Tuyên bố trên được ông Clause Fredericsen đưa ra trong bài trả lời phỏng vấn tạp chí Berlingske.
“Đó không phải là các hành động của nhóm hacker nhỏ mang tính chất thể thao. Các hacker này có liên quan trực tiếp đến các cơ quan mật vụ hoặc các chính trị gia hàng đầu nước Nga”- Bộ trưởng Clause Fredericsen tuyên bố. Bản báo cáo về các vụ tấn công đối với Bộ Quốc phòng Đan Mạch đã được Trung tâm An ninh mạng thuộc Cơ quan Tình báo Quân sự Đan Mạch chuẩn bị và đưa ra.
Theo Berlingske, đứng sau các vụ tấn công này là nhóm hacker với biệt danh APT28 hay tên khác là Fancy Bear. Các cơ quan mật vụ Mỹ coi nhóm này là của Nga và là thủ phạm đã tấn công vào trang chủ của Ủy ban Trung ương đảng Dân chủ Mỹ trong quá trình thực hiện chiến dịch vận động tranh cử của Mỹ năm 2016.
Theo các tác giả bản báo cáo trên, trong vòng 2 năm các haker đã thực hiện hàng nghìn nỗ lực để tiếp cận được các thư điện tử của các nhân viên Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Đan Mạch.
Báo cáo cũng nhấn mạnh, để đánh lạc hướng các nhân viên Bộ Quốc phòng Đan Mạch, các hacker đã sử dụng các đường link giả mô phỏng gần như chính xác trang web của Bộ Quốc phòng. Ngoài ra, mục đích của các hacker không chỉ là có được các thông tin cần thiết mà còn tuyển dụng các nhân viên của Bộ Quốc phòng Đan Mạch.
Một số các cuộc tấn công của hacker đã thành công nhưng các hacker chỉ có thể tiếp cận được với các thư không phải dạng mật nhưng những thông tin này có thể được sử dụng phục vụ mục đích tuyển dụng cho tình báo Nga.
Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Clause Fredericsen gọi các vụ tấn công trên là “nghiêm trọng” và bày tỏ sự quan ngại rằng các hacker có thể đã tiếp cận đến các lĩnh vực điều hành quốc gia khác của Đan Mạch.
“Tôi tiếp nhận chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch chưa lâu nhưng có thể khẳng định rằng mức độ các cuộc tấn công này là đáng lo ngại và chúng tôi đang tỏ ra khá dễ bị xâm phạm. Có tất cả các lý do để quan ngại điều này”- ông Clause Fredericsen nói khi được điều chuyển từ Bộ trưởng Tài chính sang Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch hồi tháng 11/2016.
Được biết, ngoài Mỹ còn có Hà Lan, Na Uy, Đức và một số quốc gia khác đã lên tiếng cáo buộc các hacker dường như có liên quan đến Chính phủ Nga thực hiện các vụ tấn công mạng vào các nước này.
Giữa tháng 4/2017, Ủy ban Bầu cử của phong trào “Tiến lên phía trước” của ứng cử viên bầu cử Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (người đã giành chiến thắng trong vòng 1 và lọt vào vòng 2 bầu cử Tổng thống Pháp) đã lên tiếng cáo buộc Nga thực hiện các cuộc tấn công mạng. Mục đích của cuộc tấn công này là trợ giúp cho ứng cử viên đảng “Mặt trận Dân tộc” Marine Le Pen và ứng cử viên đảng Cộng hòa Francois Fillon. Trong khi đó, Moscow lên tiếng bác bỏ các cáo buộc này.