Dân lo lắng vì đất đang canh tác bị thu hồi ở Kon Tum

GD&TĐ - Nhiều hộ dân ở huyện Đăk Hà, Kon Tum lo lắng khi đất của gia đình đang canh tác bị thu hồi để Công ty InnovGreen Kon Tum làm dự án.

Anh A Mai lo lắng khoản nợ 50 triệu đồng không thể trả được nếu đất bị thu hồi.
Anh A Mai lo lắng khoản nợ 50 triệu đồng không thể trả được nếu đất bị thu hồi.

Đất canh tác bị thu hồi

Mấy ngày qua, anh A Mai (34 tuổi, thôn 7, xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) mất ăn mất ngủ bởi thông tin khu rẫy hơn 3ha của gia đình ở thôn Đăk Wek (xã Đăk Pxi) sắp bị thu hồi để thực hiện dự án.

Anh A Mai cho hay, một phần đất được cha ông khai hoang rồi để lại cho vợ chồng, số còn lại anh đổi với người dân rồi bù thêm 5 triệu đồng. Từ năm 2012 đến nay, gia đình anh trồng mì để chi tiêu trong gia đình và lo cho con ăn học.

Ngày 6/5, anh A Mai hay tin một số người lạ mặt đến nhổ cây mì giống của gia đình nên tức tốc lên rẫy. Tới rẫy, anh mới biết người của Công ty TNHH MTV InnovGreen Kon Tum nhổ mì để thực hiện dự án trồng rừng.

“Mình đã canh tác trên đất này hàng chục năm, nhưng chưa nhận được thông báo về việc thu hồi đất. Giờ đây đất sắp bị thu hồi mình không biết canh tác và lo toan cho gia đình thế nào. Khoản nợ 50 triệu đồng mình vừa vay của ngân hàng để sửa sang lại nhà cửa không biết làm sao để trả. Còn 7 người con nhỏ đang ăn học nữa…”, anh A Mai thở dài nói.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Lượng (46 tuổi, thôn 7, xã Đăk Pxi) cũng có hơn 3ha đất tại thôn Đăk Wek, xã Đăk Pxi, canh tác được gần 20 năm nay. Diện tích này ông Lượng trồng mì, cho thu nhập khoảng 70 triệu đồng/năm.

Ngày 8/5 vừa qua, người dân báo cây mì giống của gia đình bị Công ty TNHH MTV InnovGreen Kon Tum nhổ bỏ, nên ông Lượng bức xúc tới hỏi. Tại đây hai bên xảy ra mâu thuẫn dẫn đến xô xát.

Tổ chức đối thoại

Ông Nguyễn Văn Lượng cho rằng người của Công ty TNHH MTV InnovGreen Kon Tum đã nhổ bỏ cây mì giống của gia đình.

Ông Nguyễn Văn Lượng cho rằng người của Công ty TNHH MTV InnovGreen Kon Tum đã nhổ bỏ cây mì giống của gia đình.

Ông Đặng Quang Trung, Phó Giám đốc phụ trách Công ty TNHH MTV InnovGreen Kon Tum cho biết, đơn vị đã nhiều lần phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức họp dân, thông báo về việc thu hồi đất để thực hiện dự án trồng rừng; yêu cầu người dân không được tự ý canh tác trên đất công ty đã thuê.

Cũng theo ông Trung, đơn vị tạo điều kiện để người dân thu hoạch mì, tuy nhiên việc bà con xuống giống mới là không đúng.

“Để tránh mâu thuẫn không đáng có, đơn vị đã ý kiến lên UBND xã Đăk Pxi, UBND huyện Đăk Hà để có hướng giải quyết triệt để”, ông Trung nói.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi cho hay, năm 2009 UBND tỉnh Kon Tum có quyết định cho Công ty TNHH MTV InnovGreen Kon Tum thuê đất để trồng rừng nguyên liệu.

Khu đất được giao nằm tại tiểu khu 321 và 324 (xã Đăk Pxi) với diện tích 320ha.

Qua xác minh của UBND xã Đăk Pxi, Công ty đã trồng rừng đến năm 2022 khoảng hơn 95ha. Diện tích còn lại khoảng 224ha (gồm khoảng 100ha rừng tự nhiên phục hồi và diện tích người dân xâm canh khoảng hơn 100ha).

“Đơn vị sẽ rà soát lại diện tích đất của bà con rồi báo cáo lên các cơ quan cấp trên để có phương án hỗ trợ, ổn định cuộc sống; đồng thời lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ giống heo, dê… cho bà con”, ông Bình nói.

Còn ông Đặng Ngọc Tiến, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đăk Hà cho biết, UBND huyện đã chỉ đạo đơn vị phối hợp với UBND xã Đăk Pxi giải quyết tranh chấp giữa người dân và Công ty TNHH MTV InnovGreen Kon Tum.

Theo ông Tiến, khu vực đất tranh chấp chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, canh tác. Việc xác định nguồn gốc đất cũng khá phức tạp, khó khăn. Đơn vị sẽ xác minh nguồn gốc đất tranh chấp.

“Sau xác minh, đơn vị sẽ tổ chức buổi đối thoại giữa UBND xã - người dân - Công ty. Nếu vấn đề vượt quá thẩm quyền đơn vị sẽ tham mưu UBND huyện Đăk Hà kiến nghị UBND tỉnh Kon Tum có phương án xử lý, giải quyết triệt để”, ông Tiến nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ