Đăng và chia sẻ tin sai sự thật lên mạng xã hội có thể bị xử lý hình sự

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Luật sư Lê Bá Thường đã nhận định như trên khi đề cập về việc đăng và chia sẻ tin sai sự thật lên mạng xã hội.

Một Website www.11384vn.com giả mạo Cổng thông tin Bộ Công an. Ảnh: tingia.gov.vn.
Một Website www.11384vn.com giả mạo Cổng thông tin Bộ Công an. Ảnh: tingia.gov.vn.

Theo Thống kê của Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông): Trong 5 tháng đầu năm 2021 Trung tâm đã công bố dán nhãn 37 tin giả; cập nhật 38 tin xử phạt các cá nhân đưa thông tin giả, sai sự thật từ cơ quan báo chí; tổng đài 18008108 hướng dẫn người dân về báo tin giả tiếp nhận 2.395 cuộc gọi đến... Cho nên vào ngày 23/7/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành văn bản số 2765/BTTTT-PTTH&TTĐT về việc thực hiện Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ và tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về Covid-19 trên mạng gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề tin giả, tin sai sự thật, luật sư Lê Bá Thường, Giám đốc Công Ty Luật TNHH MTV Dân Luật Tín Thành, thuộc Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, ngày nay các thông tin trên mạng xã hội đang bị nhiều kẻ xấu lợi dụng đăng những tin, chia sẻ thông tin thất thiệt, tạo thị phi, thậm chí là nhằm mục đích vu khống, nhục mạ làm mất uy tín của người khác.

Điều này đã xảy ra liên tục trong giai đoạn dịch bệnh covid-19 diễn biến phức tạp trước đây. Tung nhiều tin đồn thất thiệt về bất mãn cách chống covid-19 có người tự thiêu ở Thủ Đức, “bác sĩ Khoa” rút ống thở cha mẹ mình để cứu sản phụ, réo gọi tên viết tắt của các nghi can là những người đẹp tạo nghi vấn liên quan đến vụ án bán dâm cao cấp… gây bức xúc cho người liên quan và tạo ra hoang mang trong dư luận xã hội.

Hình ảnh lan truyền về bữa cơm với “thịt chuột” của học sinh ở Quảng Nam là thông tin không chính xác.

Hình ảnh lan truyền về bữa cơm với “thịt chuột” của học sinh ở Quảng Nam là thông tin không chính xác.

Hay như trường hợp mấy ngày qua, mạng xã hội phát tán thông tin sai lệch về bức ảnh "hộp cơm thịt chuột", cho rằng đây là thực trạng "xót xa về bữa ăn của học sinh vùng cao...". Sự thật không có bữa cơm thịt chuột nào của học sinh vùng cao Nam Giang. Hiện vụ việc đang được Công an huyện Nam Giang tiếp tục làm rõ và xử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân có liên quan.

Phân tích về hậu quả của những nội dung sai sự thật, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Công ty luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng Nghiệp chia sẻ, những thông tin sai sự thật lan truyền sẽ gây xôn xao dư luận, ảnh hưởng đến hình ảnh, danh dự của các cá nhân, tổ chức khi bị đưa tin sai sự thật.

Thêm đó, thông tin giả tạo ra sự ức chế, bức xúc đối với các nạn nhân nếu, trong một vài trường hợp có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng ví dụ như thiệt hại về con người.

Ngoài ra, những thông tin chống phá sự lãnh đạo của Đảng còn gây mất trật tự xã hội, niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.

Luật sư Nguyễn Hồng Thái.

Luật sư Nguyễn Hồng Thái.

"Thông tin sai sự thật còn gây ra hậu quả làm hoang mang dư luận, xã hội khiến người dân không thể phân biệt được đâu là thông tin đúng và sai sự thật. Điều đó dễ xảy ra tình trạng hỗn loạn thông tin nhất là trong giai đoạn công nghệ 4.0 sự phát triển của không gian mạng là rất mạnh dẫn đến tình trạng khó kiểm soát thông tin. Đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành báo chí truyền thông" - Luật sư Thái nhấn mạnh.

Hậu quả của những nội dung sai sự thật

Dưới góc độ pháp lý về tin giả, tin sai sự thật, luật sư Lê Bá Thường cho hay: Quy định của pháp luật chế tài đối với người dùng mạng xã hội nếu họ có hành vi cung cấp, đăng tin và chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, gây hiểu lầm, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm thì sẽ bị xử tội “Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội” sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Đồng thời, phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là bị buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật đã đăng (điểm a, Khoản 1, Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP).

"Đối với trang thông tin điện tử nếu vi phạm thực hiện đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm thì sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu về tội “Vi phạm quy định về trang thông tin điện tử” (Điểm a, Khoản 3, Điều 99, Nghị định 15/2020/NĐ-CP).

Bên cạnh đó, tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi người tung tin đồn thất thiệt, thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid 19 hay bất kỳ thông tin gì không đúng sự thật lên các trang mạng xã hội gây dư luận xấu thì bị xử lý hình sự về “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” có thể bị xử tội với khung hình phạt cao nhất là bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm (Điều 288 BLHS 2015)" - Luật sư Thường thông tin.

Luật sư Lê Bá Thường.

Luật sư Lê Bá Thường.

Theo luật sư Thường, đặc biệt, đối với người đăng tin và người chia sẻ thông tin sai sự thật trên mạng xã hội nhằm tạo ra lòng trắc ẩn và thương cảm của người đọc để lừa lấy tiền đóng góp của người khác thì sẽ bị xử tội hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Hành vi này cần bị xử lý nghiêm, cơ quan điều tra sẽ xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt là rất quan trọng, vì nó có thể sẽ ảnh hưởng đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự khi xác định hình phạt phù hợp, tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội đối với bị cáo về hành vi lợi dụng thiên tai, dịch bệnh phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản (Điều 174 BLHS 2015).

Cũng theo luật sư Thường, trường hợp người đăng tin, chia sẻ thông tin nhằm mục đích vu khống, nhục mạ làm mất uy tín của người khác thì tuỳ theo mức độ hành vi và hậu quả xảy ra có thể sẽ bị xử phạt hành chính và truy tố hình sự về “Tội vu khống” có thể bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm (Điều 156 BLHS 2015).

"Bên cạnh đó, người nào đăng tin, chia sẻ thông tin nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác sẽ bị xử hình sự “Tội làm nhục người khác” và có thể đối diện với mức phạt tù từ 2 năm đến 5 năm. Cũng như còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm (Điều 155 BLHS 2015).

Đồng thời, với các hành vi vu khống, nhục mạ làm mất uy tín của người khác thì ngoài bị phạt hành chính, bị truy tố tội hình sự sẽ còn phải bồi thường dân sự về tổn thất tinh thần, vật chất cho đương sự (Điều 584 BLDS 2015)" - Luật sư Thường nhận định.

Trường hợp các cá nhân, bị người khác dù vô tình hay cố ý đăng tin hay chia sẻ thông tin không đúng sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và nhân phẩm của mình, luật sư Lê Bá Thường cho hay: "Giải pháp đối với cá nhân đó là dùng quyền “Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín” để yêu cầu Tòa án ra quyết định bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.

Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.

Trong trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng (Điều 34 BLDS năm 2015)."

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ