Công nghệ không khó
Nghiêm cấm chặt phá, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng trái pháp luật đào, mai rừng tự nhiên và yêu cầu các bộ, địa phương nghiên cứu kỹ lưỡng phương án truy xuất nguồn gốc cây đào, cây mai. Đó là nội dung tại Văn bản số 529/VPCP-NN ngày 21/1/2021 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc thực hiện truy xuất nguồn gốc cây đào.
Trừ cây và cành đào, mai từ rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo các cơ quan chức năng hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến, tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tự do khai thác, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng cây và cành đào, mai.
Tuyệt đối không được gây khó khăn, không làm phát sinh thủ tục hành chính và chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Phó Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương, Tài chính và các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La và các địa phương có nhu cầu nghiên cứu kỹ lưỡng phương án truy xuất nguồn gốc cây đào, cây mai.
Ông Bùi Bá Chính, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia cho biết, với chức năng là đầu mối triển khai Quyết định 100 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc. Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Sơn La triển khai thực hiện truy xuất nguồn gốc đào trồng tạo thuận lợi cho người dân cung cấp đào ra thị trường.
“Khi được quét mã QR code gắn trên cây đào, hệ thống truy xuất nguồn gốc do Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia vận hành sẽ cung cấp thông tin về người trồng, địa chỉ, diện tích, thông tin về năm trồng đào…Việc dán tem truy xuất nguồn gốc cho cây đào sẽ giúp người mua đào xác định rõ nguồn gốc xuất xứ cây đào và giúp cây đào trở thành hàng hóa lưu thông một cách thuận lợi ”, ông Chính cho biết.
Quy trình thủ tục xác nhận đào trồng rất đơn giản. Cán bộ địa phương sẽ đi khảo sát nhu cầu của người dân có mong muốn thực hiện truy xuất nguồn gốc cho cây đào hay không. Sau đó trưởng bản, cán bộ địa chính xã xác định hộ gia đình đó trồng đào tại vườn thuộc đất nông nghiệp hay vườn nhà. Tất cả thông tin này sẽ được cung cấp cho hệ thống truy xuất nguồn gốc mà không phát sinh thêm các thủ tục hành chính nào.
Theo ước tính với diện tích trồng đào của Sơn La hiện tại cần dùng khoảng 300 - 500 nghìn tem truy xuất nguồn gốc. Hiện Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia, đơn vị cung cấp giải pháp cũng đã chuẩn bị sẵn sàng 1 triệu tem truy xuất để phục vụ nhu cầu truy xuất đào trồng của Sơn La cũng như các tỉnh khác có nhu cầu. Được biết, kinh phí thực hiện truy xuất nguồn gốc sẽ được tỉnh Sơn La hỗ trợ hoàn hoàn.
Làm rõ khái niệm đào rừng
Ngày 18/1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã ban hành Công văn 356/BNN-TCLN quy định, việc khai thác cây đào, cây mai và một số cây trồng ngoài diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên do tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tự bỏ vốn trồng do chủ rừng quyết định việc khai thác theo quy định của pháp luật.
Đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tăng cường chỉ đạo, quản lý tại cơ sở; tuyên truyền, vận động không để lợi dụng chặt, phá cây rừng; tùy theo điều kiện cụ thể của địa phương, trong thời gian trước mắt có thể áp dụng biện pháp xác nhận nguồn gốc, xuất xứ phù hợp nhưng không tạo thêm thủ tục hành chính, ách tắc sản xuất, tiêu thụ sản phầm hợp pháp.
Sau khi công văn của Bộ NN&PTNT phát đi, nhiều tỉnh như Nghệ An, Lào Cai... đã ra thông báo khẳng định người dân được tự do buôn bán đào rừng trồng, bởi tại những địa phương này không có đào rừng tự nhiên. Người dân có thể chặt, buôn bán đào nhà bình thường, không cần xin giấy tờ chính quyền địa phương. Nhiều địa phương khẳng định không có đào rừng nên sẽ không dán tem truy xuất nguồn gốc. Khái niệm “đào rừng” là cách gọi dân gian theo thói quen của người miền xuôi, bởi cây đào xuất thân từ miền rừng núi.
TS Ngô Quang Đê, Học viện Lâm nghiệp cho biết, nếu hiểu một cách máy móc về “đào rừng” thì có thể hiểu rằng đào rừng chính là cây mà người Tây Bắc thường gọi là cây hoa Tớ Dày hay một số nơi khác gọi là Mai Anh Đào. Đây không phải là loại cây để người ta đem về nhà chơi Tết vì chỉ cần chặt cành lìa khỏi cây một lúc là hoa sẽ héo.
Còn đào mà người dân thường chơi Tết vốn không phải loại cây rừng nhưng nó mọc ở trong rừng tự nhiên do người dân đi rừng ăn rồi vứt hạt hoặc do quá trình di chuyển bản, di chuyển chỗ ở nên trong rừng tự nhiên vẫn có nhiều cây đào. Đào rừng trong chỉ đạo của Thủ tướng là những cây đào đang tồn tại tự nhiên ở trong rừng, trong những diện tích có rừng hoặc đã được khoanh nuôi bảo vệ.
Như vậy có sự không nhất quán về khái niệm đào rừng hay đào nhà dẫn đến những bất cập khi thực hiện. Thực tế đến nay đa số là đào người dân tự trồng ở nhà để bán, đào khai thác ngoài tự nhiên cực kỳ hiếm. Theo TS Ngô Quang Đê, việc dán tem truy xuất nguồn gốc khá đơn giản, nhưng phải quản lý tốt, không gây khó khăn cho người dân, tránh tình trạng làm giả, làm nhái.
Do sự thiếu đồng nhất về quản lý đào rừng và đào nhà nên dù Tết đã cận kề, hoạt động mua bán đào rừng trồng vẫn gần như tê liệt, dân buôn như anh nằm im nghe ngóng thông tin, không dám lên Tây Bắc đánh hàng về Hà Nội.
Ở các tỉnh như Lào Cai, Sơn La... đào rừng trồng là sinh kế, đem lại nguồn thu nhập khá cao cho bà con vùng dân tộc. Việc áp dụng giải pháp công nghệ dán tem truy xuất nguồn gốc là một giải pháp cần thiết để ổn định lại thị trường hoa đào dịp Tết, giúp người dân ổn định sản xuất, kinh doanh.