(GD&TĐ) - Chuẩn bị cho năm học 2012-2013, liên tục trong ba văn bản (về tổ chức tuần sinh hoạt công dân; về thực hiện nhiệm vụ giáo dục quốc phòng-an ninh; về thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn, yêu cầu các Sở GD&ĐT tăng cường công tác giáo dục về chủ quyền biển đảo cho học sinh. Trong đó, phải “mở rộng giáo dục chính khoá và tuyên truyền ngoại khoá cho học sinh về tiềm năng biển, đảo và nhiệm vụ của các thế hệ công dân Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo; đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Tổ quốc” (Công văn số 4791/BGDĐT-GDQP ngày 26/7/2012).
Ông Võ Văn Mai, Trưởng phòng Giáo dục Trung học cho biết: Để thực hiện chủ trương của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Nghệ An đã chỉ đạo các trường tích hợp nội dung giáo dục chủ quyền biển, đảo cho học sinh vào các môn Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân; Giáo dục quốc phòng, đồng thời đưa nội dung này thành một trong các nội dung của hoạt động ngoài giờ lên lớp.
Trường THPT Thái Hoà (Nghệ An) tổ chức vận động “Góp đá xây dựng Trường Sa” và đã thu được 4 triệu đồng từ sự ủng hộ của 1.300 học sinh |
Trong thời gian qua, thực tế tại Nghệ An, một số nhà trường đã phối hợp với tổ chức đoàn, đội tổ chức sinh hoạt ngoại khoá cho học sinh về chủ quyền biển, đảo. Các phong trào “Nghĩa tình biên giới, hải đảo”; “Góp đá xây dựng Trường Sa”; “Tấm lưới nghĩa tình” được phát động; các cuộc giao lưu “Gần lắm Trường Sa”; “Nối vòng tay biển” được tổ chức.
Song, số trường phát động các phong trào hay tổ chức giao lưu với các nội dung nêu trên chưa được nhiều. Một chuyên viên của Phòng GDTrH (Sở GD&ĐT Nghệ An) cho biết: Việc tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp, tổ chức ngoại khoá cho học sinh về chủ quyền biển, đảo, thực tế từ đầu năm học đến nay chưa được nhiều trường làm và làm chưa được nhiều.
Nguyên nhân cơ bản là cán bộ quản lý chưa thực sự quan tâm; giáo viên được phân công phụ trách thì đang hết sức lúng túng cả về nội dung cũng như hình thức tổ chức hoạt động. Trong khi tháng 12 tới, Sở mới có thể tiến hành tập huấn cho giáo viên về việc tổ chức ngoại khoá, tổ chức cho học sinh tìm hiểu các nội dung về chủ quyền biển, đảo.
Các chuyên viên phụ trách bộ môn của Phòng GDTrH (Sở GD&ĐT Nghệ An) cho biết thêm: Việc tích hợp nội dung giáo dục chủ quyền biển, đảo cho học sinh vào chương trình chính khoá đã làm được ở những tiết có thể làm của các môn Giáo dục công dân và Gáo dục quốc phòng thuộc cấp trung học phổ thông.
Chẳng hạn như Giáo dục quốc phòng, đã tích hợp được nội dung biển, đại dương và chủ quyền biển đảo Việt Nam vào bài giảng “Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và biên giới quốc gia” của lớp 11.
Môn Giáo dục công dân thì tích hợp được vào hai bài giảng của hai lớp trong cấp học. Môn Địa lý thì không cần phải tích hợp vì đã có bài giảng chung về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam ở lớp 8, lớp 9 và lớp 12. Riêng môn Lịch sử, rất cần bổ sung nội dung chủ quyền biển, đảo, nhất là các kiến thức về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì lại chưa làm được gì.
Vì không phải ai muốn đưa gì vào chương trình chính khoá để giảng dạy cho học sinh cũng được. Thẩm quyền này hoàn toàn thuộc Bộ GD&ĐT. Trong một hội thảo mới đây do Bộ GD&ĐT tổ chức, nhiều đại biểu đã đề xuất ý kiến cần bổ sung nội dung giáo dục chủ quyền biển, đảo Việt Nam với Bộ, nhưng đến nay vẫn chưa được Bộ hướng dẫn gì thêm.
Theo một cô giáo là giáo viên môn Giáo dục công dân của Trường Trung học phổ thông Anh Sơn 1: Thực hiện sự chỉ đạo của Sở, ở trường cô, nội dung giáo dục chủ quyền biển, đảo cho học sinh đã được giáo viên tích hợp vào chương trình chính khoá môn Giáo dục công dân của hai lớp, mỗi lớp ở một tiết. Mà đã là nội dung tích hợp thì không được nhiều, trong một tiết như vậy cũng chỉ dành được năm, mười phút cho nội dung mới này mà thôi.
Như vậy, riêng môn Giáo dục công dân, cả ba năm học, thời lượng để các em được học về chủ quyền biển, đảo, thực tế không vượt qua nửa tiết học. Với thời lượng này thì khó đạt được yêu cầu giáo dục như mong muốn. Và học sinh kém hiểu biết về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc là điều dễ hiểu.
Thiết nghĩ, nội dung giáo dục chủ quyền biển, đảo Việt Nam có thể tích hợp được vào nhiều môn học thuộc khoa học xã hội. Nhưng các cơ quan quản lý giáo dục, đặc biệt là Bộ GD&ĐT không thể chỉ nêu yêu cầu mà cần nghiên cứu để có hướng dẫn cụ thể (tích hợp nội dung gì, vào tiết nào, của lớp nào,…) cho các nhà trường, cho đội ngũ giáo viên, nhất là khi nội dung về chủ quyền biển, đảo đang là vấn đề hết sức nhạy cảm.
Thực tế, như một cô giáo nói ở trên, đã là tích hợp thì không thể nhiều được cả về nội dung lẫn thời lượng. Nên chăng, trong những năm học tới, ở một số bộ môn như Lịch sử, Giáo dục công dân, Giáo dục quốc phòng, Bộ GD&ĐT nên bổ sung nội dung giáo dục chủ quyền biển, đảo Việt Nam cho học sinh bằng những tiết học chính khoá riêng biệt.
Nhưng dù là tích hợp vào các môn học hay có tiết học chính khoá riêng biệt thì thời lượng và nội dung dành cho giáo dục chủ quyền biển, đảo cũng không thể nhiều được trong chương trình của từng cấp học.
Để đạt được yêu cầu như chúng ta mong muốn đối với học sinh, một giải pháp hết sức quan trọng (thậm chí còn có tính quyết định) là đưa nội dung giáo dục này vào sinh hoạt ngoại khoá và hoạt động ngoài giờ lên lớp cho học sinh ở cả ba cấp học phổ thông.
Công việc này lại không cần phải ngồi chờ Bộ GD&ĐT “cầm tay chỉ việc” mà Sở GD&ĐT có thể làm được và làm tốt. Chỉ cần Sở GD&ĐT chủ trì phối hợp với Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh – hai cơ quan có nhiều kinh nghiệm tổ chức sinh hoạt tập thể cho thế hệ trẻ, chắc chắn các vấn đề về nội dung, hình thức ngoại khoá, hoạt động ngoài giờ lên lớp ở các nhà trường sẽ được giải quyết. Khi đó, các nhà trường chỉ còn việc áp dụng và nếu có điều kiện thì sáng tạo thêm để thực hiện có hiệu quả cao ở chính đơn vị của mình.
Minh Đức