Đắng, xót những cuộc đua “chạy sự sống”

Một bác sĩ đã ví những bệnh nhân chạy thận là những người đang “chạy đua sự sống” từng ngày mà không một ai biết được cái “đích” cuối cùng là ở đâu và bao giờ. Họ chỉ biết một điều, không “chạy” đồng nghĩa với việc phải… chết.
Đắng, xót những cuộc đua “chạy sự sống”
Đắng, xót những cuộc đua “chạy sự sống” ảnh 1

Lê Văn Bắc (bên trái) và Vũ Văn Đạt.

Một lần, khi ghé qua khoa Thận, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa để tác nghiệp, tôi bất ngờ gặp hắn - Một gã thanh niên hào hoa cùng quê mà tôi quen biết. 

Khi ấy, khắp làng trên xóm dưới, không một thiếu nữ nào không biết đến hắn bởi đôi bàn tay tài hoa và cái miệng "như tẩm mật" của hắn. Còn giờ, trong trang phục của một bệnh nhân chạy thận, nước da ngăm đen gầy yếu, hắn già hơn so với cái tuổi 35 rất nhiều. Hắn là Lê Văn Bắc, quê Thiệu Hóa (Thanh Hóa).

Từ chuyện đời thằng bạn

Với nét mặt trầm buồn, hắn nhìn thẳng vào mắt tôi một lúc mà không nói gì. Hắn đang nghĩ. Qua ánh mắt trong giây lát ấy, tôi có thể nhận ra hắn đang lướt qua những kỷ niệm xưa. Rồi hắn kéo tôi ra ghế đá ngồi… “Mày phải chạy thế này lâu chưa?”, tôi hỏi. “Tao chạy 3 năm rồi”. “Còn vợ con mày?”. Nghe đến đây, hắn bỗng im lặng, không nói gì.

Là con út trong một gia đình có 5 anh chị em, hắn được cả gia đình cưng nựng. Nhờ cái lộc trời phú ban cho -“sát gái”, lại có nhiều tài vặt nên hắn lập gia đình khá sớm. 

Đến nay, vợ chồng hắn đã có tới 3 mặt con, đứa lớn nhất lên 6, hai đứa bé mới tròn 7 tháng tuổi. Cuộc đời phong lưu một thời của hắn - mà tôi từng biết - đã bị cuộc sống bon chen, lo toan của cơm áo gạo tiền ghì níu, thay thế. 

Hắn trở thành một người đàn ông, một nông dân chính hiệu. Hắn ngậm ngùi kể cho tôi nghe về cuộc đời hắn. Cuối năm 2011, trong một lần đi khám bệnh, hắn phát hiện mình bị suy thận. Kể từ đó, cuộc đời hắn gắn liền với bệnh viện và những lần chạy thận. 

Hắn rưng rưng: “Khi ấy, tất cả như đổ sập trước mắt tao. Ban đầu, tao ích kỷ khi lo sợ cái chết sắp đến với mình. Nhưng rồi điều khiến tao sợ nhất là xa vợ, xa con. Tao sợ phải xa họ!”…

Vợ hắn - Chị Nguyễn Thị Tấn - hơn hắn 4 tuổi. Hồi mới cưới, Tấn cũng thuộc tuýp người có da, có thịt và nhan sắc. Giờ đây, như hắn nói, bởi cuộc sống khó khăn, đặc biệt sau những lần sinh đẻ, Tấn gầy yếu, thường xuyên đau ốm. 

Bây giờ hắn ốm nhưng Tấn lại không thể ở bên chăm sóc mà phải về quê ngoại ở Hải Dương cậy nhờ gia đình lo thuốc thang. Đó là lý do vì sao hắn chỉ có một mình, thỉnh thoảng có người thân đến thăm. 

Hiện tại, mặc dù được bệnh viện quan tâm, giúp đỡ, được tạo điều kiện ăn ở, nhưng theo quy định của Nhà nước, hắn vẫn phải đóng 5% tiền phí điều trị (khoảng 500.000 - 700.000 đồng/tháng). 

Nếu tính cả tiền ăn uống, thuốc men điều trị, một tháng hắn tiêu tốn khoảng 4 triệu đồng). Số tiền chạy chữa hàng tháng (tuần 3 buổi) ấy, phần lớn hắn đi vay. 

Thương vợ thương con nhưng không có khả năng lao động, hắn đã nghĩ ra một việc làm nhỏ để kiếm tiền ngay tại bệnh viện, dựa vào đôi bàn tay khéo léo.

Hằng ngày, hắn nhờ các y bác sĩ tạo điều kiện cho hắn thu thập các ống truyền dịch, những vật liệu y tế đã được sử dụng của bệnh viện, làm sạch để chế tạo nên những chiếc móc khóa bán lại với giá 10.000 đồng/cái. 

Sản phẩm của hắn làm rất tinh tế, đẹp mắt và được nhiều người mua, trong đó không ít người mua giúp hắn vì thương cho hoàn cảnh. 

Nhưng thu nhập chẳng được là bao khi các sản phẩm này chỉ bán trong bệnh viện - nơi hắn điều trị. Gần đây, một số bạn trẻ thấu hiểu, tình nguyện bán giúp hắn, đăng tải hoàn cảnh của hắn lên trang Facebook kêu gọi mọi người ủng hộ mua hàng giúp. 

Câu chuyện của hắn - một bệnh nhân chạy thận có hoàn cảnh éo le - nhanh chóng nhận được nhiều quan tâm, chia sẻ của cộng đồng mạng.

Tâm sự được một lúc, hắn quay lại với công việc làm móc khóa. “Giờ đây, mỗi giây, mỗi phút với tao là sự đong đếm từng ngày. Mọi người ở đây, ai cũng vậy! Tao và họ đều đang trong một cuộc đua “chạy sự sống”, cuộc đua cùng một điểm xuất phát là căn bệnh nhưng lại không chung một điểm “đích”. Biết đâu, cái “đích” cuộc đua chạy sự sống của tao hay một ai trong số họ lại là ngày mai…” - Hắn nói.

Những sản phẩm móc khóa của Bắc. ảnh 2
Những sản phẩm móc khóa của Bắc.

Con số 5%...

Ngồi xung quanh xem cái tài khéo tay làm móc khóa của hắn có đến cả chục người, chủ yếu là những người… giống hắn - chạy thận giai đoạn cuối. Già có, trẻ có, trung tuổi có. Dường như căn bệnh quái ác này không dành riêng một độ tuổi nào... 

Chiều hôm ấy, ngoài hắn, tôi còn biết tới nhiều cảnh đời khác. Vũ Văn Đạt (21 tuổi, xã Hải Hà, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) là một chàng thanh niên để lại cho tôi nhiều ấn tượng, trước hết bởi vóc dáng cơ thể của một cậu bé tiểu học. Xót xa thay, cơ thể nhỏ bé đó đã có tới 7 năm đánh vật với việc chạy thận.

Học đến lớp 9, Đạt đã phải nghỉ học vì bệnh tật không cho em tiếp bước cùng các bạn. Suốt 7 năm, Đạt chìm ngập trong thuốc thang, điều trị. 

Thời gian đầu, em chủ yếu điều trị tại nhà bằng đơn thuốc do các bác sĩ kê cho, nhưng kể từ khi căn bệnh nặng hơn (chuyển sang giai đoạn cuối) Đạt phải chạy thận thường xuyên (tuần 3 lần). 

Vì thương bố mẹ nên em tự mình bắt xe buýt đi ra thành phố để chữa trị. Đạt cho hay, ở đây các y - bác sĩ rất tận tâm, tận tình chăm sóc, thuốc men cho các bệnh nhân. 

Hầu hết các bệnh nhân chạy thận đều có hoàn cảnh khó khăn, một thân một mình đánh vật với căn bệnh nên tình cảm mọi người rất gắn bó, thân thiết.

Trường hợp anh Lê Văn Bằng (30 tuổi, xã Hoằng Hà, Hoằng Hóa) cũng là một trong những bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt. Năm 1995, anh được các bác sĩ chẩn đoán bị viêm cầu thận, đến năm 2006 anh tiếp tục bị tai biến mạch máu não (bị liệt nửa người bên trái). 

Khó khăn chồng chất khó khăn, suốt từ năm 2008 đến nay, anh lao vào cuộc đua chạy thận. Bố mất từ khi Bằng lên 8 tuổi, các anh chị khác của anh đều đã lập gia đình và có cuộc sống riêng, Bằng ở với mẹ - bà Lê Thị Liên (63 tuổi) cũng thường xuyên đau ốm. 

Không thể đưa anh đi chạy thận, cứ thế một tuần 3 lần, dù bị liệt nửa người, anh vẫn phải cà nhắc đi “chạy sự sống”. Tôi hỏi “đã bao giờ anh từng nghĩ đến chuyện lập gia đình”, Bằng buồn rầu: “Nhiều lúc cũng thấy cô đơn, cũng muốn có một mái ấm gia đình, nhưng rồi lại nghĩ ai chịu lấy mình - một người bệnh tật, rồi nhỡ lấy thì sẽ ra sao…”.

Bác sĩ Đặng Thể Đạt - Bác sĩ chuyên khoa II, Giám đốc Trung tâm thận lọc máu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa - cho biết: Nguyên nhân dẫn đến bệnh thận chủ yếu là khi con người có những bệnh lý liên quan đến thận như viêm cầu thận, bệnh sỏi thận. 

Ngoài ra, xã hội hiện đại lại có nhiều loại bệnh liên quan đến chuyển hóa, gút, đái tháo đường…, tất cả những căn bệnh đó nếu như điều trị không tốt, triệt để đều có thể dẫn đến thận. 

Thêm vào đó, nguyên nhân phát bệnh có thể còn do phong tục tập quán, lối sống, cách sử dụng thuốc, vấn đề ăn uống sinh hoạt, tai nạn nghề nghiệp, tai nạn rủi ro trong cuộc sống…

Bệnh này là loại bệnh không chữa được nhưng nếu được chữa trị tốt thì sự sống rất dài. Ở trung tâm có bệnh nhân điều trị hơn 20 năm, thế giới có người chạy thận 30 năm, 40 năm. 

Nếu muốn được như thế thì bệnh nhân phải sống lành mạnh, phải ăn uống tốt, có chế độ dinh dưỡng tốt, sinh hoạt tốt, điều trị tốt. Chế độ viện phí hiện nay thực hiện theo quy định chung, bệnh nhân chạy thận nhân tạo là đối tượng có tính đặc thù, phải chạy thường xuyên, chỉ cần ngừng lại là người bệnh có thể nguy hiểm đến tính mạng nên được hưởng chế độ như đối tượng người nghèo. 

Giá như Nhà nước bỏ mức 5% đi thì bệnh nhân chạy thận nhân tạo sẽ đỡ được một phần chi phí (hiện tại phải mất 500.000 - 700.000 nghìn đồng/ tháng, chưa tính tiền ăn uống, thuốc men…).

Theo laodong.com.vn
Ảnh minh họa: ITN

Câm điếc bẩm sinh

GD&TĐ - Trẻ em vừa cất tiếng khóc chào đời thường được ví là những thiên thần bé nhỏ.