cần thiết để đem lại những giờ dạy hiệu quả.

Nhiều người nhìn thấy giáo viên miền ngược đi dạy với lỉnh kỉnh đồ đạc như: Quần áo, sách vở… thì không khỏi ngạc nhiên. Nhưng đó chính là hình ảnh đời thường của giáo viên chúng tôi. Bởi, phụ huynh mải làm nương rẫy không quan tâm đến việc mua sách vở học tập cho con, cô giáo sẽ chủ động ứng tiền mua giúp; hay khi có nhà hảo tâm tặng quần áo cho học trò là cô sẵn sàng mang lên tặng trò. Vì thế, nhiều khi chiếc xe máy ‘chở nặng tình yêu thương’ với học trò. - Cô Trần Thị Thu Hường

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ