Dân sành Hà thành: Vét bong bóng cá khắp chợ về nhậu

GD&TĐ - Bong bóng cá xào dưa chua, xào ớt,... đang là những món ăn khoái khẩu của người dân Hà thành, nhất là dân nhậu. Để có được 1kg bong bóng cá, dân sành ăn phải bỏ ra gần nửa triệu đồng và phải đặt hàng trước, mua gom mua vét khắp chợ mới có đủ.  

Món bong bóng cá được cho là món khoái khẩu của người Hà Nội mặc dù giá lên đến gần nửa triệu đồng/kg
Món bong bóng cá được cho là món khoái khẩu của người Hà Nội mặc dù giá lên đến gần nửa triệu đồng/kg

Đầu giờ chiều, đang ngồi làm việc, chị Đinh Thị Minh Tân ở Chùa Bộc (Đống Đa, Hà Nội) nhận được tin nhắn “chiều qua lấy bong bóng cá”. Mừng quá, chị nhanh tay ấn số gọi cho chồng, nhắc anh về sớm vì tối nay có món bong bóng cá xào dưa.

Chị Tân chia sẻ, bong bóng cá có vị rất riêng và hấp dẫn, khi xào dưa hay xào ớt, nấu súp,.... ăn vừa dai, vừa giòn. Chồng chị cực mê món này nên bất cứ khi nào bà hàng cá nhắn tin có bong bóng cá tươi để phần, chị đều mua hết bất kể nhiều hay ít.

“Mỗi con cá chỉ có một chiếc bong bóng. Khách mua lẻ thường lấy cả bong bóng về nấu nên món này siêu hiếm. Tôi toàn phải đặt trước để các bà hàng cá gom sẵn, chứ không thì chẳng bao giờ ra chợ mua được cả”, chị nói.

Trước đây, chị không biết ăn món này, mua cá về mổ toàn bỏ hết nội tạng, trong đó có cả bong bóng cá.

Giờ, cứ ra chợ là chị phải lượn qua hàng cá, đặt các bà bán hàng gom cho. Bóng cá nào chị cũng mua, song, nếu được bóng cá trắm, trôi, chép, mè loại to thì ăn ngon nhất. Bởi bong bóng của những loại cá đó rất dày, ăn giòn và cực ngon. Mua về, chị đem rửa thật sạch, sau đó lấy dao rạch cho xì hết phần hơi bên trong rồi rửa lại nước một lần nữa bằng rượu hoặc dấm là có thể đem chế biến được.

“Dù ăn ngon nhưng món ăn này khá tốn kém. Một lạng bong bóng cá bán ngoài chợ giá toàn 45.000-50.000 đồng. Hôm nào may mắn mua được 1kg bong bóng cá cũng hết gần nửa triệu”, chị Tân cho hay.Cùng chung sở thích, chị Lê Thị Nhung ở Trần Cung (Cầu Giấy, Hà Nội) tuần nào cũng đảo qua khu vực bán cá ở chợ gần nhà để đặt mua bong bóng cá.

Chị Nhung kể, ngày trước ở quê, bất kể cá lớn hay cá nhỏ, mẹ chị đều bỏ hết ruột cá, bong bóng cá vào một cái thùng để nấu cám cho lợn ăn. Bây giờ, món bong bóng cá trở thành đặc sản, muốn ăn chị lại phải đặt mua và đi gom của nhiều hàng khác nhau. Hàng nào nhiều thì được 1-2 lạng, hàng nào ít thì được 6-10 cái bong bóng cá.

Bóng cá mua về sơ chế sạch, đem chế biến thành các món: trứng gà chiên bong bóng cá, bong bóng cá nấu súp, bóng cá xào dưa, thậm chí là nấu cháo hay rán,... khi ăn đều thấy được độ dai giòn, béo ngậy rất lạ miệng.

“Hôm nào gom được khoảng vài lạng bong bóng cá là chồng tôi lại dặn tôi làm món bóng cá xào dưa, đơn giản dễ làm lại ngon miệng, để thiết đãi mấy người bạn thân. Chồng tôi bảo món này ngon, hàng hiếm có nên mới đãi khách chứ gà, cá giờ là món ăn thường xuyên, mua dễ nên nhà nào cũng có”, chị Nhung chia sẻ.

Cũng theo chị Nhung, trên thị trường có bán nhiều loại bóng cá khô, nhưng ăn không hấp dẫn như bóng cá tươi nên chị không mấy khi mua.

Bà Nguyễn Thị Hiên, một mối chuyên bán cá tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) thừa nhận, đúng là bong bóng cá giờ được dân sành ăn ở Hà Nội săn mua từng chiếc một.

“Mỗi con cá chỉ có một chiếc bong bóng. Khách mua cá to thì lúc mổ thường yêu cầu giữ lại bong bóng cá, khách mua lẻ từng khúc một thì mới thừa ra. Tuy nhiên, mỗi ngày tôi chỉ bán được khoảng chục con cá to cắt khúc nên có tầm khoảng chục cái bóng cá dư ra, còn lại toàn bong bóng cá bé. Gom lại hết chắc cũng được 1-2 lạng là nhiều”- bà Hiên cho hay.

Theo bà Hiên, do là hàng hiếm, nhu cầu mua ăn lại nhiều nên món bong bóng cá tại chợ này đều được dân buôn gom lại, bán cho những mối quen đã đặt từ trước. Giá bóng cá từ 40.000-50.000 đồng/lạng, tùy bong bóng cá to hay nhỏ.

Bà Hiên cũng tiết lộ, nhiều mối quen khi thấy những bộ lòng cá trắm cũng đặt mua với mức giá 10.000 đồng/bộ để về xào ăn lẫn với bóng cá.

Theo VietnamNet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.