Bác sỹ ơi giúp cháu với. Năm nay cháu 19 tuổi. Là con gái nên cháu rất xấu hổ về cân nặng của mình. Cháu chỉ cao 1m5 và nặng tới 60 kg. Thời gian vừa rồi cháu đã cố gắng nhịn ăn và đi tập thể dục nhưng cân nặng vẫn không cải thiện.
Cháu rất buồn và ngại mỗi khi đi ra ngoài. Một người bạn của cháu rủ cháu mua thuốc giảm cân để uống nhưng cháu sợ, cơ thể cháu đang dậy thì, uống thuốc sẽ bị ảnh hưởng tới quá trình phát triển. Bác sỹ có thể cho cháu lời khuyên được không? Cháu cám ơn. (Lê Hoa – Nghệ An).
Bác sỹ Tiin trả lời:
Tôi rất thông cảm với “nỗi niềm” của bạn. Chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) của bạn là 26,7, xếp loại béo phì độ I. Bạn là con gái lại còn trẻ nên cũng coi trọng hình thức, cảm thấy mất tự tin, không thoải mái trong giao tiếp khi hình thức của mình không như mong muốn. Bên cạnh đó, béo phì cũng là nguy cơ mắc nhiều bệnh như rối loạn lipit máu, tăng huyết áp, sỏi mật, đái tháo đường, xương khớp… ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe.
Điều trị béo phì để giảm cân là một quá trình gian khổ, vất vả, kiên trì, kết hợp nhiều phương pháp mới có hiệu quả.
Nhu cầu năng lượng còn phụ thuộc vào tuổi tác, tiền sử sức khỏe, công việc của từng người. Vì thế với mỗi người sẽ có phương pháp điều trị khác nhau.
Tốt nhất bạn nên đến khám và điều trị tình trạng của mình tại các trung tâm dinh dưỡng (như Viện Dinh dưỡng, Trung tâm dinh dưỡng, khoa dinh dưỡng của các bệnh viện...).
Tại đó bạn sẽ được khám lâm sàng, cận lâm sàng để đánh giá tình trạng sức khỏe rồi bác sỹ sẽ điều trị cho bạn. Kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý phù hợp với nhu cầu năng lượng của bạn, chế độ luyện tập để tăng cường sức khỏe, bạn sẽ có cân nặng hợp lý nhất. Chứ tuyệt đối không nên tự ý dùng các loại thuốc theo kinh nghiệm của ai đó. Vì mỗi cơ thể đều khác nhau, không ai giống ai.
Kể cả khi đạt được yêu cầu bạn cũng cần phải duy trì các chế độ ăn uống thường xuyên, liên tục. Nhiều khi phải hạ “quyết tâm”, nói “không” với các “nguy cơ” nhất là đối với loại thức ăn mình yêu thích. Yếu tố tinh thần cũng quan trọng bạn ạ. Tình trạng căng thẳng thần kinh, ngủ ít, hay bị stress… cũng dễ gây mất kiểm soát ăn uống.
Nguyên tắc chung: Hãy ăn ít năng lượng hơn trước; Tăng cường ăn rau xanh, hoa quả; Nên ăn thịt nạc, cá, tôm, cua, đậu phụ, hạn chế óc, thận, tim, gan, lòng đỏ trứng (chọn thức ăn cung cấp đủ chất đạm, vitamin và muối khoáng); Chế biến thức ăn dưới dạng luộc, hấp, hạn chế xào, rán; Uống từ 1,5-2 lít nước mỗi ngày… Khá nhiều việc phải làm đấy. Chúc bạn thành công.