Đang yên lành đột nhiên chân tay co rút, cứng đờ… là bệnh gì?

GD&TĐ - Calci hiện diện trong máu là một loại vi chất, tuy có hàm lượng rất bé nhưng lại có vai trò hết sức quan trọng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Calci máu góp phần thúc đẩy các phản ứng sinh hóa học của tế bào nhờ vậy mà chúng ta… sống. Nếu thiếu calci máu trầm trọng thì tim ngừng đập và phổi cũng sẽ ngừng theo.

Hạ calci máu

Nhiều người đã từng chứng kiến người khác đang an lành đột nhiên lại có cảm giác hồi hộp, thở hổn hển, chân tay co rút, cứng đờ, cử động khó… phải hốt hoảng đưa đi cấp cứu. Có người tỏ ra “biết chuyện” bảo đấy là trường hợp bị hạ calci máu.

Không sai. Đây là các dấu hiệu thường thấy ở những người bị mắc chứng bệnh này. Tại phòng cấp cứu bệnh viện, tình trạng người bệnh bị hạ calci máu gặp nhiều hơn người bệnh bị tăng calci máu.

Calci (ký hiệu hóa học: Ca) là một loại khoáng chất có nhiều trong xương. Trong máu, calci hiện diện với một lượng rất ít, nên nó có tên trong danh sách các nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể. Cứ 100 ml máu có 2,03 - 2,6 mmol/l.

Khi lượng này thiếu hụt vì một lý do nào đó, tuyến giáp sẽ tạm thời huy động calci từ xương “đổ” vào máu nhằm duy trì các hoạt động bình thường cho cơ thể. Calci máu lưu chuyển trong lòng mạch dưới 3 hình thức: Gốc ion hóa (Ca++) có khoảng 50%, gắn kết với protein có khoảng 40% và còn lại ở dạng muối kết hợp.

Cơ thể con người bình thường mỗi ngày hấp thu lượng calci cao gấp 10 lần lượng calci có trong máu. Vitamine D là “bà mối” cho sự hấp thu này. Tuy nhiên, hầu như đều bị thải trừ qua phân và nước tiểu, nhằm đảm bảo sự hằng định lượng calci trong máu.

Các nguyên nhân gây hạ calci máu mà mọi người cần biết để đề phòng:

- Chế độ ăn “nghèo” calci hoặc quá trình hấp thu calci bị trục trặc do thiếu “bà mối” vitamine D, do các bệnh lý đường ruột như mắc bệnh giảm hấp thu, tiêu chảy kéo dài, đoạn ruột bị cắt… Hoặc tăng sự thải trừ calci trong các trường hợp mắc bệnh phải dùng thuốc lợi tiểu furosemid.

- Bệnh lý nội tiết: Suy tuyến giáp nên không thể huy động calci bù đắp từ xương, ung thư tuyến giáp gây tăng tiết calcitonin gây cản trở quá trình tiêu xương và tăng cường thải calci ở thận, do đó làm hạ calci máu.

- Các bệnh lý gây giảm albumin máu, tăng phosphat máu, dùng kháng sinh nhóm aminosid (như gentamicin, streptomycin, neomycin, kanamycin, tobramycin...)

Điều trị cấp cứu hạ calci máu với các dấu hiệu điển hình như đã nói trên, không gì khác hơn là tiêm ngay calci dưới dạng dung dịch vào tĩnh mạch (như Calcium Fort, Calcium Sandoz). Các trường hợp nhẹ, triệu chứng “tế nhị” như chỉ có cảm giác mệt, tê chân tay… người bệnh có thể ngăn chặn cơn hạ calci bằng viên calci sủi bọt bỏ trong nước uống, như Calcibronate, Divacal…

Cách đề phòng hạ calci máu hữu hiệu nhất vẫn là điều trị các bệnh lý liên quan, chế độ ăn giàu calci (sữa, trứng, tôm, cua, nghêu, sò, ốc, hến…). Việc tắm nắng cũng là cách tự tạo thêm vitamine D (nhờ chuyển hóa của da) để tăng cường sự hấp thu calci cho cơ thể.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tăng calci máu

Tuy không thường gặp như hạ calci máu, nhưng tăng calci máu cũng là một bệnh cấp cứu nội khoa mà mọi người cũng cần biết để phòng bệnh cho mình và người thân.

Mức độ khẩn cấp của bệnh tùy thuộc vào hàm lượng calci có trong máu. Bình thường, hàm lượng calci trong máu là 2,03 - 2,6 mmol/l. Gọi là tăng calci máu khi hàm lượng calci máu ≥ 2,7 mmol/l. Các biểu hiện lộ rõ (gọi là biểu hiện lâm sàng) khi lượng calci máu > 3 mmol/l và có biểu hiện nguy kịch khi > 4 mmol/l. Tăng calci máu gây tác động đến nhiều bộ phận trong cơ thể và có nhiều biểu hiện như:

- Dấu hiệu toàn thân: Mệt mỏi, khát nước.

- Dấu hiệu thần kinh: Nhức đầu, trầm cảm, liệt gốc chi, ngủ gà ngủ gật và có thể hôn mê.

- Dấu hiệu tiêu hóa: Buồn nôn, táo bón, đau bụng. Một số trường hợp có cơn đau bụng dữ dội, thường bị nhầm với các bệnh viêm tụy cấp hay tắc ruột.

- Dấu hiệu tim mạch: Huyết áp cao, rối loạn nhịp tim như rung nhĩ, rung thất...

- Dấu hiệu thận: Tiểu nhiều, suy thận do mất nước hay do lắng đọng calci ở thận gây thương tổn nhu mô thận.

Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp biểu hiện tăng calci máu không điển hình, chỉ có các triệu chứng cơ bản như mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa hoặc thay đổi hành vi. Điều này khiến cho việc xác định chẩn đoán dễ bị nhầm lẫn.

Các đối tượng và tình trạng bệnh lý sau đây dễ làm tăng calci máu:

- Nằm bất động lâu ngày

- Sử dụng thuốc lợi tiểu thiazid

- Bệnh lý nội tiết như suy tuyến thượng thận, cường tuyến cận giáp, bệnh to đầu chi.

- Các ung thư di căn xương hay các khối u đang có ở buồng trứng, vú, thận, phế quản...

Các xét nghiệm kiểm tra calci máu định kỳ (1- 3 hay 6 tháng/lần tùy trường hợp) giúp phát hiện sớm, điều trị sớm sẽ tránh được các tai họa do tăng calci máu gây ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.

Tìm hiểu về điều trị võng mạc đtđ hiệu quả