Đằng sau câu chuyện Asanzo?

GD&TĐ - Sau vụ việc liên quan đến thương hiệu Khải Silk, cái tên Asanzo tiếp tục làm tốn giấy mực và tâm sức của các cơ quan báo chí vì cách làm tương tự với sản phẩm điện tử. Bài học nào được rút ra cho câu chuyện hàng Việt?

Một dây chuyền sản xuất của Asanzo.	Ảnh: dantri.vn
Một dây chuyền sản xuất của Asanzo. Ảnh: dantri.vn

Con đường “thoát xác”

Vào cuối năm 2017, một khách hàng người Việt bức xúc khi mua một lô hàng 60 khăn lụa tại cửa hàng Khaisilk (113 Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã phát hiện một sản phẩm trong đó vừa có mác “Khaisilk Made in Vietnam”, vừa có mác “Made in China”. Sau khi xem lại toàn bộ lô hàng, khách phát hiện nhiều khăn có dấu hiệu cắt bỏ mác.

Không lâu sau, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện trong cửa hàng của hệ thống Khải Silk có hiện tượng giả mạo xuất xứ, cụ thể là hàng khăn lụa Trung Quốc thay thành mác Khải Silk tức là “Made in Việt Nam”.

Trước sự việc trên, ông Hoàng Khải, Chủ tịch Tập đoàn Khaisilk chính thức thừa nhận với truyền thông “bán 50% lụa “Made in China” trong hệ thống của mình” và gửi lời xin lỗi tới người tiêu dùng.

Trong khi, dư âm của sự kiện Khải Silk còn chưa dứt, thì Tập đoàn điện tử Asanzo với những sản phẩm được chứng nhận “hàng Việt Nam chất lượng cao”, được quảng cáo sử dụng “đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” bị phát hiện cũng “phù phép” tương tự với hàng xuất xứ Trung Quốc.

Cụ thể, theo điều tra của báo chí, Asanzo có dấu hiệu thông qua hàng loạt công ty “ma” nhập linh kiện điện tử từ Trung Quốc về Việt Nam và thay đổi nhãn mác. Trong đó, có 3 công ty thuộc Tập đoàn điện tử Asanzo Việt Nam cũng trực tiếp nhập hàng là nồi cơm, bình thủy, ấm nước điện, linh kiện điện tử… có ghi nhãn hiệu Asanzo hoặc không ghi nhãn hiệu từ Trung Quốc.

Sau khi nhập hàng hoá về “tổng hành dinh”, thông qua dây chuyền lắp ráp, Asanzo cho công nhân gỡ tem “made in China” và dùng tem khác dán chồng cho mất chữ.

Ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch Asanzo bên dây chuyền sản xuất. Ảnh:VNreview
  • Ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch Asanzo bên dây chuyền sản xuất. Ảnh:VNreview

Các bên liên quan nói gì?

Ngay sau khi xuất hiện thông tin về vụ việc Asanzo, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết đã tước quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao đối với doanh nghiệp này.

Theo bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC), hành vi nhập hàng Trung Quốc ghi xuất xứ Việt Nam đã gây tổn thương nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam vào hàng Việt.

Đại diện Hội HVNCLC cũng khẳng định, có nhiều thiếu sót và khó khăn trong khâu bình chọn HVNCLC. Thông tin về Asanzo là một tham khảo quan trọng cho ban tổ chức trong việc bổ sung phản hồi từ cơ quan quản lý địa phương về tình hình tuân thủ pháp luật kinh doanh của doanh nghiệp, thu thập thông tin báo đài, đặc biệt là các khiếu tố khiếu nại của người tiêu dùng.

Ở phía cơ quan chức năng, cụ thể là hải quan, thuế vụ và cơ quan đăng ký kinh doanh đã rà soát lại hàng loạt các công ty “ma”, đồng thời xác minh báo cáo, quyết toán thuế hằng năm của các doanh nghiệp này.

Luật sư Lê Hoài Trung (Phó Chủ tịch thường trực Hội Trọng tài thương mại TPHCM) khẳng định, nếu căn cứ trên những thông tin mà báo chí đã nêu thì Asanzo ghi tem nhãn “xuất xứ Việt Nam” trên sản phẩm điện gia dụng là không đúng, bởi vì xuất xứ gốc là Trung Quốc.

Tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa, quy định: “Công đoạn gia công, chế biến hàng hóa là quá trình sản xuất chính tạo ra đặc điểm cơ bản của hàng hóa” (khoản 11, điều 3). Nếu chiếu theo quy định thì Asanzo chỉ đang làm công đoạn gia công.

Trả lời báo chí, ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch Asanzo khẳng định: “Smartphone và tivi của tôi để “made in Vietnam” không sai, bởi chúng được lắp ráp, đóng gói thành phẩm, dán bao bì và tiêu thụ sản phẩm tại Việt Nam, có dịch vụ bảo hành - bảo trì tại Việt Nam. Theo quy tắc xuất xứ, khi một công ty Việt Nam mua linh kiện từ nước ngoài, mang về Việt Nam và lắp ráp thành thành phẩm tại lãnh thổ Việt Nam, sản phẩm đó được phép ghi “made in Vietnam”.

Ngoài ra, ông Tam còn cho biết: Nhà nước cũng chưa bao giờ có quy định là sử dụng 60% hay 70% linh kiện nước ngoài là không được ghi “made in Vietnam”. Ông Tam thừa nhận, trong một chiếc tivi của Asanzo có khoảng 70% nhập khẩu và 30% là được sản xuất trong nước, nhưng không hề có chuyện phải cạo tem “made in China” để dán tem “made in Vietnam”.

Những hệ lụy về kinh tế?

Các bên liên quan đều đưa ra lập luận từ phía mình nhưng một vấn đề lớn trong vụ Asanzo được dư luận quan tâm là khả năng Nhà nước bị thất thu thuế rất lớn.

Đối với máy điều hòa không khí (máy lạnh) có công suất dưới 90.000 BTU, các doanh nghiệp nhập khẩu thuộc trường hợp quy định của pháp luật, khi tiến hành khai báo đúng theo quy định thì phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với mức 10%. Khai báo ở dạng linh kiện thì “né” được thuế tiêu thụ đặc biệt.

Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp lách luật bằng cách tháo rời từ nước ngoài thành một vài nhóm linh kiện rồi nhập về Việt Nam. Tinh vi hơn là các doanh nghiệp bắt tay nhau, mỗi doanh nghiệp nhập một số bộ phận (của cùng nhà sản xuất tại Trung Quốc) rồi đưa về cùng nhà máy (doanh nghiệp) để lắp ráp lại thành bộ máy lạnh hoàn thiện.Hải quan cửa khẩu rất khó kiểm soát, phát hiện chiêu trò này.

Không chỉ vậy, người tiêu dùng rất khó để kiểm tra, giám sát thông tin nói trên do theo Điều 8, Luật Quản lý thuế thì cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm giữ bí mật thông tin của người nộp thuế. Việc kết luận chính xác Asanzo và các doanh nghiệp liên quan có sai phạm hay không rất cần các cơ quan chức năng phối hợp vào cuộc làm rõ.

Mặc dù, chưa thể kết luận dứt khoát bởi thông tin ban đầu nhưng “hiệu ứng Asanzo” đã bắt đầu biểu hiện trên thị trường. Một số siêu thị điện máy như Chợ Lớn, Nguyễn Kim, Thiên Hoà, Điện Máy Xanh bị bất ngờ trước nguồn gốc xuất xứ thực của các sản phẩm điện máy Asanzo và đã quyết định tạm ngưng kinh doanh sản phẩm trong khi chờ phản hồi từ nhà sản xuất. Sự cố này cũng sẽ gây tổn thất ít nhiều cho các doanh nghiệp liên quan.

Bên cạnh đó, sự việc Asanzo đặt ra một khó khăn khác, đó là vấn đề pháp lý trong thương mại của câu chuyện hàng Việt. Theo bà Vũ Kim Hạnh, thực tế là các khái niệm hàng Việt Nam, hàng made in Việt Nam, hàng thương hiệu Việt... chưa có quy định rõ ràng và chúng ta cũng cần góp sức làm rõ hơn.Ngoài các khái niệm đó, có ít nhất hơn mười khái niệm pháp lý thương mại quốc tế liên quan nguồn gốc hàng hoá bao gồm: C/O, FOB, CNM, CIF, CTV, LVC, WO, CTC, RVC, PE, HS, CNM... đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ các văn bản pháp lý trước khi đi đến kết luận dứt khoát.

Thủ tướng yêu cầu xác minh vụ Asanzo

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh về Công ty CP điện tử Asanzo nhập hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt bán ra thị trường. Cụ thể, nội dung văn bản được Văn phòng Chính phủ gửi ba Bộ Tài chính, Công an, Công Thương nêu rõ Thủ tướng giao Bộ Tài chính - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh về vụ việc Công ty CP điện tử Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam. Đồng thời làm rõ các vi phạm của công ty, báo cáo Thủ tướng kết quả trước ngày 30/7/2019, để xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ